Biên phòng - Sáng 18-12, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Đoàn Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội do đồng chí Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội làm Trưởng đoàn, đã tiến hành khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống HIV/AIDS tỉnh An Giang. Đại tá Đặng Văn Dũng, Thường trực Cục Phòng, chống tội phạm ma túy BĐBP, tham dự cùng đoàn.
![]() |
Đoàn Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội làm việc với Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh An Giang. Ảnh: Xuân Hoàng |
Báo cáo cho thấy, An Giang là tỉnh đầu nguồn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dân số trên 2,2 triệu người, có đường biên giới tiếp giáp Cam-pu-chia (CPC) gần 100 km, có 18 xã biên giới và 7 cửa khẩu giáp Vương quốc CPC, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân 2 bên biên giới thông thương, buôn bán.
Tuy nhiên, tình hình xuất nhập cảnh trái phép, tình hình tệ nạn xã hội ngoại biên diễn biến phức tạp, đặc biệt tuyến biên giới CPC đối diện với thị trấn Long Bình, thuộc huyện An Phú có 2 casino hoạt động 24/24 và nhiều quán karaoke có liên quan hoạt động mại dâm, từ đó người nhiễm HIV/AIDS rất cao. Theo thống kê năm 2006, An Giang là một trong 5 tỉnh có số lượng người nhiễm HIV cao nhất nước.
Trước tình hình trên, tỉnh An Giang đã tập trung triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với nhiều mô hình, nhiều cách làm phong phú; thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa y tế, có sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh An Giang đã phối hợp với BĐBP tỉnh An Giang tổ chức hiệu quả chương trình tuyên truyền về chính sách, pháp luật về phòng chống HIV/AIDS.
Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho trên 20 ngàn lượt cán bộ hội là đội ngũ truyền thông viên cơ sở. Tổ chức gần 20 ngàn buổi truyền thông lồng ghép các buổi sinh hoạt tổ, nhóm câu lạc bộ cho gần 1 triệu lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, người có hành vi nguy cơ cao. Kết quả, trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh An Giang, tốc độ lây nhiễm và tử vong vì HIV/AIDS đã giảm dần qua từng năm.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, thực hiện phòng, chống HIV/AIDS ở một số cơ sở hội hiệu quả chưa cao, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách địa phương còn hạn chế…
Thời gian tới, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh An Giang kiến nghị: Tăng kinh phí cho công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở, có chính sách hỗ trợ như vay vốn ưu đãi, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người có HIV, nhóm phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm cao.
Kết luận buổi khảo sát, đồng chí Đặng Thuần Phong đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống HIV/AIDS tỉnh An Giang. Đồng chí mong muốn thời gian tới, các cơ quan liên quan tỉnh An Giang cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật về phòng chống HIV/AIDS và có nhiều biện pháp khả thi hơn nữa nhằm ngăn chặn sự phát triển của HIV/AIDS.
Các ý kiến kiến nghị của tỉnh An Giang, đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội ghi nhận và hứa sẽ giao cơ quan chuyên môn tổng hợp ý kiến, báo cáo với Quốc hội để có chính sách hỗ trợ tốt hơn về công tác này.