Biên phòng - Ngày 20-7, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp (2003-2018) tại 71 điểm cầu trong cả nước, nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện về tình hình thực hiện pháp lệnh trong 15 năm qua.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tới dự và chỉ đạo hội nghị. Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị.
Cùng dự có Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng; Thượng tướng Phạm Hồng Hương, Phó tổng Tham mưu trưởng; Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và đại diện các bộ, ngành Trung ương...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, Pháp lệnh Động viên công nghiệp là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất về động viên công nghiệp; pháp lệnh tạo hành lang pháp lý để huy động các doanh nghiệp công nghiệp ngoài lực lực vũ trang tham gia bảo đảm trang bị cho Quân đội.
Sau 15 năm triển khai thực hiện, trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực trong nước có nhiều tác động ảnh hưởng, bối cảnh hội nhập kinh tế đổi mới phát triển công nghiệp và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các ngành công nghiệp nước ta phát triển nhanh chóng và trở thành động lực tăng trưởng kinh tế. Yêu cầu nhiệm vụ quân sự quốc phòng, huy động mọi nguồn của đất nước trong chiến lược bảo đảm vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang ngày càng mở rộng.
Báo cáo tổng kết nêu rõ: Qua 15 năm thực hiện pháp lệnh, các địa phương, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của việc huy động năng lực các doanh nghiệp công nghiệp, tạo sự chuyển biến quan trọng về tư tưởng, trách nhiệm cũng như sự đồng thuận của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong thực hiện pháp lệnh.
Bộ Quốc phòng cũng đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp phù hợp trong cả nước và lựa chọn những doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia động viên công nghiệp, đáp ứng được việc sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ cho công tác quốc phòng.
Việc huy động các doanh nghiệp công nghiệp tham gia phục vụ quốc phòng đã phát huy ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng tại các địa phương, phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân, đề cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về động viên công nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành địa phương trong thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp. Quá trình triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp đã khẳng định được giá trị và tính đúng đắn của chủ trương, nhằm huy động nguồn lực quốc dân chuẩn bị cho nhiệm vụ quốc phòng ngay từ thời bình.
Bộ Quốc phòng đã chủ động làm tốt vai trò tham mưu cho Đảng, Nhà nước về thực hiện chủ trương kết phát triển kinh tế đi đôi củng cố quốc phòng. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh các quy định của pháp luật về động viên công nghiệp.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục nghiên cứu phát huy tiềm năng của từng địa phương trong xây dựng thế trận phòng thủ. Trên cơ sở đó, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng công nghiệp quốc phòng và cơ chế chính sách phát huy động các tiềm năng cho động viên công nghiệp quốc phòng trong điều kiện mới.
Hồng Pha