Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:03 GMT+7

“Toàn quốc kháng dịch" nơi Biên cương

Biên phòng - Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngay từ đầu tháng 2-2020, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã quán triệt và triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch (PCD). Không chỉ sử dụng lực lượng tại chỗ, hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ (CB,CS), hàng trăm phương tiện từ tuyến sau đã được điều động, tăng cường cho biên giới. Theo “tiếng kêu sơn hà nguy biến”, BĐBP đã tiên phong, lập phòng tuyến, bịt kín tuyến biên giới đất liền, bờ biển.

Vì tính chất công việc nên phần lớn các chốt PCD đều xa khu dân cư, giao thông đi lại rất khó khăn, bởi địa hình rừng núi, sông suối phức tạp. Vì vậy nên cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của bộ đội cũng gặp không ít khó khăn. Từ chuyện ăn ở, sinh hoạt, tắm giặt cho đến ngày nắng nóng, đêm lạnh buốt, giấc ngủ giữa rừng chập chờn canh cánh nhiệm vụ bên mình. Lúc đầu mới triển khai, bộ đội phải ở nhà bạt, lán tạm, không có điện, không có nước sạch. Mùa hè thì nóng nực, khi mưa bão thì dột, thậm chí đã nhiều chốt bị giông lốc thổi bay trong đêm.

Ở tuyến phía Bắc và các tỉnh vùng bắc miền Trung, những ngày trời nắng, bộ đội phải lấy ruột chăn bông nhúng nước hoặc dùng cây cỏ phủ lên lán trại, để cho giảm bớt nhiệt độ. Còn những ngày trời lạnh, có mưa rào và mưa đá, lại phải dùng thêm bạt quây kín các lỗ hở, ngăn gió lùa và mưa hắt. Khó khăn như vậy, nhưng không một ai chùn bước. Bởi họ hiểu, lúc này biên cương đang rất cần họ.

Trên tuyến biên giới Tây Nguyên, Trung tá Phan Trọng Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sa Loong, BĐBP Kon Tum cho biết, từ tháng 3-2020 đến nay, đơn vị luôn duy trì 3 chốt quản lý, bảo vệ biên giới (QL, BVBG) và PCD. Đoạn đường từ đồn ra biên giới dài 15,5km, nhưng rất xấu, không thể di chuyển bằng xe máy, hành quân bộ thì mất tầm 4 tiếng. Ở khu vực chốt số 3 có con suối nhỏ. Cứ vào buổi chiều, anh em ở 3 chốt lại thay nhau về đây tắm rửa rồi "cõng" nước về chốt. Thượng úy Đào Tin, người dân tộc Xơ Đăng, phụ trách chốt số 3, nói: Sau khi được “xử lý” bằng cách lọc qua bồn nhựa có một lớp cát phía dưới, nước suối sẽ được dùng để nấu cơm, pha mì tôm và đun nước uống. Tận dụng những giọt nước hiếm hoi sau khi sinh hoạt, anh em ở các chốt còn tranh thủ trồng bầu, bí, trồng rau.

Không chỉ Đồn Biên phòng Sa Loong, mà dọc theo chiều dài hơn 600km đường biên giới 4 tỉnh Tây Nguyên, ven những cánh rừng, bên những mỏm núi, sườn đồi, cạnh các con sông, con suối, hàng trăm tổ chốt thực hiện nhiệm vụ “kép” vẫn vững vàng bám trụ. Trong cái khó khăn của thời tiết, các anh vẫn có cách để khắc phục, nhiều nơi còn nuôi được gà, được heo, đào ao thả cá, góp phần cải thiện đời sống.

Trong những chuyến đi đến các chốt PCD dọc tuyến biên giới, nghe nhiều câu chuyện do bộ đội kể lại mà thấy nhói lòng. Nhớ lại thời điểm bắt đầu dựng chốt PCD, Trung tá Hoàng Xuân Kỳ, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, BĐBP Hà Tĩnh kể, anh cùng 14 chiến sĩ phải cuốc bộ, leo dốc đá theo đường mòn để cấp tốc dựng chốt trong rừng. Sau một ngày làm việc cật lực, đến chập tối, khi lán vừa dựng xong thì cũng là lúc trời đổ mưa. Chưa có vải dù để phủ lên trên, các anh phải đi hái lá, bẻ cành cây che tạm và trải dưới nền đất để nghỉ. Trời mưa nguyên đêm, 15 người chỉ ăn mì tôm, uống nước suối và không thể chợp mắt vì lạnh…

