Biên phòng - Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018 được tổ chức tại Hà Giang, từ ngày 12 đến 14-5. Phóng viên (PV) Báo Biên Phòng đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang xung quanh vấn đề bảo vệ, phát huy hát Then trong đời sống đương đại.

PV: Đề nghị ông cho biết, trong khuôn khổ Liên hoan hát Then, đàn tính 2018 có những hoạt động gì?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Tham gia các hoạt động tại liên hoan lần này có 14 tỉnh, thành có đông đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái sinh sống gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Đắk Lắk.
Trong khuôn khổ liên hoan, diễn ra một số hoạt động như: Trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm, triển lãm ảnh về chủ đề “Di sản văn hóa Then các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam và tỉnh Hà Giang”; giới thiệu nghề dệt vải truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Thái; biểu diễn, giới thiệu di sản hát Then, đàn tính...
Cũng trong khuôn khổ liên hoan, tỉnh Hà Giang tổ chức một số hoạt động như: Khánh thành giai đoạn I cụm tượng đài Thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc; hội thi chim họa mi; thi rót nước vào chai, địu nước, tung còn; thi mâm cỗ dâng hương, thi làm bánh dày và giao lưu ẩm thực các dân tộc; lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà, hội đua ngựa...; đặc biệt, Lễ hội chợ tình Khau Vai được tổ chức tại thị trấn Mèo Vạc và xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc.
PV: Thưa ông, điểm nhấn và kỳ vọng ở Liên hoan hát Then, đàn tính 2018 là gì?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Thứ nhất, chương trình nghệ thuật có nhiều đổi mới hơn so với lần thứ V. Ví dụ, phần đầu chương trình nghệ thuật, chúng tôi lấy cốt truyện của câu chuyện Chợ tình Khau Vai và mỗi chương có kịch bản khá đặc biệt, mang tính nổi trội đặc trưng của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở 14 tỉnh.
Đối với công tác tổ chức thi, Ban chỉ đạo (BCĐ), Ban tổ chức (BTC) đưa ra nội dung cụ thể cho các đoàn nắm được, nhằm làm nổi bật yếu tố bảo tồn, phát huy được giá trị Then cổ; đồng thời, khuyến khích trình diễn Then mới trong đời sống đương đại.
Liên hoan hát Then, đàn tính 2018 là hoạt động văn hóa với quy mô toàn quốc, nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc bao đời nay gắn bó với các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Đây cũng là hoạt động góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân các vùng có nghệ thuật hát Then, đàn tính; là cầu nối giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa nghệ nhân, diễn viên các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong khu vực.
Còn đối với Hà Giang, đây là cơ hội để tỉnh quảng bá, giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế về hình ảnh, con người Hà Giang. Đây cũng là hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Hà Giang nói chung và dân tộc Tày, Nùng, Thái nói riêng.
PV: Thưa ông, tại Hà Giang, việc bảo tồn nghi lễ hát Then diễn ra như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Hiện nay, Hà Giang rất quan tâm đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Chúng tôi có các đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc. Trên cơ sở đề án đó, chúng tôi đã đưa vào các trường học để truyền dạy cho các em học sinh sử dụng nhạc cụ, múa hát truyền thống của các dân tộc, đặc biệt là các lễ hội văn hóa. Hàng năm, ở trường học, đặc biệt ở các thôn, tổ dân phố có đông đồng bào Tày đều có các hoạt động giao lưu, tổ chức thi để thấy được sự gìn giữ, bảo tồn, truyền dạy ở mỗi địa phương. Có thể nói, trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện nay, chúng tôi đang làm khá tốt.
PV: Ngày nay, cùng với Then cổ còn có Then mới. Tỉnh phát triển song song hai loại hình Then này như thế nào để phù hợp với đời sống hiện đại?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Song song với việc bảo tồn Then cổ thì tỉnh cũng chú trọng phát triển Then mới có định hướng để làm sao nó không bị lệch lạc, không bị mai một, sai lệch với nội dung của Then cổ; chỉ cải biên về mặt nghệ thuật, còn nội dung phải bảo tồn, phát huy được giá trị Then cổ. Không phải chúng ta đưa Then mới vào mà lại tách Then cổ ra. Đó là yếu tố rất quan trọng khi chỉ đạo cũng như hướng dẫn, chúng tôi đều yêu cầu các địa phương quan tâm đến nội dung này. Hà Giang thành lập những hội nghệ nhân dân gian đến tận thôn, bản. Các hội này có trách nhiệm tuyên truyền về bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cũng như truyền dạy cho các thế hệ trẻ.

PV: Đối với các nghệ nhân Then cổ đã lớn tuổi, tỉnh Hà Giang có chế độ gì với họ, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Vừa qua, UBND tỉnh Hà Giang đã công nhận danh hiệu nghệ nhân đợt 1, vinh danh 12 Nghệ nhân dân gian, trong đó có nghệ nhân gìn giữ Then cổ. Tỉnh có công nhận riêng và động viên, khuyến khích để cho các nghệ nhân, đặc biệt nghệ nhân lớn tuổi để họ thấy được khi người ta có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ cũng như truyền dạy Then cổ thì được xã hội công nhận, tôn vinh.
Hàng năm, Hà Giang có một phần kinh phí hỗ trợ cho các hội nghệ nhân dân gian hoạt động, trong đó có hỗ trợ cho cá nhân các nghệ nhân.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hát Then là hoạt động văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 15 và đầu thế kỷ 16. Loại hình nghệ thuật này là sự kết hợp của ngữ văn, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian và có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội. Hát Then thường được diễn ra vào những dịp hội làng, cầu đảo của từng gia đình, dòng họ đầu năm mới... Tháng 3-2017, Hồ sơ quốc gia về “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được trình UNESCO để dự xét vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Thanh Thuận (Thực hiện)