Biên phòng - Lần đầu tiên, công chúng được khám phá, tìm hiểu về sự phong phú, đa dạng và độc đáo của các linh vật Việt Nam, qua hơn 100 hiện vật tiêu biểu được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đợt trưng bày lần này nhằm khơi gợi niềm tự hào về bản sắc văn hóa Việt Nam, từ đó nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc của người Việt Nam trong việc sử dụng các biểu tượng văn hóa.
![]() |
(1) Tượng kỳ lân, chất liệu gỗ, thế kỷ XIX, XX. (2) Hình rồng chạm trên đồ cửa - chất liệu đá, thời Lý, chùa Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh |
Phòng trưng bày chuyên đề "Linh vật Việt Nam" giới thiệu tới công chúng 27 loại hình linh vật, với gần 100 hiện vật tiêu biểu gồm nhiều chất liệu khác nhau như: Vàng, ngọc, đá, đồng, đất nung, gốm, gỗ...
Đến với phòng trưng bày này, ngoài các loại hình linh vật đã từng được nhắc tới nhiều như: Rồng, kỳ lân, rùa, long mã, phượng, sư tử-nghê, hổ, rắn... người xem còn được chiêm ngưỡng nhiều hình tượng linh vật khác như: Vật tổ trong văn hóa Đông Sơn; hạc, cá hóa rồng, ngựa có cánh, chim thần Garuđa, si vẫn, bồ lao, thao thiết, tiêu đồ, tích tà; chó, voi, khỉ, uyên ương, 12 con giáp... Tất cả các hiện vật này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
"Trong 27 loại hình linh vật này, có những linh vật xuất hiện liên tục, ví dụ như rồng, nghê-sư tử; có những linh vật xuất hiện trong một thời gian ngắn như hình ảnh con ngựa có cánh. Mỗi hình tượng linh vật có đặc thù riêng, nhưng có nét chung là sự tinh tế, không tuân theo quy tắc, quy luật. Nó được sáng tạo ngẫu hứng, thấm đẫm tâm hồn người Việt Nam"- Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hữu, Phó Trưởng phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, giới thiệu thêm.
Linh vật là những con vật huyền thoại hoặc có thật đã được linh hóa, do con người sáng tạo và sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng và niềm tin tâm linh, tôn giáo. Linh vật thường được mô tả trong thần thoại, truyền thuyết và được biểu đạt trong nghệ thuật tạo hình. Người xưa tin rằng, linh vật là hiện thân của các lực lượng tự nhiên hoặc mang những đặc tính huyền bí, năng lực siêu nhiên có thể chi phối nhân sinh, vũ trụ.
Linh vật trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam có nhiều loại khác nhau, do người Việt Nam sáng tạo nên hoặc qua giao lưu, tiếp biến từ các nền văn hóa bên ngoài, được sử dụng rộng rãi từ rất lâu đời, phản ánh sâu sắc đời sống tâm linh, văn hóa dân tộc. Mỗi linh vật trong quá trình hình thành, phát triển vừa thể hiện bản sắc riêng phù hợp với truyền thống văn hóa, vừa mang đặc điểm, phong cách nghệ thuật đặc trưng riêng của mỗi thời kỳ lịch sử.
Theo TS Nguyễn Văn Đoàn, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, với bộ sưu tập hiện vật về linh vật Việt Nam phong phú và đa dạng, Bảo tàng mong muốn đưa đến cho công chúng một cái nhìn sâu rộng hơn về những nét đặc sắc của linh vật Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc.
"Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn giới thiệu cho người xem tương đối đầy đủ và phong phú về linh vật, từ thời kỳ sơ khai đến nay, được thể hiện trong đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Với sự phản ánh phong phú về loại hình trong không gian rộng hơn, chúng tôi mong muốn chuyển tải tới người xem những thông tin lý thú về linh vật Việt Nam, thông qua đó, phản ánh quan niệm về đời sống nhân sinh của con người, thể hiện nét bản sắc văn hóa Việt Nam" - TS Nguyễn Văn Đoàn nói.
Quá trình trưng bày chuyên đề "Linh vật Việt Nam", Bảo tàng còn ứng dụng công nghệ trình chiếu, tương tác 3D một số hiện vật đặc sắc nhằm giúp người xem có được cảm nhận sự phong phú, đa dạng của bộ sưu tập Linh vật Việt Nam hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Theo TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cách trưng bày lần này có nhiều điểm mới: "Chủ đề này được lựa chọn với các chất liệu khác nhau, trải dài theo nhiều thế kỷ, nhưng cách trưng bày khác, trước đây, chúng tôi trình bày theo thời gian, lần này, trưng bày theo từng cụm linh vật, xen kẽ, sinh động hơn. Mỗi hiện vật đều có nhãn chú thích. Trình bày sinh động còn phụ thuộc vào thiết bị trưng bày, ánh sáng".
Với bộ sưu tập hiện vật đẹp và phong phú, trưng bày "Linh vật Việt Nam" thu hút đông đảo công chúng tới xem. "Xem phòng trưng bày, tôi rất thích, vì được chiêm ngưỡng những linh vật Việt Nam cụ thể, có đặc điểm Việt Nam. Đặc biệt là hình tượng con nghê mang bản tính hiền lành, chân thật. Tôi còn nhìn thấy những hình tượng khác như: Rồng, phượng, voi... qua đó, góp phần mở rộng kiến thức văn hóa. Các linh vật ở đây rất đẹp, nên giới thiệu rộng rãi để mọi người hiểu biết sâu sắc hơn về linh vật Việt Nam" - ông Trần Đăng Khoa, trú tại phố Đội Cấn, Hà Nội, nêu cảm nhận.
Qua việc tổ chức trưng bày chuyên đề "Linh vật Việt Nam" nhằm giúp người xem khám phá, tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về sự phong phú, đa dạng và độc đáo của linh vật Việt cũng như diễn biến phát triển, đặc điểm tạo hình, phong cách nghệ thuật, chức năng sử dụng cùng những ý nghĩa, biểu tượng văn hóa của chúng, khơi gợi niềm tự hào về bản sắc văn hóa Việt Nam, từ đó, nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc trong việc sử dụng các biểu tượng văn hóa. Trưng bày mở cửa đón công chúng từ nay đến đầu năm 2016.