Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:49 GMT+7

Tồn tại nhiều bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Biên phòng - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN). Thực tế, trong quá trình thực hiện những chính sách đó, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

3b20_9a
Cơ sở vật chất ở nhiều điểm trường vùng DTTS đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Bích Nguyên

Trong những năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Đảng và Nhà nước ta được ban hành tương đối đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy giáo dục vùng DTTS, MN phát triển. Cụ thể, Điều 61 của Hiến pháp năm 2013 quy định “Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào DTTS và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 có một số điều khoản quy định chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển giáo dục vùng DTTS, MN, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tính chung, trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2017, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành 42 văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục DTTS, MN hoặc có liên quan đến giáo dục DTTS, MN.

Chương trình trọng điểm cũng không hoàn thành mục tiêu

Trước hết, cần phải khẳng định, kết quả thực hiện những chính sách trên đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, cũng như phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của cả nước nói chung và các tỉnh vùng DTTS, MN nói riêng.

Tuy nhiên, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục vùng DTTS, MN, nhất là các văn bản hướng dẫn, còn chậm so với quy định và yêu cầu thực tiễn. Một số chính sách ban hành có hiệu lực trong thời gian ngắn, chưa có tính dự báo dài hạn và liên tục. Có chính sách ban hành chậm, thiếu đồng bộ; một số nội dung chính sách còn bất cập; không thống nhất giữa quy định của Luật Giáo dục với Nghị định, Thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, kết quả thực hiện một số chính sách không đạt được mục tiêu đề ra. Đơn cử như Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng DTTS, vùng khó khăn với trọng tâm là củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) giai đoạn 2011-2015, tại Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 21-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Theo mục tiêu đề án phê duyệt sẽ đầu tư xây mới 48 trường PTDTNT, tuy nhiên, trong giai đoạn này mới hoàn thành được 10 trường, còn 22 trường đang xây dựng dở dang và 16 trường chưa được đầu tư xây mới. Như vậy, chương trình này chưa hoàn thành đúng tiến độ thời gian, kết quả thực hiện các mục tiêu đề án đạt tỉ lệ thấp, nhiều công trình chưa được đầu tư hoặc đầu tư dang dở. Các công trình này buộc phải chuyển sang đầu tư, thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, Chương trình Kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giáo viên cũng chưa đạt được mục tiêu đề ra. Chương trình này dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2008-2012. Nhà nước đã đầu tư nguồn kinh phí tương đối lớn, tuy nhiên, các mục tiêu của đề án chưa đạt được. Cụ thể, còn hơn 48.000 phòng học và gần 22.000 phòng công vụ cho giáo viên chưa được đầu tư xây dựng, phải chuyển sang giai đoạn tiếp theo 2014-2015.

Chính sách dạy và học tiếng nói, chữ viết DTTS cũng còn một số hạn chế và đứng trước nguy cơ mai một của một số ngôn ngữ ở Việt Nam. Trong đó, có những ngôn ngữ gần như bị mất hoàn toàn như ( tiếng Cơ Lao Đỏ ở Trùng Sán, Hoàng Su Phì; tiếng Ơ Đu ở Con Cuông, tỉnh Nghệ An; tiếng Tu Dí (Bố Y) ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai...). Có một số ngôn ngữ hiện chỉ còn rất ít người sử dụng, đó là tiếng Pu Péo, Cơ Lao Trắng, La Chí ở Hà Giang; tiếng Rục, Mày, Sách, Arem ở Quảng Bình.

nd1w_9b
Hầu hết phòng học mầm non ở miền núi chưa đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: Bích Nguyên

Chính sách không phù hợp thực tiễn

Kết quả giám sát “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển giáo dục vùng DTTS, MN giai đoạn 2010-2017” cho thấy, một số chính sách hiện không còn phù hợp với thực tiễn. Trong đó có chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18-7-2016 của Chính phủ. Thực tế, việc quy định cấp gạo 2 lần/năm không phù hợp, bởi số lượng gạo nhận 1 lần nhiều, không có nơi bảo quản, ảnh hưởng đến chất lượng. Trong chính sách không quy định cấp kinh phí cho việc vận chuyển, phân phối và bốc xếp gạo từ trung tâm huyện về trường học gây khó khăn cho các nhà trường.

Trong khi đó, chính sách hỗ trợ trẻ 3-5 tuổi tiền ăn trưa (Nghị định số 06/2018/NĐ-CP, ngày 5-1-2018 của Thủ tướng Chính phủ) gây ra sự bất bình đẳng. Theo quy định trong chính sách, Nhà nước chỉ hỗ trợ tiền ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi, các cháu khác cũng đi nhà trẻ không được hỗ trợ, đã gây ra bất công bằng đối với trẻ cùng trong một môi trường học tập. Mặt khác, việc quy định phải có sổ hộ khẩu trong hồ sơ xét duyệt đối tượng hưởng chính sách là một rào cản làm ảnh hưởng tới quyền của trẻ em là con những gia đình thuộc đối tượng di dân tự do.

Ngoài ra, chính sách, cơ chế tài chính cho trường PTDTNT theo Thông tư số 109/2009/TT-BTC được ban hành từ năm 2009 đến nay đã lạc hậu. Hầu hết các định mức hỗ trợ so với thời giá quá thấp. Trang cấp hiện vật 1 lần cho học sinh nội trú, đồng phục học sinh chỉ được trang bị 1 bộ/học sinh/4 năm học. Bên cạnh đó, mức chi bổ sung, sửa chữa dụng cụ nhà ăn tập thể 50.000 đồng/học sinh/năm không đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Chính sách cử tuyển cũng bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập. Theo số liệu của Hội đồng Dân tộc, trong tổng số 4.517 sinh viên tốt nghiệp cử tuyển mới bố trí được việc làm cho 1.663 người (chỉ đạt tỉ lệ 36,15%). Nhu cầu tuyển sinh cử tuyển của các địa phương có xu hướng giảm mạnh, năm 2017 chỉ còn 8 tỉnh có nhu cầu đào tạo cử tuyển với số lượng ít (78 chỉ tiêu đại học), không có tỉnh nào có nhu cầu đào tạo cử tuyển cao đẳng và trung cấp.

Những thực tế trên cho thấy Chính phủ và các bộ, ngành cần phải rà soát, nghiên cứu, ban hành một số chính sách mới, đồng thời sửa đổi, bổ sung những chính sách đã lạc hậu cho phù hợp hơn với thực tiễn.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO