Biên phòng - Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu. Tại Việt Nam, công tác đấu tranh phòng, chống di cư trái phép, mua bán người được Chính phủ đặc biệt coi trọng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành, toàn xã hội.
Thế nhưng, thời gian qua, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động thường xuyên lợi dụng mạng xã hội đưa ra những suy diễn thiếu khách quan về những nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam, thậm chí bịa đặt, xuyên tạc cho rằng Việt Nam lơ là, dung túng cho tội phạm mua bán người...
Phủ nhận những thông tin, luận điệu sai trái trên chính là những con số cụ thể: Trong giai đoạn 2016-2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 1.266 vụ mua bán người, bắt giữ 1.690 đối tượng, giải cứu 2.956 nạn nhân. Thực hiện nhiệm vụ của Đường dây nóng phòng, chống mua bán người, từ năm 2015 đến nay, Tổng đài 111 đã tiếp nhận, xử lý gần 20.000 cuộc gọi về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người.
Các lực lượng Công an, BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của các nước láng giềng thiết lập đường dây nóng trao đổi thông tin, tình hình tội phạm mua bán người, giải cứu, trao trả nạn nhân và phát hiện, xử lý kịp thời các vụ mua bán người thông qua con đường di cư trái phép. Chỉ tính riêng các đơn vị BĐBP trong 6 tháng đầu năm 2021 đã phát hiện, bắt giữ 21 vụ với 18 đối tượng, giải cứu, tiếp nhận 34 nạn nhân.
Thực tế, Việt Nam được Liên hợp quốc ghi nhận là điểm sáng trong phòng, chống mua bán người với nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội ác này qua việc triển khai thực hiện quyết liệt Chương trình quốc gia phòng, chống mua bán người.
Việt Nam cũng tích cực tham gia, thực hiện có hiệu quả các cơ chế quốc tế về phòng, chống mua bán người như Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, Nghị định thư về ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp an toàn và trật tự của Liên hợp quốc...
Qua trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ, truy nã tội phạm mua bán người giữa Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc, Anh và tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), chúng ta đã tham gia triệt phá hàng trăm đường dây, tổ chức mua bán người xuyên quốc gia, giải cứu hàng nghìn nạn nhân bị mua bán.
Với sự thực hiển nhiên là cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống mua bán người, rõ ràng Việt Nam đang đi đầu trong giải quyết dứt điểm điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp tại khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê Kông.
Theo các chuyên gia pháp luật, cuộc chiến với tội phạm mua bán người còn hết sức gian nan và quyết liệt, nhất là thông qua đưa người di cư trái phép xuyên quốc gia.
Hiện, trên thế giới có khoảng 510 đường dây mua bán người đặc biệt nguy hiểm chuyên môi giới, lừa bán người vào các hoạt động mại dâm, bóc lột sức lao động, mua bán nội tạng và đưa phụ nữ có thai ra nước ngoài sinh con, sau đó bán trẻ sơ sinh. Do vậy, đấu tranh phòng, chống mua bán người đòi hỏi sự hợp tác quốc tế của nhiều quốc gia để khống chế, tiến tới chấm dứt vấn nạn nghiêm trọng này.
Thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam cam kết tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm mua bán người xuyên quốc gia; hướng tới mục tiêu: 100% tố giác, tin báo về tội phạm mua bán người được tiếp nhận, xử lý, không để bỏ lọt tội phạm; bảo đảm 100% nạn nhân giải cứu, tiếp nhận được bảo vệ và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng...
Thanh Thảo