Biên phòng - ASEAN vừa kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập (8/8/1967-8/8/2022) và tiếp tục tạo thêm niềm tin về sự phát triển mạnh mẽ. Trải qua hơn nửa thế kỷ, ASEAN ngày càng khẳng định rõ nét vai trò trung tâm của một tổ chức khu vực thành công nhất thế giới và sẽ tiếp tục tỏa sáng vai trò trung tâm trong bối cảnh đầy thách thức hiện hữu.

Bản sắc rõ nét
Giới chuyên gia chính trị quốc tế đánh giá, kể từ khi thành lập đến nay, ASEAN đã trải qua chặng đường đầy chông gai nhưng tầm nhìn, bản sắc ngày càng được thể hiện bao trùm, rõ nét. ASEAN đã cho thấy sự liên kết sâu rộng vì hòa bình, ổn định và phát triển cho khu vực Đông Nam Á. Trên thực tế, ASEAN hiện là cộng đồng kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là đối tác tin cậy của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế. Đặc biệt, ASEAN luôn cho thấy giá trị của vai trò trung tâm trong các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết quan trọng của khu vực.
Sự ra đời và phát triển của ASEAN trong 55 năm qua đã phản ánh nguyện vọng của nhiều quốc gia trong khu vực, cũng như của cộng đồng quốc tế. Trong 55 năm nhiều thăng trầm lịch sử, ASEAN đã vượt qua mọi trở ngại để thích ứng với những biến động của thế giới, ngày càng phát triển và hoàn thiện toàn diện.
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong hành trình phát triển của ASEAN là việc Việt Nam gia nhập tổ chức vào năm 1995. Trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN, Việt Nam thúc đẩy kết nạp thêm Lào, Myanmar (năm 1997) và Campuchia (năm 1999), từ đó xây dựng ngôi nhà chung gắn kết toàn bộ 10 quốc gia của khu vực Đông Nam Á. Năm 2015, Cộng đồng ASEAN được hình thành với 3 trụ cột về an ninh - chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội đã nâng tiến trình hợp tác và liên kết khu vực lên tầm cao mới vì hòa bình, hợp tác và cùng phát triển thịnh vượng.
Nhìn nhận về sức phát triển của ASEAN trong bối cảnh thế giới đầy biến động trên nhiều mặt hiện nay, giới phân tích chính trị quốc tế cho rằng, năm 2022 được xem là năm ASEAN tỏa sáng vai trò trung tâm với việc đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trên trường quốc tế.
Nổi bật trong đó, Indonesia đang đảm nhiệm chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Tổng thống Indonesia Joko Widodo đánh giá, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 là một cơ hội quý giá để ASEAN đóng góp nhiều hơn cho quá trình phục hồi kinh tế thế giới, thúc đẩy các bước đột phá thực chất.
Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Thái Lan đang đảm nhiệm nhiệm kỳ Chủ tịch APEC 2022 với chủ đề "Mở, kết nối, cân bằng” và dự kiến chủ trì tổ chức Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11/2022. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết, với chủ đề này, APEC "mở" cho mọi cơ hội, "kết nối" trong mọi khía cạnh và "cân bằng" trong mọi lĩnh vực. Về phần mình, Thái Lan cam kết thúc đẩy các ưu tiên phát triển khu vực theo hướng tăng trưởng đồng đều và bền vững. Nỗ lực của Thái Lan cũng thúc đẩy APEC hướng tới một kỷ nguyên bền vững và cân bằng hậu Covid-19 thông qua khái niệm nền kinh tế sinh học, tuần hoàn và xanh.
Cơ hội củng cố niềm tin vững chắc
Nhiều học giả chính trị quốc tế chung nhìn nhận, những năm gần đây, ASEAN đã tô đậm nhiều dấu ấn về vị thế và uy tín, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Một minh chứng rõ nét cho điều này thể hiện ở 2 hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vào năm 2018 và 2019 đều do các thành viên của ASEAN là Singapore và Việt Nam trung gian tổ chức. Các cuộc gặp đã làm “giảm nhiệt” căng thẳng ở một trong những “điểm nóng” an ninh hàng đầu thế giới.
