Biên phòng - Trong màn sương sớm, theo chân cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế đến từng hộ gia đình trên địa bàn xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế để khắc phục hậu quả do dông lốc gây ra, tôi mới hiểu được những tình cảm gắn bó đặc biệt của quân và dân miền biên viễn này.

Khi những tiếng gà rừng vừa vang lên báo hiệu ngày mới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã thức dậy sớm hơn ngày thường. Sau bữa ăn sáng, mọi người đều khẩn trương chuẩn bị các dụng cụ như: Cuốc, xẻng, xe rùa... để cơ động đến giúp các gia đình bị thiệt hại trong cơn dông lốc vừa qua.
Giữa trập trùng đồi núi biên cương, những tia nắng mai đang xuyên thủng những đám mây tạo nên bức tranh đầy màu sắc. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ tiếp bước nhau tỏa về các hướng trên con đường bê tông quanh co. Trực tiếp chỉ huy lực lượng đến giúp các hộ gia đình bị thiệt hại tại xã Lâm Đớt, Thiếu tá Võ Xuân Minh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt chia sẻ: “Địa hình ở đây rất hiểm trở, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt mùa này ở đây thời tiết rất khắc nghiệt, buổi sáng nắng nóng, buổi chiều thường có mưa dông, vì vậy, chúng tôi phải tranh thủ đi từ sáng sớm để giúp các hộ gia đình khẩn trương sửa sang lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống”.
Được biết trước về việc hôm nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đến giúp gia đình, ông Hồ Văn Thia, ở thôn Ba Lạch, xã Lâm Đớt đã ra đầu ngõ chờ từ sớm để đón các chú bộ đội. Ngay khi bước đến đầu cổng, cảnh tan hoang đã hiện ra trước mắt. Căn nhà gỗ 3 gian bị dông lốc hất tung toàn bộ mái nhà, những tấm fibro xi măng vỡ nát nằm lăn lóc khắp mọi nơi. Ông Thia bàng hoàng nhớ lại: “Chiều tối 23/5/2023, khi gia đình chúng tôi vừa ăn cơm xong thì thấy trời có gió, khoảng hơn 10 phút sau thấy gió giật rất mạnh kèm theo mưa lớn làm tốc mái nhà. Cũng may còn một gian nhà tôi mới gia cố lại để che số lúa mới thu hoạch vụ vừa rồi nên không bị ướt. Khoảng hơn 1 giờ sau thì mưa gió ngừng hẳn... Trời tối quá nên gia đình chỉ dọn dẹp được một phần ở trong nhà. Sáng sớm hôm nay, các chú bộ đội đã đến sớm để giúp gia đình sửa lại nhà cửa, gia đình tôi biết ơn BĐBP nhiều lắm”.
Câu chuyện bị cắt ngang bởi chiếc xe tải chở những tấm lợp mới và một số vật liệu được vận chuyển đến. Khi chiếc xe tải vừa lùi vào trong sân nhà dưới sự hướng dẫn của các chiến sĩ, mỗi người một tay xúm lại, khẩn trương bốc dỡ vật liệu vào khu tập kết. Thiếu tá Võ Xuân Minh cho biết thêm: “Sau khi cơn dông lốc đi qua, đơn vị đã cử lực lượng xuống địa bàn phối hợp cùng chính quyền địa phương để khảo sát, kịp thời hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại. Đối với gia đình ông Hồ Văn Thia là một trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của thôn Ba Lạch, đơn vị đã hỗ trợ kinh phí mua tấm lợp mới cùng một số vật liệu và ngày công để sửa chữa nhà”.
