Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 13/09/2024 05:52 GMT+7

Tổng kết công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình

Biên phòng - Chiều 9-5, tại Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa, BĐBP 9 tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, Hải đoàn 38 và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực I tổ chức hội nghị Tổng kết công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.

dai-ta-le-van-hung-chi-huy-truong-bdbp-thanh-hoa-phat-bieu-tai-hoi-nghi
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Xuân Thủy

Theo báo cáo tại hội nghị, vùng biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình rộng khoảng 65.000 km2. Đây là các khu vực thường xuyên xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, sự cố, tai nạn, đâm va tàu thuyền.

Năm 2018 đến nay, khu vực này đã chịu ảnh hưởng của 14 cơn bão, áp thấp nhiệt đới và 9 đợt gió mạnh trên biển; xảy ra 425 vụ tai nạn/398 phương tiện và 1.770 người bị nạn. Hậu quả làm chết 67 người, mất tích 22 người, bị thương 20 người; chìm đắm, hư hỏng 182 phương tiện. Nguyên nhân chủ yếu do giông, lốc xoáy, sự cố, đâm va, cháy nổ, tai nạn rủi ro, một số ngư dân không tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn, chủ quan, bất cẩn khi hành nghề.

Trước tình hình trên, các đơn vị trong khu vực luôn xác định rõ trách nhiệm, tầm quan trọng trong công tác phối hợp đảm bảo an ninh hàng hải và tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Trên cơ sở nội dung quy chế, các đơn vị đã làm tốt công tác phối hợp, cụ thể hóa thành kế hoạch thực hiện, tăng cường trao đổi thông tin, tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào cửa sông, cửa lạch và trên biển. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn hàng hải; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương sở tại triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo bão, làm tốt công tác kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.

Từ đầu năm 2018 đến nay, các đơn vị đã phối hợp cứu hộ cứu nạn được 218 vụ với 218 phương tiện và 1.114 người bị nạn trên biển đưa vào bờ an toàn. Tổ chức 8 hội nghị tuyên truyền tập trung cho cán bộ, ngư dân ven biển với hơn 1.300 lượt ngư dân tham gia, tập trung vào Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc; Luật Biển Việt Nam 2012; Luật Thủy sản 2017; Nghị định 71/2015/NĐ-CP; Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép hải sản, nhất là sau khi Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo "thẻ vàng" với ngành đánh bắt hải sản Việt Nam; cấp miễn phí gần 2.000 phao cứu sinh và 300 túi thuốc y tế cho ngư dân.

xkwp8r53y4-14072_f_jvgczr1i1_Hi_i_2_BBP_Thanh_Ha_trin_khai_nhim_v_tm_kim_cu_nn_trn_bin
Hải đội 2, BĐBP Thanh Hóa triển khai nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển. Ảnh: Xuân Thủy
9gl4wieyfx-14072_f_jvgczr0h0_BBP_THANH_HA_CU_NN_X_LAN_B_TRI_DT_TRN_BIN
BĐBP Thanh Hóa cứu nạn xà lan trôi dạt trên biển. Ảnh: Xuân Thủy

Thời gian tới, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết sẽ diễn biến bất thường; lưu lượng tàu thuyền hoạt động ngày càng tăng cả về số lượng và công suất máy; một số phương tiện chưa tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật khi hành nghề tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, sự cố. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp, các đơn vị thống nhất tập trung lãnh đạo thực hiện tốt Quy chế 3527 ngày 8-10-2013 giữa Cục Hàng hải Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP.

Theo dõi nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai, tai nạn, sự cố; khai thác có hiệu quả kênh thông tin tìm kiếm cứu nạn giữa các đơn vị và giữa đơn vị với ngư dân; duy trì nghiêm chế độ ứng trực lực lượng, phương tiện, chế độ trao đổi thông tin và phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi khai thác hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Xuân Thủy

Bình luận

ZALO