Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 10/09/2024 12:35 GMT+7

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Nghị quyết của Bộ Chinh trị về "Xây dựng BĐBP trong tình hình mới"

Biên phòng - Cuối tháng 11 năm 1995, tại Cơ quan Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức Hội nghị Quân chính toàn lực lượng để quán triệt Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 8/8/1995 của Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Xây dựng BĐBP trong tình hình mới". Đồng chí Lê Khả Phiêu lúc đó là Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng trực tiếp quán triệt và triển khai Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế tháng 11-1999. Ảnh: Tư liệu

Trước thời điểm đó, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành các Nghị quyết quan trọng đánh dấu sự ra đời và thay đổi tổ chức của lực lượng BĐBP, trước đây là Công an nhân dân vũ trang gồm: Nghị quyết số 58/NQ-TW, ngày 19/11/1958 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II về “Thành lập lực lượng bảo vệ nội địa và biên phòng”, đánh dấu sự ra đời lực lượng Công an Nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng)"; Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/10/1979 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV về việc “Chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng Công an Nhân dân vũ trang sang Bộ Quốc phòng thành lực lượng Bộ đội Biên phòng”; Nghị quyết số 07/NQ-TW, ngày 30/11/1987 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI về “Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”, nghị quyết đã chỉ rõ: “Chuyển giao lực lượng Bộ đội Biên phòng cho Bộ Nội vụ trực tiếp phụ trách” (tức Bộ Công an hiện nay); đồng thời, tại Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 31/5/1988 của Ban Bí thư về “Chuyển giao lực lượng Bộ đội Biên phòng từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Nội vụ” đã ghi rõ: “Bộ Quốc phòng chuyển giao nhiệm vụ, toàn bộ tổ chức, biên chế, trang bị và cơ sở vật chất, kỹ thuật của lực lượng Bộ đội Biên phòng sang Bộ Nội vụ. Lực lượng Bộ đội Biên phòng đặt dưới sự chỉ đạo, chỉ huy toàn diện của Bộ trưởng Bộ Nội vụ”.

Chúng tôi những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của BĐBP các tỉnh, thành trong toàn quốc rất phấn khởi khi được trực tiếp lĩnh hội quán triệt Nghị quyết từ đồng chí Lê Khả Phiêu. Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 8/8/1995 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới” đã quyết định chuyển lực lượng Bộ đội Biên phòng từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng và xác định nhiệm vụ công tác biên phòng trong tình hình mới rất toàn diện, bao gồm: “Bảo vệ biên giới trên bộ, trên biển; bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống xâm nhập và chống buôn lậu qua biên giới; bảo vệ tài nguyên của đất nước; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với các nước láng giềng. Phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng thi hành các điều ước quốc tế, các hiệp ước, hiệp định; tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên giới tăng cường đoàn kết, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh”.

Chúng tôi nhớ mãi ngày ấy, trong giờ nghỉ giải lao, đồng chí Lê Khả Phiêu trò chuyện và chụp ảnh với đoàn đại biểu chỉ huy Biên phòng các tỉnh biên giới phía Bắc, đồng chí nói: “Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết này (Nghị quyết số 11-NQ/TW), trong tình hình hiện nay là để cho đất nước phát triển, để thống nhất lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân, để BĐBP vững mạnh, ổn định. Trong tình hình hiện nay cần được xây dựng một lực lượng thật sự vững mạnh, làm nòng cốt bảo vệ độc lập chủ quyền biên giới Quốc gia, phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng thi hành các hiệp ước, hiệp định, xây dựng biên giới hòa bình, hợp tác, phát triển, các đồng chí cần làm cho anh em cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng và chấp hành nghiêm túc Nghị quyết của Bộ Chính trị …”.

Được biết, trước khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW (khóa VII), đồng chí Lê Khả Phiêu đã có nhiều công lao chỉ đạo các bộ, ban, ngành chuẩn bị công phu xây dựng Nghị quyết 11-NQ/TW. Sau này, ngày 22/12/2004, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ra Thông báo số 165-TB/TW về tổ chức Bộ đội Biên phòng nhấn mạnh: Công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng Bộ đội Biên phòng phải bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng và các tỉnh ủy, thành ủy (nơi có Bộ đội Biên phòng). Giữ ổn định lâu dài hệ thống tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng như Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 08/8/1995 của Bộ Chính trị. Bộ đội Biên phòng là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, được chỉ huy, đảm bảo thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cơ sở, với 3 cấp: Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố và Đồn Biên phòng. Thường xuyên phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn; khi có chiến tranh, thực hiện theo quy chế của Bộ Quốc phòng.

Chúng tôi nghĩ, Nghị quyết 11-NQ/TW, (khóa VII) ra đời gắn liền với sự phát triển, ổn định của BĐBP Việt Nam. Từ đường lối, quan điểm này của Đảng, sau này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở ban hành Pháp lệnh BĐBP và hiện nay đang xây dựng hoàn chỉnh thành Luật Biên phòng Việt Nam.

Sau 25 năm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW (khóa VII), đây là thời kỳ ổn định lâu dài và trưởng thành, phát triển nhất của BĐBP. Với lực lượng BĐBP, đây là Nghị quyết quan trọng, toàn diện của Đảng đối với một lực lượng chuyên trách, nòng cốt bảo vệ biên giới, trong đó có công lao hết sức trách nhiệm, nghiêm túc, tầm nhìn của đồng chí Lê Khả Phiêu đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đại tá Nguyễn Quang Vinh - Nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Chỉ huy về Chính trị BĐBP Quảng Ninh (1991-10/2000)

Bình luận

ZALO