Trên khung nhà gỗ trơ trọi ấy, từng cán bộ, chiến sĩ nối thành hàng dài, vừa gia cố lại cho chắc chắn, vừa vận chuyển những tấm lợp mới lên để lợp cho ngôi nhà. Với sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, sau hơn 2 giờ, ngôi nhà đã được gia cố vững chắc. Bưng ấm nước trên tay để rót mời từng người như để tỏ lòng cảm ơn, ông Thia xúc động nói: “Nhà tôi neo người, hoàn cảnh lại khó khăn, cũng may có các chú BĐBP đến giúp và hỗ trợ vật liệu sửa nhà. Bây giờ nhà cửa chắc chắn rồi, mọi người trong gia đình ai cũng yên tâm. Tôi không biết nói gì hơn, cảm ơn các chú nhiều lắm”.

Chia tay gia đình ông Thia, chúng tôi theo chân Thiếu tá Minh đến với một tổ khác của đơn vị đang khẩn trương giúp gia đình bà Hồ Thị Thìn, ở thôn Ba Lạch. Căn nhà của gia đình bà đã bị tốc toàn bộ mái do cơn dông lốc lớn ấy. Mặc dù mới gần 9 giờ sáng, nhưng cái nắng gắt và những cơn gió Lào của miền biên viễn đã làm cho những bộ quân phục dã chiến ướt đẫm mồ hôi. Gương mặt đen sạm, làn da cháy nắng, nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ đều khẩn trương, nỗ lực để giúp gia đình bà. Thiếu tá Hoàng Tô Na Sen, cán bộ tăng cường xã Lâm Đớt đưa tay lau những giọt mồ hôi đang lăn trên khuôn mặt, anh nở nụ cười thật tươi khi ngôi nhà được sửa sang lại hoàn tất. “Mặc dù mệt nhưng nhìn thấy ngôi nhà được sửa sang, gia cố chắc chắn, cùng với những ánh mắt mong chờ và niềm vui của người dân, chúng tôi như quên hết mọi mệt nhọc” - Thiếu tá Sen chia sẻ.
Cầm trên tay những quả dứa gai, những quả dưa chín mọng, đây là những loại quà đặc sản do chính bàn tay người dân biên giới nơi đây gieo trồng, bà Thìn tỉ mỉ cắt từng miếng rồi mời các chú bộ đội. Gương mặt không giấu được niềm vui, bà Thìn chia sẻ: “Nhà tôi vốn neo người, cơn dông lốc đã làm khu bếp tốc mái hoàn toàn, khu nhà trên bị tốc mái gần hết. Cũng may có các chú bộ đội đến giúp đỡ dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa, chứ quanh đây nhà nào cũng bị thiệt hại nên không biết nhờ ai được”.
Cơn dông lốc đi qua đã làm hơn 80 ngôi nhà của người dân ở xã Lâm Đớt bị tốc mái, trong đó, chịu thiệt hại nặng nề nhất là các gia đình tại thôn Ba Lạch. Ngay sau khi trận dông lốc đi qua, không chỉ có chính quyền địa phương, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt mà lực lượng Công an xã, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 92 (Quân khu 4) cũng đã huy động tối đa lực lượng, nỗ lực giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.
Ông Trần Văn Hảo, Trưởng thôn Ba Lạch cho biết: “Đời sống của người dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn, trận dông lốc vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn ngày công của các lực lượng đã kịp thời giúp các gia đình dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa. Nhờ vậy mà người dân đã sớm ổn định cuộc sống, tập trung làm ăn, phát triển kinh tế. Các gia đình ở trong thôn biết ơn các lực lượng nhiều lắm”.
A Lưới là huyện biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Thừa Thiên Huế, địa hình nơi đây hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai. Trong những cơn hoạn nạn ấy, cùng với chính quyền địa phương, những người lính Biên phòng đã không quản ngại khó khăn, hiểm nguy để ứng cứu kịp thời, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân. Khi thiên tai qua đi, những người lính mang quân hàm xanh lại nỗ lực giúp người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Những hình ảnh đó là minh chứng sống động, tô thắm thêm truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, gắn kết bền chặt thêm tình quân - dân ở khu vực biên giới.
Võ Tiến