Biên phòng - Chỉ vì hám lợi trước mắt mà ngày càng có nhiều kẻ buôn bán người bày ra “trăm phương ngàn kế” để dụ “con mồi” vào bẫy. Một trong nhiều thủ đoạn mà các đối tượng dùng để lừa gạt là giả vờ tán tỉnh, yêu đương. Sau một thời gian qua lại, gần gũi, lấy được lòng tin rồi chúng tìm cách đưa nạn nhân đi chơi, đi du lịch hoặc đi mua sắm, sau đó tìm cách môi giới bán sang Trung Quốc đưa vào các “động” mại dâm hoặc làm vợ của những người đàn ông Trung Quốc.
Theo hồ sơ đấu tranh với các chuyên án, vụ án mua bán người qua biên giới thời gian gần đây của Đoàn Đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm miền Bắc, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP cho thấy, tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Chúng cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước với đối tượng nước ngoài. Đặc biệt, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tội phạm mua bán người lợi dụng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, cùng với chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời vùng giáp biên để hoạt động.
Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là lợi dụng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân hoặc sơ hở trong thực hiện chính sách pháp luật để lừa bán ra nước ngoài dưới dạng cưỡng bức lao động, cưỡng ép mại dâm, cưỡng ép kết hôn. Các đối tượng còn lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo và thiếu sự quan tâm của gia đình, nhà trường để tiếp cận, rủ rê, lôi kéo các em, nhất là học sinh đi du lịch, mua sắm hoặc lao động có thu nhập cao, sau đó đưa ra nước ngoài bán.
Trung tá Nguyễn Minh Thành, Phó đội trưởng Đội Phòng chống mua bán người, Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Bắc, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP cho biết: “Đa số các đối tượng mua bán người thường nhắm đến các nạn nhân trẻ tuổi là học sinh trường dân tộc nội trú các tỉnh miền núi, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết về pháp luật. Chúng thông qua các trang mạng xã hội, tán tỉnh, yêu đương. Đặc biệt, thời gian gần đây, tại các tỉnh phía Nam, các đối tượng thường dùng “chiêu trò” môi giới hôn nhân bất hợp pháp để đưa ra nước ngoài bán. Điều đáng nói là đa số hành vi phạm pháp được các đối tượng đều thực hiện bên nước ngoài do vậy rất khó khăn trong công tác điều tra phá án".
Thực tiễn cho thấy, đa số các chuyên án, vụ án về mua bán người được các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật ở nước ngoài. Do vậy, chỉ khi người bị hại trốn được, viết đơn tố giác thì đối tượng phạm tội mới bị phát hiện, điều tra. Đặc biệt, khi xác định được đối tượng chủ mưu cầm đầu thì đối tượng lại đang ở nước ngoài nên cũng gây bất lợi cho công tác điều tra, xác minh chứng cứ.
Trung tá Nguyễn Minh Thành cho biết thêm, từ đầu năm 2018 đến nay, Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Bắc đã đấu tranh thành công 1 vụ án, giải cứu 1 nạn nhân, hướng dẫn cho 3 nạn nhân tự trốn thoát về đoàn tụ cùng gia đình.
Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng, Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Bắc, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP cho biết, tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em đang dần trở thành vấn nạn quốc tế chứ không riêng ở Việt Nam. Các đối tượng mua bán phụ nữ, trẻ em vẫn không ngừng mở rộng mạng lưới, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, để ngăn ngừa từ xa, các cơ quan, ban ngành cần “bắt tay” vào cuộc một cách quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với nhau, huy động sức mạnh tổng hợp, tập trung triệt phá các tổ chức, đường dây mua bán người với mục đích cưỡng bức lao động hoặc vô nhân đạo, truy tố, xét xử nghiêm minh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho người dân thấy rõ phương thức, thủ đoạn và hậu quả, hệ lụy của loại tội phạm nguy hiểm này. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan tới hôn nhân có yếu tố nước ngoài…
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả hoạt động của tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ở khu vực biên giới, thiết nghĩ cần phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương, gắn với vai trò của các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, BĐBP cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, kiên quyết đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em. Bên cạn đó, đẩy mạnh công tác phối hợp, hợp tác quốc tế với các nước, nhất là các nước có chung đường biên giới như: Trung Quốc, Lào, Campuchia... để trao đổi thông tin nghiệp vụ, xác minh, điều tra, đấu tranh xử lý tội phạm, giải cứu nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.
Hà Đồng