Biên phòng - Tỏi trồng trên đất núi lửa ở đảo Lý Sơn từng được ví là vàng trắng, vì tỏi được bán với giá cao gấp nhiều lần các loại tỏi trong đất liền. Thương hiệu và hương vị tỏi đặc trưng ở đảo đã giúp ngư dân kiếm hàng trăm triệu sau một mùa tỏi. Nhưng vài năm nay, tỏi đã “bạc phận” và giá bán không nhích lên nổi.

Đầu tháng 5, những hộ nông dân ở đảo Lý Sơn trải tỏi phơi những đợt cuối cùng trước khi dồn vào bao để chính thức đưa nông sản ra thị trường. Lão nông Võ Trí Thời có nước da đen láng ví von chuyện tỏi thời giá cao và thời chờ mãi mà giá không chịu lên bằng câu chuyện vốc tỏi. Ông Thời chạy ra sạp hốt một nắm tỏi rải xuống để phát ra âm thanh xào xào rồi cười méo miệng nói: “Cái thời tỏi có giá, chỉ cần hốt vài bụm đem đi bán là đủ tiền một chầu nhậu kèm theo hát karaoke, còn bây giờ hốt hết nửa sạp tre đem bán cũng không ăn thua”.
Người dân đảo Lý Sơn có tính hơi hài hước, nhất là người dân ở bên đảo Bé. Chuyện hốt tỏi đi hát karaoke chỉ là cách để lão nông này ví von câu chuyện của tỏi để gây cười. Vì lão nông Thời cũng thú thực là đời mình chỉ có vui chơi với vài cốc rượu, còn chuyện ra quán để bo cho em út thì chỉ là bông đùa để làm cho các bà vợ giật mình. Bởi làm nghề tỏi rất cực khổ, phải mua cát về phủ một lớp, sau đó là chăm sóc, thuê chạy máy nước để tưới, thức khuya dậy sớm, rất kỳ công thì mới tới ngày thu hoạch.
Mỗi khi nông dân ở đảo Lý Sơn thu hoạch tỏi, cả hòn đảo này lập tức biến thành một bức tranh kỳ thú. Nhiều gia đình rải tỏi kín trên nóc nhà cho tới dưới sân và chỉ để mỗi con đường nhỏ để đi. Các lão nông sau mấy tháng đánh vật với ruộng tỏi xanh mướt, giờ tiếp tục hong nắng để phơi tỏi, chờ tỏi khô thì đóng bao, ném lên gác lửng trong nhà và ngồi chờ giá. Cuộc sống ở đảo khi vào mùa tỏi diễn ra rất nhộn nhịp, nhiều người chạy ngược chạy xuôi để hỏi giá 70 hay 65 (70.000 đồng hay 65.000 đồng).
Những năm trước đây, tỏi tươi thu hoạch về thường được nông dân hô giá ở mức đó. Nếu ai lỡ miệng nói chuyện bán giá thấp thì được bà con đáp lại cũng bằng câu chuyện hài hước, thay vì nói chuyện rẻ quá, không bán đâu. Ông Võ Trí Thời, cho biết, 336ha trồng tỏi trên đảo mỗi năm nông dân thu về hơn 2.000 tấn tỏi. Nếu tỏi khô bán ở mức 70.000 đồng/kg thì mới có lợi nhuận. Hiện nay bà con nông dân trên đảo không phải là tích trữ tỏi, mà là giữ tỏi khô để chờ giá, nhưng giá như hiện nay thì bà con gặp khó khăn.
Nông dân ở đảo trồng tỏi trên đất núi lửa, vì vậy tỏi Lý Sơn có vị cay, thơm hơn hẳn tỏi trồng trong đất liền. Có những thời điểm, tỏi được bán với giá 170.000 đồng/kg tỏi khô. Còn giá tỏi khô hiện nay là 40.000 đồng/kg. Ở mức giá này, nhiều nông dân chia sẻ là lỗ, nên quyết giữ lại, ghim hàng và chờ giá nhích lên. Tuy nhiên, lượng khách du lịch ra đảo đã giảm sâu, vì vậy bà con nông dân chờ việc tỏi ở các chợ trong đất liền nhích giá để đưa tỏi vào. Nhưng đường đi của tỏi từ đảo vào đất liền không hề dễ dàng. Vì hiện nay, nông dân Lý Sơn vào tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận trồng tỏi và mặt hàng này cũng đang bị rớt giá, nông dân than trời vì bán không được. Giá tỏi tại địa phương này đã rớt tới mức chỉ còn 17.000 đồng/kg tỏi tươi.
Vì chêch lệch giá tỏi, nên nông dân ở Khánh Hòa chuyển về Quảng Ngãi, báo chí lại tiếp tục rộ lên tin tỏi Lý Sơn giả. Đây là cú đánh bồi khiến tỏi Lý Sơn thật càng khó lên giá và nông dân lại phải tiếp tục chờ. Chợ tỏi Lý Sơn thường bắt đầu đông người vào lúc mặt trời chưa mọc. Nông dân đưa tỏi tới chợ giao dịch để người thu mua kịp đưa tỏi theo chuyến tàu xuôi vào đất liền. Một vài người mua tỏi chuyên nghiệp chia sẻ câu chuyện đưa tỏi ở đảo vô bờ tốn nhiều tiền công, nhưng khi vô bờ lại gặp luồng tỏi trong phía Nam về, hình thức tỏi trông khá giống, chất lượng thì không bằng, vì vậy càng khó tiêu thụ.
Tại ngôi nhà của ông Nguyễn Quân nằm ở cuối huyện đảo Lý Sơn, 5 người con của ông rải 7 tấn tỏi khắp mặt sân, bao quanh nhà và cả trên mái tôn xi măng. Thông tin thị trường tỏi ở thành phố Quảng Ngãi, lẫn trong tỉnh Khánh Hòa luôn được những người nông dân cập nhật. Ông Phạm Tấn Thành, 61 tuổi, là người có thâm niên trồng tỏi cho biết: “Tỏi ế, giá thấp thì chắc phải đầu tư sang trồng hành, nhưng mà cơ bản là nông dân vẫn trông chờ chính là vào cây tỏi”.
Lê Văn Chương