Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:11 GMT+7

Tội phạm mua bán người vẫn phức tạp trên các tuyến biên giới

Biên phòng - Thời gian gần đây, hàng loạt chuyên án, vụ án đấu tranh với tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới bị BĐBP và các lực lượng chức năng triệt phá. Hiện nay, loại tội phạm này hoạt động phức tạp trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, gây ra nhiều thách thức cho các lực lượng chức năng trong điều tra, xử lý.

e5sw_6a
Đối tượng Lò Thị Nguyệt bị Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, BĐBP Lạng Sơn bắt giữ ngày 4-8-2019 về hành vi mua bán người. Ảnh: Vy Thượng

Theo Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP: “Trong quá trình điều tra các vụ án, chuyên án mua bán người cho thấy, loại tội phạm này thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số phụ nữ, trẻ em để dụ dỗ, lừa gạt, sau đó bán ra nước ngoài. Đáng chú ý, trong số những đối tượng phạm tội mua bán người, có rất nhiều người từng là nạn nhân bị bán ra nước ngoài, khi quay về Việt Nam lại cấu kết với các đối tượng khác để dụ dỗ, lừa các nạn nhân khác. Một số đối tượng còn giả danh là người có địa vị trong xã hội thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook để kết bạn làm quen, giả vờ yêu đương, sau đó lừa bán ra nước ngoài”.

Tội phạm mua bán người chủ yếu hoạt động ẩn mình dưới nhiều hình thức khác nhau, nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm, các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Kể cả khi đã tố giác, báo tin tội phạm thì việc xác minh, điều tra cũng không phải dễ dàng. Đa phần các vụ việc, vụ án mua bán người đưa ra nước ngoài xảy ra đã lâu mới được phát hiện, trong khi đối tượng, nạn nhân đều ở nước ngoài nên không thể xác minh, xác định, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của người bị hại hoặc người nhà nạn nhân. Có vụ án đã giải cứu được nạn nhân, xác định đúng đối tượng gây án, nhưng đối tượng lấy vợ, lấy chồng hoặc đang sinh sống ở nước ngoài dẫn đến việc đấu tranh không triệt để. Ngược lại, có những vụ án được phát hiện thì nạn nhân đã bị bán và đang ở nước ngoài, vì thế, đối tượng phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, không đủ chứng cứ để bắt và xử lý. 

Các đối tượng mua bán người thường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau để hình thành các đường dây, lấy khu vực biên giới làm địa bàn trung gian để hoạt động. Với thủ đoạn lợi dụng các phụ nữ thích ăn chơi, đua đòi nhưng lười lao động, các đối tượng rủ đi tham quan, du lịch, mua hàng hóa..., từ đó tìm cách đưa qua biên giới bán. Gần đây, một số đối tượng còn trực tiếp đến các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới để tìm những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc đang mang thai nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn để lừa gạt đưa sang Trung Quốc sinh và bán trẻ sơ sinh.

Theo báo cáo của Phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, từ đầu năm 2019 đến nay, các đơn vị BĐBP đã chủ trì, phối hợp xác lập đấu tranh thành công 9 chuyên án, triển khai 5 kế hoạch nghiệp vụ, phát hiện, bắt giữ, xử lý 22 vụ/12 đối tượng, phối hợp giải cứu, tiếp nhận 56 nạn nhân. Tuy nhiên, con số nêu trên vẫn chưa thấm vào đâu so với thực tế số người bị mua bán qua biên giới. Bởi còn rất nhiều nạn nhân chưa được giải cứu và những nạn nhân quay trở về nhưng vì nhiều lý do mà không tố giác tội phạm.

Đại tá Phạm Long Biên cho biết: “Trước tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp trên các tuyến biên giới, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP đã tham mưu, hướng dẫn BĐBP các tỉnh, thành phố tập trung lực lượng, phương tiện và các biện pháp nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu. Làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn, đối tượng, điều tra, xác minh, kết luận các nguồn tin liên quan đến hoạt động mua bán người để xác lập chuyên án đấu tranh. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân nhận biết về những thủ đoạn của tội phạm mua bán người, nhất là những người dân sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi”.

Để góp phần hạn chế các nguyên nhân phát sinh mua bán người, các lực lượng chức năng cần thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới. Tập trung điều tra, xác minh hoạt động của đối tượng nghi vấn tham gia đường dây mua bán người tại các địa bàn “nóng”. Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người để nâng cao khả năng phòng, tránh cho người dân. Mặt khác, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các nước láng giềng, nhất là lực lượng chức năng của Trung Quốc trong trao đổi thông tin, đấu tranh, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân mua bán người...

Lê Đồng

Bình luận

ZALO