Biên phòng - Là sĩ quan QĐND Việt Nam, đang đảm nhận trọng trách Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Hậu cần, Đại tá Vũ Tuấn Anh còn có niềm yêu thích sáng tác thơ ca. Anh đã cho ra mắt bạn đọc 5 tập thơ và rất nhiều thơ in chung trong các tuyển tập. Với những vần thơ mộc mạc, dung dị nhưng tinh tế, thơ Vũ Tuấn Anh để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người yêu thơ. Phóng viên Báo Biên phòng đã trò chuyện với nhà thơ - Đại tá Vũ Tuấn Anh nhân dịp anh đạt giải Tư (không có giải Nhất) trong đợt xét thưởng các tác phẩm văn học về đề tài thương binh, liệt sĩ và người có công nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức.

PV: Chúc mừng nhà thơ đã đạt giải Tư trong đợt xét thưởng các tác phẩm văn học về đề tài thương binh, liệt sĩ và người có công nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Cơ duyên nào đã đưa nhà thơ đến với cuộc thi?
Nhà thơ - Đại tá Vũ Tuấn Anh: Từ trước tới nay, hiếm khi tôi gửi bài tham gia dự thi, nhưng lần này đúng là cơ duyên! Tôi được một bạn văn chương điện thoại hỏi thăm, biết tôi hay viết về đề tài người lính và hậu phương Quân đội đã gợi ý cho tôi tham gia gửi bài xét giải về đề tài thương binh, liệt sĩ và người có công do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức. Và chị ấy động viên tôi rằng, những bài viết tôi đã từng gửi đăng báo về đề tài này đã tạo cho chị nhiều cảm xúc. Và thế là tôi đã gửi bài tham gia dự thi.
PV: Qua những bài thơ gửi dự thi, Vũ Tuấn Anh đã đưa người đọc vào thế giới ân tình của cảm xúc, trong sự tri ân, sâu lắng và thiết tha. Anh có thể chia sẻ về những bài thơ anh gửi dự thi?
Nhà thơ - Đại tá Vũ Tuấn Anh: Tôi là một quân nhân. Cha tôi cũng là một sĩ quan QĐND Việt Nam, từng trải qua những năm chống Mỹ, cứu nước gian khổ. Ông có 10 năm ở chiến trường miền Đông Nam bộ, hai lần bị thương và bị ảnh hưởng trực tiếp của chất độc da cam mất sức 81%. Thời gian cha tôi lăn lộn ở chiến trường, mẹ tôi ở hậu phương gánh vác việc nhà, nuôi chị em tôi khôn lớn trong nỗi mong chờ chồng. Và còn nhiều hoàn cảnh rất đặc biệt của gia đình đồng đội mà tôi đã từng chứng kiến.
Có thể nói, tôi hiểu thấu sự hy sinh của những người lính trong và sau chiến tranh cũng như hậu phương của họ. Tôi chọn 10 bài, trong số những bài thơ tôi viết về đề tài Quân đội và hậu phương Quân đội để tham gia dự thi. Mỗi bài đại diện cho một đối tượng cụ thể như viết về người vợ liệt sĩ, người thương binh, người cựu binh, người phụ nữ đi liền với hậu quả của người lính và nỗi đau trước sự hy sinh của đồng đội. Đặc biệt, có bài tôi đã hóa thân vào người liệt sĩ để gửi thông điệp tới những người đang sống…
PV: Trong số những bài thơ đã dự thi và đạt giải thưởng, bài nào anh cảm thấy tâm đắc nhất, anh có thể kể một vài kỷ niệm trong quá trình viết bài thơ ấy?
Nhà thơ - Đại tá Vũ Tuấn Anh: Với người làm thơ, bài nào do mình sáng tác ra cũng là bài tâm đắc. Tôi muốn để bạn đọc nêu ý kiến của mình đối với từng tác phẩm của tôi. Còn kỷ niệm sâu sắc trong quá trình sáng tác, tôi xin được nhắc tới bài “Ước”. Trong niềm xúc động dâng trào, tôi đã viết bài thơ và đọc ngay trong buổi lễ bàn giao nhà tình nghĩa cho một người vợ liệt sĩ tại phường Giang Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Khi đó, tôi là Bí thư Đảng ủy Công ty Cổ phần 26 – Tổng cục Hậu cần. Bài thơ đã được hầu hết các đại biểu có mặt xin được chép lại.