Giới học giả khẳng định, vai trò toàn cầu của ASEAN với lập trường trung lập, cân bằng đang ngày càng ghi nhiều dấu ấn quan trọng trên trường quốc tế, củng cố niềm tin về việc ASEAN sẽ đạt nhiều thành công với trọng trách điều phối các nỗ lực hòa giải hòa bình ở cấp độ toàn cầu. Đây cũng là yếu tố quan trọng để ASEAN có thể mở rộng hợp tác, kết nối phía Nam bán cầu và các nền kinh tế tiên tiến.
Trên thực tế, ASEAN được quốc tế đánh giá là tổ chức khu vực thành công nhất thế giới và đã đạt được những bước tiến đáng kể thông qua việc xây dựng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cùng với đó là sự tích cực trong khai thác tiềm năng tăng cường liên kết ASEAN - Liên minh châu Âu (EU); ASEAN có thể là trụ cột quan trọng của cơ chế BRICS+ thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS); ASEAN tiên phong tạo cơ chế gồm những nền kinh tế đang phát triển châu Á - châu Âu…
Một trong những yếu tố căn bản giúp ASEAN liên tục đạt nhiều thành tựu quan trọng, củng cố vị thế là tổ chức khu vực thành công nhất thế giới là nhờ Cộng đồng ASEAN cùng chung tầm nhìn và bản sắc. Chia sẻ về hành trình xây dựng Cộng đồng ASEAN nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập ASEAN và 27 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, phương cách ASEAN dựa trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đoàn kết, đồng thuận và không can thiệp công việc nội bộ luôn được gìn giữ, bồi đắp và phát huy, tạo nên giá trị và bản sắc của ASEAN. Chính phương cách ASEAN đã giúp khối và các nước thành viên vượt qua những giai đoạn sóng gió của khu vực và thế giới. Đồng thời, mỗi khi vượt qua thử thách, khó khăn, ASEAN càng trưởng thành, tinh thần đoàn kết, thống nhất càng được đề cao, phương cách và bản sắc ASEAN càng tỏa sáng.
Nhờ đó, ASEAN liên tục khẳng định được uy tín, vị thế và vai trò trung tâm, quan hệ với các đối tác được mở rộng, thực chất và sâu sắc hơn, tranh thủ được sự ủng hộ sâu rộng và hiệu quả của quốc tế cho thúc đẩy phát triển và liên kết của ASEAN. Đến nay, ASEAN có quan hệ đối tác đối thoại với 11 quốc gia và tổ chức quốc tế quan trọng (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU…). Nhiều quan điểm và quy định của ASEAN như Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC)… được cộng đồng quốc tế hoan nghênh và ủng hộ, từ đó, thúc đẩy hợp tác và nâng tầm quan hệ với ASEAN.
Truyền thông quốc tế thời gian gần đây đưa ra các nhận định cho rằng, ASEAN có thể trở thành “lá cờ đầu” của quốc tế trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các thỏa thuận hội nhập khu vực. Đây là yếu tố có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế thế giới khi vẫn chưa tìm ra cơ chế toàn cầu đủ hiệu lực thúc đẩy hợp tác theo chiều ngang giữa các khối hội nhập khu vực và thiếu các liên kết ngoại giao ở cấp quốc gia.
Với những thành tựu trong duy trì ổn định khu vực Đông Nam Á và xây dựng mạng lưới liên minh đa dạng toàn cầu, ASEAN đang tạo ra nhiều niềm tin cho cộng đồng quốc tế nếu được giao đảm nhận vai trò mang tính quốc tế lớn hơn. Trong đó, ASEAN có thể tạo ra một nền tảng, một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy ý chí, nguyện vọng của quốc tế nhằm phục hồi sau Covid-19, cũng như giảm thiểu căng thẳng ở các “điểm nóng”, góp phần giúp thế giới thích ứng với thời đại mới vì sự thịnh vượng, bền vững chung.
Thanh Trúc