Biên phòng - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25-3 đã ký một sắc lệnh, trong đó nói rằng Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan. Động thái này được đánh giá là sẽ đem lại nhiều tác động, có thể mang lại sự hoan hỉ cho người này nhưng để lại hệ lụy cho người khác. Trước mắt, khu vực Trung Đông vốn được coi là một thùng thuốc súng lại đang “nóng” lên với những toan tính của các bên và ngòi nổ có thể bùng phát bất cứ lúc nào từ cao nguyên Golan.

Sắc lệnh nói trên được đưa ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng. Sắc lệnh đã chính thức hóa tuyên bố của ông Donald Trump hôm 21-3, khi đó nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng đã đến lúc nước này "công nhận một cách đầy đủ" chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan. Toàn bộ khu vực cao nguyên Golan dài khoảng 65km từ Bắc tới Nam với độ cao chiến lược nhìn ra Syria và thung lũng Jordan. Khu vực này có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự đối với cả Syria và Israel, và Israel cũng coi khu vực lãnh thổ này là một “vùng đệm” có thể giúp để tự vệ. Động thái trên của Mỹ rõ ràng đã giúp Israel có thêm sức mạnh.
Ông Netanyahu nên vui mừng?
Động thái của Tổng thống Donald Trump được cho là nhằm tạo lợi thế cho ông Netanyahu trước thềm cuộc bầu cử tại Israel vào ngày 9-4 tới. Trước đó, Thủ tướng Netanyahu đã gây sức ép để Mỹ thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Israel đối với khu vực tranh chấp này và đã đề cập đến trong cuộc gặp đầu tiên của ông với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 2-2017.
Động thái này của ông Donald Trump dường như là sự thể hiện công khai nhất từ trước đến nay, nhằm hậu thuẫn Netanyahu, người hiện gặp khó trong cuộc đua cạnh tranh sít sao trong cuộc bầu cử vào ngày 9-4 này, đồng thời cũng phải đối đầu với các cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên, trả lời mạng tin Fox Business, ông Donald Trump phủ nhận ý định công khai hậu thuẫn ông Netanyahu trong cuộc bầu cử tới.
Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump được đưa ra đúng vào thời điểm Ngoại trưởng Mai Pôm-peo công du Jerusalem, nơi ông trở thành quan chức cấp cao Mỹ đầu tiên đến thăm Bức tường phía Tây (hay còn gọi là Bức tường Than khóc) cùng với Thủ tướng Israel. Thêm một “cú hích” khác dành cho ông Netanyahu khi có đồn đoán cho rằng việc ông Mike Pompeo đến thăm bức tường này cùng ông Netanyahu là sự thông qua ngầm của Mỹ đối với việc thừa nhận Israel có chủ quyền đối với địa danh này, một trong những địa điểm linh thiêng nhất của người Do Thái và nằm chủ yếu ở Đông Jerusalem của Palestine.
Tổng thống Donald Trump rất được yêu thích ở Israel, đặc biệt là sau khi ông công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel và di dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới đó. Thủ tướng Netanyahu còn sử dụng các bức ảnh của Tổng thống Donald Trump trên các bức áp phích trong chiến dịch tái tranh cử của ông để tận dụng lợi thế này. Trên thực tế, một số nhà phân tích cũng như giới báo chí cho rằng thời điểm Tổng thống Donald Trump đưa ra tuyên bố này có sự toan tính về mặt chính trị nhằm giúp tăng sự ủng hộ của người dân đối với ông Netanyahu trong cuộc bầu cử ở Israel sẽ diễn ra ngày 9-4 tới.
Lợi thế cho ông Donald Trump?
Nước Mỹ đã báo trước về quyết định nói trên của Tổng thống Donald Trump khi Bộ Ngoại giao ra báo cáo nhân quyền thường niên, trong đó thay đổi cụm từ miêu tả cao nguyên Golan từ “do Israel chiếm đóng” thành “do Israel kiểm soát”. Những quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Donald Trump ủng hộ ý tưởng này của ông, song cũng còn không ít tranh cãi ngầm cho rằng quyết định của ông Donald Trump vi phạm Nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó, loại bỏ việc chiếm đóng lãnh thổ thông qua chiến tranh. Được thông qua sau cuộc chiến 1967, Nghị quyết này kêu gọi Israel rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và đảm bảo quyền của các nước trong khu vực được sống hòa bình trong phạm vi biên giới lãnh thổ được thừa nhận.