Hay như câu chuyện của Thiếu úy Nguyễn Thành Tài, ở Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 số 4, Đồn Biên phòng Lộc Thành, BĐBP tỉnh Bình Phước. Sau một ngày tuần tra mệt nhoài, lúc tranh thủ ngủ thì có cảm giác nhột trên đầu nhưng vì mệt nên không quan tâm. Sáng ra, anh thấy nguyên một tổ kiến ở trên giường. Ở BĐBP tỉnh An Giang, Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 số 13, Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn gần như bị cô lập giữa đồng. Về mùa khô, ban ngày nắng như thiêu, đến xế chiều mới tạm dịu lại, nhưng cảm giác oi nồng vẫn hiện hữu. Lúc đó, bộ đội mới thay phiên nhau tắm giặt. Về mùa mưa, đồng nước mênh mông, mưa giông, gió giật, muỗi mòng nhiều vô kể. Bữa cơm chiều, vừa ăn anh em vừa phải “chạy muỗi”, miếng cơm trong miệng cũng nghe bứt rứt, mất ngon bởi tiếng “muỗi kêu như sáo thổi”.

Thấm thoắt, đã gần 2 năm trôi qua, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19 vẫn tiếp tục xác định việc ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài biên giới vào nước ta đóng vai trò quan trọng trong công tác PCD. “Cuộc chiến” sẽ còn kéo dài, chưa có hồi kết. Tâm thế chống dịch cũng phải thay đổi phù hợp tình hình thực tế.

Trở lại câu chuyện tổ, chốt PCD dọc biên giới. Thời gian đầu, phần lớn các tổ, chốt được làm bằng tranh, tre, nứa, sau đó được cấp phát nhà bạt. Tuy nhiên do khí hậu, thời tiết khắc nghiệt nên cuộc sống, sinh hoạt của CB, CS gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP quyết tâm, phải huy động toàn lực để chăm lo cho CB, CS bám trụ lâu dài trên biên giới. Được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, chính quyền địa phương, các tổ, chốt đã dần được đầu tư lắp đặt bán kiên cố.

Theo đó, từ cuối năm 2020, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã quyết định xây dựng 580 nhà lắp ghép bán kiên cố cho các chốt PCD trên biên giới. Những nhà - chốt bán kiên cố này, làm bằng khung thép tiền chế và những vật liệu chắc, nhẹ, vừa có không gian làm việc, nghỉ ngơi vừa có diện tích dành để thiết kế bếp nấu ăn, khu vệ sinh. Cùng với đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng chỉ đạo triển khai đầu tư mua sắm trang thiết bị, doanh cụ đồng bộ cho các nhà - chốt, động viên bộ đội làm vườn rau xanh, khu chăn nuôi… Cùng với sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, của lãnh đạo, chính quyền địa phương, đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP một số tỉnh như Quảng Ninh, Cao Bằng, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An, Long An, An Giang, Bình Phước, Kiên Giang.. cũng đã vận động các cơ quan, nhà hảo tâm cứng hóa cho trên 500 tổ, chốt, tổng trị giá ước tính gần 20 tỷ đồng.

Cùng với việc đầu tư sơ sở vật chất, từng bước ổn định sinh hoạt của bộ đội trên chốt, công tác tổ chức, cán bộ cũng được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm đúng mức. Tùy thuộc vào điều kiện, diễn biến của dịch ở từng địa phương, địa bàn cụ thể, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã nhiều lần điều động hàng nghìn lượt cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ các đơn vị tuyến sau và và học viên các học viện, nhà trường tăng cường, hỗ trợ cho tuyến trước thực hiện nhiệm vụ PCD, đảm bảo quân số đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức 9 đợt, điều động 3.213 lượt CB, CS của BĐBP các tỉnh, thành phố tăng cường lên các tuyến biên giới đất liền và vùng biển Tây Nam để ứng phó kịp thời với tình hình dịch Covid-19.

