Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 03:44 GMT+7

Tồn tại nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý, quy hoạch đất đô thị

Biên phòng - Ngày 27-5, Quốc hội thảo luận về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

0jxi9sv2gm-14761_f_jw65mcok0_a1
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: Minh Hải

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, chính sách đất đai, công tác quản lý nhà nước về đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy vai trò sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước quản lý. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch. Công tác thu hồi, giao đất, cho thuê đất cơ bản thực hiện đúng theo quy định của pháp luật… Từng bước hạn chế những khiếu nại, khiếu kiện tranh chấp đất đai.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), việc sử dụng đất đô thị có nhiều đổi mới, bức tranh toàn cảnh về đô thị nhiều khởi sắc, tạo lập được không gian đô thị khang trang, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội trong thời kỳ mới. Nhiều doanh nghiệp có những đóng góp rất quan trọng, tạo đất đầm lầy, đất thường trở thành đất vàng, trở thành khu đô thị khang trang. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn nhiều bất cập hạn chế thậm chí là hết sức yếu kém trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

“Một số trường hợp quản lý đất đai do năng lực, thiếu trách nhiệm đã đưa ra dự báo về phát triển kinh tế - xã hội, thiếu tầm nhìn bao quát, dài hạn nên chất lượng công tác quy hoạch đô thị chưa cao, thiếu đồng bộ, thiếu tính khả thi dẫn đến nhiều quy hoạch sau khi được phê duyệt phải điều chỉnh nhiều lần. Có những khu vực quy hoạch, thực hiện dự án, do chi phối của các doanh nghiệp nên việc quy hoạch đi theo lợi ích doanh nghiệp, lợi ích cá nhân và làm cho quy hoạch thay đổi gây bức xúc cho người dân” - Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh.

xqv9diwma6-14761_f_jw65mcq11_a2
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà. Ảnh: Minh Hải

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy nhiều nơi các cấp ngành, chính quyền địa phương còn lỏng lẻo trong công tác quản lý, để phát sinh nhiều tiêu cực, xảy ra nhiều sai phạm, tranh chấp sử dụng đất đai không đúng mục đích. Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận), vấn đề bức xúc nhất hiện nay, người dân chưa đồng tình với quy định tại Điều 62 Luật Đất đai quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, quốc phòng - an ninh và công cộng.

Quy định này chưa làm rõ thế nào là lợi ích quốc gia, công cộng, dẫn đến việc phân định giữa thực hiện các dự án công trình sản xuất kinh doanh theo Điều 73 Luật Đất đai và dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng rất mơ hồ. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp khi thực hiện dự án đều cố gắn dự án với tính chất là phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, dẫn đến giá đất đền bù cũng sẽ theo khung giá của Nhà nước quy định. Không phải thỏa thuận với người dân và thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Dẫn đến chính sách bị lợi dụng, xuất hiện lợi ích nhóm, tham nhũng về chính sách, nhất là đối với các dự án xây dựng đô thị mới, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn…

Những sai phạm trên làm mất niềm tin của nhân dân, gây phản ứng trong dư luận vào tạo kẽ hở trong quản lý, sử dụng đất đai đô thị, tạo nên lợi ích nhóm. “Phải có nghị quyết của Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương rà soát các dự án giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch. Thu hồi những dự án không thực hiện đấu thầu công khai đảm bảo sự cạnh tranh trong việc xác định giá sử dụng đất và quyền sử dụng đất trong phát triển đô thị. Các Ủy ban của Quốc hội cần phải kịp thời phát hiện các mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật để kiến nghị Quốc hội kịp thời xem xét, bổ sung điều chỉnh hành lang pháp lý để xử lý kịp thời” - Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị.

Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị cần rà soát, xử lý theo pháp luật các cá nhân, doanh nghiệp đứng tên thuê đất để người nước ngoài sử dụng ở những vị trí nhạy cảm về quốc phòng - an ninh, gây thiệt hại về tài nguyên, an ninh quốc gia. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (thành phố Hà Nội) đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện cuộc điều tra tổng thể những đối tượng thuê đất, cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân người nước ngoài thuê lại ở những địa điểm nhạy cảm về quốc phòng-an ninh, tiến hành thu hồi theo quy định của pháp luật.

Viết Hà

Bình luận

ZALO