Biên phòng - Số liệu thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện cả nước có 1.865 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 2.350 km, trong đó có 91 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm (sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến an toàn đê điều, khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng) với tổng chiều dài 218km.
Tình trạng sạt lở đang có diễn biến ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại các khu vực ven sông, ven biển, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long và dải ven biển một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Cà Mau. Đó đều là khu vực tập trung đông dân cư và nhiều hoạt động kinh tế xã hội đang có tốc độ phát triển nhanh.
Tính theo khu vực, Trung bộ và Tây Nguyên có nhiều điểm sạt lở nhất. Cụ thể, Bắc Bộ có 471 điểm tổng chiều dài 413 km; Trung Bộ và Tây Nguyên có 905 điểm tổng chiều dài 1348 km; Nam Bộ có 679 điểm, tổng chiều dài 949 km.
Trong số 91 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, riêng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện 58 điểm, dài 155,3km.
Bích Nguyên