Quyết định của Tổng thống Donald Trump công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan sẽ gặp phải những khó khăn tương tự như khi Mỹ thay đổi chính sách đối với Jerusalem vì 2 lý do. Một, nó đảo ngược hàng thập kỷ chính sách nhất quán của Mỹ, yêu cầu bất kỳ sự công nhận lãnh thổ nào phải là kết quả của các cuộc đàm phán trực tiếp, thay vì tuyên bố đơn phương. Hai, nó đi ngược lại luật pháp quốc tế, vốn không công nhận chủ quyền của Israel đối với các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967.
Theo giới phân tích, động thái này của ông Donald Trump là một cử chỉ mang tính biểu trưng hơn là hợp pháp. Ngoài ra, nó cũng giúp ông Donald Trump gia tăng cơ hội tái đắc cử Tổng thống vào năm 2020, với mục tiêu nhằm vào lực lượng cử tri phái Phúc âm. Nhiều người trong số này đã bỏ phiếu ủng hộ ông Donald Trump vào năm 2016 và họ được nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền như Ngoại trưởng Mike Pompeo, hay Phó Tổng thống Mike Pence đặc biệt ca ngợi. Giới chức Nhà Trắng nói rằng quyết định về Jerusalem và cao nguyên Golan được căn cứ trên tình hình thực tế và là nền tảng cho tiến trình đàm phán hòa bình chính đáng.
Trung Đông “trở lại vạch xuất phát”?
Giới báo chí bình luận việc thừa nhận cao nguyên Golan thuộc quyền kiểm soát của Israel là một “quả bom ngoại giao” mà Washington ném xuống nhằm tìm cách vẽ lại bản đồ Trung Đông. Từ trước tới nay, Liên hợp quốc và Mỹ đã luôn kiên định không công nhận việc chiếm đóng của Israel đối với cao nguyên Golan, hay khu vực Bờ Tây vì cho rằng lãnh thổ của Israel và Nhà nước mới Palestine phải được đàm phán thông qua con đường ngoại giao. Kể từ khi chiến tranh ở Syria nổ ra năm 2011, Israel ít bị cộng đồng quốc tế chú ý và gây sức ép phải rút quân ra khỏi cao nguyên Golan - mảnh đất vốn được coi là rất quan trọng đối với an ninh của nước này.
Tuyên bố Golan của Tổng thống Donald Trump có thể gây phức tạp cho các kế hoạch hòa bình Trung Đông bị trì hoãn lâu nay của Mỹ sau khi bầu cử ở Israel kết thúc. Cựu Giám đốc CIA Panetta cho rằng, việc công nhận cao nguyên Golan “loại bỏ một trong những con bài mà mọi người đều cho rằng sẽ là một phần của thỏa thuận hòa bình Trung Đông”. Khi ấy, nó sẽ gây ra rắc rối thực sự với các đồng minh Arab của Mỹ ở Trung Đông.
Dan Sapiro, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel cho rằng, các hành động như đến thăm Bức tường Than khóc, thừa nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel cũng như tuyên bố Golan nói trên không giúp ích gì cho mọi triển vọng mờ mịt hiện nay về kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ.
Theo các nhà phân tích, việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan sẽ gây tác động tới toàn bộ khu vực Trung Đông và có thể ảnh hưởng tới cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine từ lâu đã được mong đợi. Trên thực tế, tuyên bố của Tổng thống Donald Trump không thay đổi gì hiện trạng khu vực này, bởi hiện không có cuộc đàm phán nào được tiến hành liên quan đến tình trạng của cao nguyên Golan. Mặc dù sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump được coi là một bước đi có tính chất biểu tượng, nhưng là quyết định cho thấy ông Donald Trump sẵn sàng “phá” thông lệ ngoại giao và tạo ra một cuộc tranh luận mới về Trung Đông. Tiến trình hòa bình Trung Đông nhiều khả năng sẽ quay trở lại vạch xuất phát.
Hồng Ngọc