“Chúng tôi luôn phải đi trước một bước, dựa vào phán đoán tình thế và kinh nghiệm công tác để kịp thời gia cố cho những tuyến biên giới sẽ gánh chịu nhiều áp lực. Có lúc cần linh hoạt ngay cả việc đảo quân từ tuyến sau lên tuyến trước, chụm vào các vị trí hiểm yếu, cam go, ưu tiên quân tinh nhuệ vào những địa bàn trọng yếu. Trước mắt, các địa phương tuyến biên giới Tây Nam siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát và tăng cường chốt chặn các đường mòn, lối mở, kênh rạch và vùng biển Tây Nam, tránh gia tăng nguy cơ dịch bệnh từ biên giới phía Nam vào nội địa, giảm áp lực cho các địa phương phía Nam đang phải chống dịch ở các đô thị lớn hết sức vất vả”.

Trong suốt 2 năm qua, ngoài việc thường xuyên chỉ đạo, lãnh đạo, quán triệt các chủ trương liên quan đến công tác PCD, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP còn tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra, thăm hỏi và mang theo những lời động viên ân tình đến với lực lượng đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Tháng 4-2020, khi thăm, kiểm tra các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và PCD ở tuyến Tây Nam bộ, Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Đảng ủy viên, Phó Tư lệnh BĐBP nhấn mạnh: "Cuộc chiến" với dịch bệnh Covid-19 sẽ còn lâu dài, trong đó việc ngăn chặn, phòng chống từ biên giới là hết sức quan trọng. Hiện nay biên giới Tây Nam đang bước vào mùa mưa trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường. Vì vậy, CB, CS ở các tổ, chốt cần phải nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ PCD; cũng như đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn biên giới phụ trách.

Trong các cuộc kiểm tra, thăm hỏi tại biên giới, lãnh đạo Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP thường xuyên nhấn mạnh, tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp. Đặc biệt, hoạt động xuất, nhập cảnh (XNC) trái phép liên tục gia tăng với phương thức, thủ đoạn tinh vi, vì vậy nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và PCD Covid-19 của lực lượng BĐBP càng trở nên khó khăn, vất vả hơn trước. Trong điều kiện ấy, CB,CS càng phải nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”; chấp hành nghiêm mệnh lệnh cấp trên, đoàn kết quân dân, thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, khắc phục khó khăn ngăn chặn hiệu quả hoạt động XNC trái phép; hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới.

Từng Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP địa phương cần tiếp tục có phương án đảm bảo chăm lo đời sống về vật chất, tinh thần, sức khỏe cho bộ đội. Các tổ công tác tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, xung kích, cố gắng khắc phục khó khăn, giữ gìn sức khỏe; sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong bối cảnh thực hiện mục tiêu “ kép”, vừa PCD Covid-19, vừa quản lý, bảo vệ biên giới.

Ngày 23-9-2021, trực tiếp kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại các chốt PCD trên tuyến biên giới tỉnh Lạng Sơn, Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP đã biểu dương và ghi nhận tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, sự quyết tâm của CB, CS và các lực lượng phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và PCD Covid-19.

Trung tướng Lê Đức Thái lưu ý: Tình hình dịch Covid-19, hoạt động XNC trái phép đang diễn biến phức tạp, vì vậy nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và PCD Covid-19 của lực lượng BĐBP càng trở nên khó khăn, vất vả hơn trước. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, bản lĩnh vững vàng, quyết tâm, khắc phục khó khăn của CB, CS trong thực hiện nhiệm vụ trên biên giới… Ưu tiên hỗ trợ nhân lực, vật lực cho BĐBP trên tuyến đầu chống dịch, đảm bảo khí tài, trang bị kỹ thuật đủ khả năng xử lý nhanh có hiệu quả các tình huống trong PCD, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắn nhủ: “Đảng ta tuy nhiều người nhưng khi tiến đánh chỉ như một người”, “Sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối và chính sách của Đảng, tôn trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng”…

Những chuyến thăm hỏi, động viên tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, đoàn thể, tổ chức nói chung, của các cấp ủy Đảng BĐBP nói riêng, là động lực tinh thần vô cùng to lớn đối với cán bộ, chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ nơi biên cương. “lên dây cót tinh thần” và định hướng tư tưởng cho họ một lòng hoàn thành trọng trách được giao, luôn xung kích, đi đầu nơi biên cương Tổ quốc.

Nội dung: Đăng Bảy - Gia Khánh

Hình ảnh: PV - CTV

Video: Nguyễn Tiến Dũng

Thiết kế, đồ họa: Nguyễn Thủy - Trung Hiếu

Bình luận

ZALO