PV: Anh đến với thơ như thế nào?
Nhà thơ - Đại tá Vũ Tuấn Anh: Tôi đến với thơ từ lúc nào không rõ! Có lẽ, đến với thơ là “duyên trời cho” đã có từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, gặp điều kiện thuận lợi thì bùng phát. Tôi mới làm thơ tương đối đều đặn trong khoảng gần 10 năm trở lại đây.
PV: Cùng với 5 tập thơ riêng đã ra mắt độc giả và những bài in chung trong các tuyển tập, dường như thơ chính là cuộc sống của anh?
Nhà thơ - Đại tá Vũ Tuấn Anh: Quả thật, với tôi bây giờ, thơ dường như không thể thiếu trong cuộc sống và công việc hằng ngày. Tôi làm thơ để chiêm nghiệm, giãi bày, chia sẻ tâm tư tình cảm, làm thơ để tặng người thân, bạn bè, làm thơ để vận động cán bộ, công nhân viên, người lao động trong đơn vị hăng say công tác và kể cả làm thơ để phục vụ quảng bá sản phẩm của công ty…
PV: Tình yêu là đề tài muôn thuở thu hút các nhà thơ từ xưa đến nay. Anh cũng viết khá nhiều thơ về đề tài này. Theo anh, những bài thơ tình hay nhất có phải là sự rung động từ những kỷ niệm tình yêu mà chính bản thân mình đã trải nghiệm?
Nhà thơ - Đại tá Vũ Tuấn Anh: Tôi cho rằng, một tác phẩm hay không thể là một sự vay mượn cảm xúc, nhưng cũng không nhất thiết tác giả phải là nhân vật của bài thơ. Cuộc sống có nhiều hoàn cảnh tương tự. Điều cơ bản là người làm thơ phải biết đồng cảm, hóa thân vào nhân vật và phải có vốn sống.
PV: Đọc thơ anh, thấy anh khá thành công với thể thơ lục bát. Khi làm thơ, nhất là thơ lục bát, anh có bí quyết gì trong cách chọn từ, gieo vần hay cách ngắt câu để bài thơ được đón nhận như một sự chia sẻ cảm xúc mà không bị nhàm chán?
Nhà thơ - Đại tá Vũ Tuấn Anh: Lục bát là thể thơ truyền thống, dễ làm nhưng khó hay. Các bài thơ khi viết theo thể lục bát, tôi rất ý thức điều ấy, do vậy, tôi luôn cố gắng chọn cho mình những ngôn ngữ hình ảnh mới và nhấn mạnh bằng cách ngắt câu phù hợp. Với thơ lục bát, tôi không mấy khi viết dài và tứ của bài thơ thường là một vài vấn đề cụ thể trong cuộc sống.
PV: Với khối lượng công việc nhiều và thời gian ngặt nghèo như hiện tại, anh vẫn có rất nhiều tác phẩm thơ hay. Bí quyết nào để anh thành công trong cả 2 lĩnh vực tưởng như trái ngược nhau?
Nhà thơ - Đại tá Vũ Tuấn Anh: Nhiều người cũng đã hỏi tôi câu hỏi ấy, thậm chí có người còn e ngại thơ sẽ “lấn” công việc. Quả thật, với tôi, làm thơ có một điều gì đó rất tự nhiên và bất chợt. Không bao giờ tôi dành thời gian cụ thể để sáng tác một bài thơ cụ thể. Cứ có cảm xúc là tôi tranh thủ ghi lại, khi có thời gian rỗi, tôi mới trau chuốt. Với tôi, hoàn thành nhiệm vụ được giao luôn được đặt lên hàng đầu.
PV: Cảm ơn anh!
Thanh Thuận (Thực hiện)