Biên phòng - Ngày 25-7, hàng triệu cử tri Pakistan đã đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử được coi là tối quan trọng đối với quốc gia Nam Á này. Cuộc bầu cử nhằm bầu ra một chính phủ mới cho nhiệm kỳ 5 năm với hy vọng mang lại những tiến bộ về kinh tế và ổn định cho quốc gia vốn nhiều bất ổn này.

Theo Ủy ban Bầu cử Pakistan (ECP), đúng 8 giờ sáng (địa phương), hơn 85.000 điểm bỏ phiếu trên cả nước đã mở cửa đón các cử tri. Hơn 3.400 ứng cử viên đã đua tranh vào 272 ghế tại quốc hội và gần 8.400 ứng cử viên vào 577 vị trí đại biểu tại 4 hội đồng lập pháp tỉnh gồm Khyber Pakhtunkhwa, Punjah, Balochistan và Sindh.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử cho 2 vị trí tại quốc hội và 6 vị trí cho các hội đồng lập pháp tỉnh đã phải hoãn lại do nhiều lý do, trong đó có một số ứng cử viên thiệt mạng và bị thương do các vụ đánh bom nhằm vào chiến dịch vận động tranh trước thềm cuộc bầu cử.
Mặc dù giới chức Pakistan đã triển khai hơn 800.000 cảnh sát và binh lính quân đội tại hơn 85.000 điểm bỏ phiếu trong cả nước, song ngay trong ngày bầu cử đã xảy ra một vụ đánh bom liều chết làm ít nhất 29 người thiệt mạng và 35 người bị thương tại thành phố Quetta, Tây Nam Pakistan. Cảnh sát trưởng thành phố Quetta cho biết, kẻ đánh bom đã kích hoạt khối thuốc nổ giấu trong người khi bị lực lượng cảnh sát chặn lại bên ngoài điểm bỏ phiếu ở khu vực phía Đông thành phố này.
Theo giới chức y tế, số người thiệt mạng có thể tăng do có nhiều người bị thương rất nặng. Ngay sau vụ tấn công này, chính quyền thành phố đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp tại tất cả các bệnh viện ở Quetta. Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã tuyên bố chủ mưu vụ tấn công liều chết.
Tổng tuyển cử lần này là cuộc chạy đua giữa 3 đảng, gồm đảng Liên đoàn Hồi giáo (PML-N) của cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif - người đang bị tù giam, đảng Phong trào Công lý Pakistan (PTI) do cựu ngôi sao bóng gậy cricket là ông Imran Khan đứng đầu và đang được giới trẻ ủng hộ, và đảng Nhân dân Pakistan (PPP).
Thời gian đầu, đảng cầm quyền được dự đoán sẽ giành chiến thắng. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ ông Nawaz Sharif đã giảm mạnh sau khi Tòa án Tối cao nước này hồi tháng 7-2017 phế truất chức Thủ tướng của ông trong phiên xét xử ông với các cáo buộc tham những. Tòa án Tối cao Pakistan sau đó đã ra lệnh cấm ông Nawaz Sharif vĩnh viễn không được tham gia tranh cử. Sau quyết định trên, ông Shahid Khaqan Abbasi lên nắm quyền lãnh đạo đảng PML-N.
Giới phân tích nhận định, dù đảng nào lên cầm quyền sau tổng tuyển cử lần này thì tình hình chính trị ở Pakistan chưa hết bất ổn do phải đối mặt với nhiều thách thức. Ở trong nước, bất đồng giữa các đảng phái chính trị cũng như bất ổn kinh tế sẽ khiến cho đảng cầm quyền gặp khó khăn trong khi điều hành đất nước. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đó chính là bảo đảm an ninh ở quốc gia Nam Á này.
Về đối ngoại, hiện nay quan hệ giữa Pakistan và Mỹ đang ở mức thấp. Quan hệ giữa Islamabad và Washington đã xấu đi kể từ tháng 8 năm ngoái sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo chính sách mới đối với Nam Á và Afghanistan, đồng thời cáo buộc Pakistan cung cấp nơi ẩn náu cho các nhóm phiến quân để thực hiện các vụ tấn công nhằm vào những lực lượng do Washington hậu thuẫn ở Afghanistan. Do vậy, cải thiện quan hệ với Washington cũng là một thách thức đối với chính quyền mới của Pakistan.
Dù đối mặt với nhiều thách thức, song người dân ở quốc gia Nam Á này vẫn tin tưởng vào sự lựa chọn của mình để tìm ra nhà lãnh đạo mới có thể chèo lái con thuyền Pakistan vượt qua khó khăn, đưa đất nước đi vào ổn định và phát triển.
Thu Uyên