Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:15 GMT+7

“Tôi may mắn được dẫn chương trình đối ngoại Biên phòng”

Biên phòng - Dù mới gần 30 tuổi, nhưng biên tập viên (BTV) Trần Tùng đã có tới 5 năm làm việc tại Truyền hình Quốc phòng Việt Nam (QPVN). Thông minh, chững chạc trong dẫn các bản tin thời sự; sáng tạo, truyền cảm trong dẫn các chương trình giao lưu đối ngoại quốc phòng, BTV Trần Tùng đã và đang tạo được phong cách riêng, ghi dấu ấn trong lòng khán giả xem truyền hình. Phóng viên Báo Biên phòng có cuộc trò chuyện với BTV Trần Tùng, nghe anh chia sẻ về công việc và cuộc sống.

fva5_18a
BTV Trần Tùng cùng đồng nghiệp chuẩn bị bản tin trước giờ lên hình. Ảnh: Dũng Phạm

- Nghề dẫn chương trình truyền hình với nhiều bạn trẻ là một mơ ước. Cơ duyên nào đã đưa Trần Tùng đến với truyền hình?  

- Khi còn là sinh viên Đại học Hà Nội, tôi thường xuyên tham gia các hoạt động của Đoàn trường và của xã hội. Đến năm thứ 4 đại học, tôi được là cộng tác viên dẫn chương trình của Đài Truyền hình Kỹ thuật số (VTC) và Truyền hình cáp Việt Nam (VTV Cab). Từ đó, tình yêu với công việc truyền hình ngày càng lớn dần trong tôi.  

Tốt nghiệp đại học, tôi tham gia thi tuyển người dẫn chương trình của Truyền hình QPVN và may mắn trúng tuyển. Từ khi làm việc tại đây, tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các thủ trưởng; sự chỉ dẫn tận tình của các anh chị đồng nghiệp đi trước. Cùng với tình yêu công việc và sự cố gắng trau dồi học hỏi nên tôi cũng đã để lại được dấu ấn với khán giả xem truyền hình.

- Theo anh, để trở thành người dẫn chương trình truyền hình thành công, đặc biệt là đối với các chương trình chính luận, đòi hỏi những tố chất gì?

- Theo tôi, để trở thành người dẫn chương trình truyền hình, nhất là dẫn chính luận, người dẫn chương trình ngoài việc có ngoại hình bắt mắt, phát âm rõ ràng, lưu loát, cần có lòng yêu nghề, lửa đam mê với truyền hình; có kiến thức, hiểu và cảm nhận thông tin để biết mình đang nói những gì, đang nói với ai và thể hiện như thế nào cho gần gũi với khán giả; sử dụng ngôn ngữ hình thể linh hoạt, hợp lý, nhạy cảm, phản ứng nhanh với mọi tình huống. Muốn có những tố chất đó cần phải liên tục rèn luyện để có cơ thể khỏe mạnh, không ngừng trau dồi, học hỏi để có kiến thức sâu rộng và kịp thời cập nhật thông tin. 

- Trong số những chương trình anh đã dẫn, có nhiều chương trình về đối ngoại quốc phòng, về tình đoàn kết, hữu nghị của BĐBP Việt Nam với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng. Anh đã chuẩn bị như thế nào để đảm nhận tốt vai trò MC trong những chương trình này?

- Tôi may mắn được dẫn một số chương trình đối ngoại Biên phòng, nói về tình đoàn kết gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau giữa BĐBP Việt Nam với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng. Đó là các chương trình: Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất năm 2018; Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 5; Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia năm 2019; Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào năm 2019...

Với mỗi chương trình, tôi đều phải nghiên cứu kỹ kịch bản, đặc biệt khi làm các chương trình về đối ngoại quốc phòng, về tình hữu nghị với các nước láng giềng, tôi phải tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của nước bạn, lịch sử tình hữu nghị giữa nước ta với nước bạn và giá trị của quan hệ đó trong quá khứ cũng như trong tình hình hiện nay. Quan trọng nhất là phải hiểu được ý nghĩa của chương trình để dẫn dắt cho đúng, mang lại hiệu quả cao.

- Trong số những chương trình đối ngoại quốc phòng đó, chương trình nào để lại ấn tượng sâu sắc với anh?

- Mỗi chương trình có tính chất, sắc màu khác nhau, cho nên cách dẫn cũng khác nhau. Chương trình nào tôi cũng vui vì sự thành công và ấn tượng với cách thức thể hiện của Ban Tổ chức. Tôi có ấn tượng sâu sắc với chương trình Tọa đàm Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 5, năm 2018 được tổ chức tại tỉnh Cao Bằng. 

- Trong những chuyến công tác, đồn Biên phòng xa nhất mà anh được đặt chân tới là đồn nào? Anh có ấn tượng gì về nơi đó?

- Đồn Biên phòng xa nhất tôi được đến là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, BĐBP An Giang. Nơi đây sông ngòi chằng chịt, các cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuần tra chủ yếu bằng ghe, thuyền. Công tác bảo vệ biên giới vô cùng gian nan, vất vả, nhưng tôi cảm nhận được sự lạc quan, yêu đời của cán bộ, chiến sĩ qua tiếng đàn, lời hát và sự tin yêu của nhân dân dành cho họ. 

- Với công việc thường xuyên bận rộn, hay phải đi công tác xa, anh lại có gia đình với con nhỏ. Vậy anh làm thế nào để luôn hoàn thành tốt công việc?

- May mắn là tôi có người vợ tuy còn trẻ, nhưng cô ấy ngày càng có kinh nghiệm chăm sóc gia đình và con nhỏ khi tôi đi công tác xa và rất biết động viên chồng hoàn thành nhiệm vụ. Tôi hiểu gia đình là hậu phương vững chắc nên khi có thời gian, tôi luôn chăm sóc vợ con tốt nhất. Vợ chồng tôi thường hay nói với nhau: “Hậu phương có vững chắc thì tiền tuyến mới vững vàng”.

- Trần Tùng có thể chia sẻ định hướng trong thời gian tới của anh là gì?

- Tôi phấn đấu hoàn thành “3 tốt” là: Cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, chăm sóc gia đình thật tốt và đạt kết quả tốt việc học văn bằng 2 tại Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền để từng bước áp dụng kiến thức tiếp thu được vào công việc làm truyền hình hàng ngày.

- Chân thành cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này! 

Thanh Thuận (Thực hiện)

Bình luận

ZALO