Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 02:04 GMT+7

Campuchia – Thái Lan:

“Tôn trọng phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế”

Biên phòng - Ngày 11-11, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã khẳng định, Cam-pu-chia có chủ quyền đối với khu vực xung quanh ngôi đền cổ Prếch Vi-hia với diện tích 4,6km2. Sau phán quyết này, Thái Lan phải rút toàn bộ lực lượng quân sự, cảnh sát và nhân viên an ninh đang hiện diện ra khỏi vùng đất tranh chấp chủ quyền trước đây.

 44611a.gif
Xét tổng thể, sẽ không có một người Thái nào, hoặc một người Cam-pu-chia nào sẵn sàng chấp nhận phán quyết bất lợi cho quốc gia mình do ICJ đưa ra.

Quyết định của ICJ mang tính chất ràng buộc và các bên không thể kháng nghị. Thẩm phán Pi-tơ Tôm-ca, Chủ tịch ICJ cho biết, Tòa án đã căn cứ vào quyết định năm 1962 để đưa ra quyết định này. Trong phán quyết năm 1962, ICJ đã công nhận Cam-pu-chia có chủ quyền đối với ngôi đền cổ Prếch Vi-hia. Tuy nhiên, tháng 4-2011, chính quyền Cam-pu-chia gửi khiếu nại tới ICJ yêu cầu giải thích rõ phán quyết năm 1962 để giải quyết dứt khoát vụ tranh chấp bùng phát giữa hai nước vào năm 2008, khi UNESCO công nhận ngôi đền Prếch Vi-hia là di sản văn hóa nhân loại.

Trong suốt nhiều tháng qua, ICJ đã xem xét, nghiên cứu hết sức tỉ mỉ và thận trọng quyết định đã có từ 50 năm trước đây về vụ tranh chấp này. Quyết định được đưa ra một phần dựa trên cơ sở những thuyết minh, giải thích kèm theo các bản Hiệp ước cũ, các bản đồ cũ và những tài liệu khác liên quan đến lịch sử của ngôi đền. Nói cách khác, tất cả công việc này không khác gì một cuộc điều tra, nghiên cứu lịch sử cũng như những cơ sở pháp lý xét xử.

Năm 2012, sau khi ICJ đưa ra phán quyết yêu cầu cả Cam-pu-chia và Thái Lan phải rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi khu vực ngôi đền cổ của người Khơ-me, hai nước đã rút hàng trăm binh lính quân đội khỏi khu vực tranh chấp vào tháng 7-2012 và thay vào đó bằng lực lượng cảnh sát và an ninh.

Các tranh chấp biên giới, lấn chiếm lãnh thổ, xung đột vũ trang và đàm phán hòa bình giữa hai nước láng giềng Cam-pu-chia và Thái Lan đã diễn ra luân phiên trong suốt 7 thế kỷ qua, sau thời kỳ cực thịnh của đế quốc Khơ-me với nhiều đền đài lộng lẫy được xây dựng ở khu vực sát biên giới Thái Lan ngày nay. Prếch Vi-hia là ngôi đền Hin-đu cổ thờ thần Si-va, được xây từ 900 năm trước, tọa lạc trên đỉnh núi Dâng-rếch. Thái Lan không phản đối chủ quyền của Cam-pu-chia đối với ngôi đền được UNESCO công nhận này. Song, cả hai phía đều khẳng định quyền sở hữu vùng đất rộng 4,6km2 xung quanh đền Prếch Vi-hia. Con đường dẫn lên Prếch Vi-hia từ phía Cam-pu-chia vô cùng dốc và hiểm trở, trong khi con đường dẫn từ phía Thái Lan lên đền lại thuận lợi hơn nhiều.

Sau phán quyết của ICJ, Ngoại trưởng Cam-pu-chia Hô Nam Hông cho biết: “Tòa án đã đưa ra phán quyết sau một thời gian dài và chúng tôi cần nghiên cứu kỹ phán quyết này. Hai nước cần tự tiến hành các cuộc đàm phán song phương”. Phía Cam-pu-chia còn cho biết thêm, chính quyền nước này sẽ nỗ lực “tránh vướng vào cuộc xung đột với những nhân vật cực đoan của Thái Lan, đồng thời tìm cách thúc đẩy hợp tác và trao đổi thông tin giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai nước. Hiện tại, quân đội hai nước đóng quân dọc biên giới đang duy trì quan hệ hợp tác khá thân thiện và thuận lợi”.

Giôn Bơ-gít, tác giả một cuốn sách về lịch sử Cam-pu-chia khi trả lời đài truyền hình BBC News, cho rằng “đây rõ ràng là chiến thắng của Cam-pu-chia”. Và theo ông, Thái Lan cũng sẽ không dễ dàng chấp nhận phán quyết này. Về phía Thái Lan, Thủ tướng Dinh-lúc Xin-vắt cam kết sẽ “thảo luận” với phía Cam-pu-chia nhằm tránh gây ra xung đột. Nhiều người lo ngại rằng, phán quyết bất lợi cho Thái Lan cũng sẽ làm gia tăng sự tức giận của các lực lượng dân tộc cứng rắn. Trả lời trên truyền hình mới đây, Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen kêu gọi các lực lượng vũ trang “giữ bình tĩnh và kiềm chế”, đồng thời nhấn mạnh, ông và người đồng cấp Thái Lan đã nhất trí sẽ tôn trọng phán quyết của ICJ.

Vũ Huế - Thanh Tâm (Theo AFP và t/c Ngoại giao Nhật Bản)

Bình luận

ZALO