Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 02:33 GMT+7

Tỏa sáng bản lĩnh người lính thợ trong gian khó

Biên phòng - Với chuyên môn là thợ quân khí, Thiếu tá Đào Quốc Hùng, Phó Quản đốc Phân xưởng sửa chữa vũ khí, Xưởng sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, Cục Kỹ thuật BĐBP đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong quá trình lao động. Anh là một trong những hạt nhân tiêu biểu của phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong BĐBP.

Thiếu tá Đào Quốc Hùng làm việc trong phân xưởng. Ảnh: Thùy Trang

Đầu giờ sáng tại Xưởng sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, ánh chớp lửa hàn, tiếng máy, tiếng búa xen lẫn vào nhau mang lại cho chúng tôi ấn tượng về bầu không khí lao động hăng say, miệt mài của những người lính thợ nơi đây. Phía Phân xưởng sửa chữa vũ khí, Thiếu tá Đào Quốc Hùng đang cần mẫn dùng máy đột dập liên hợp tạo ra các chi tiết của bản lề tủ súng K16, K21. Bộ bản lề tủ súng K16, K21 là sáng kiến của anh.

Đối với các đơn vị Quân đội đứng chân tại khu vực đồng bằng, nơi giao thông thuận tiện, việc vận chuyển, lắp ráp tủ súng là điều dễ dàng. Nhưng ở các đơn vị Biên phòng đóng quân nơi biên giới xa xôi, đường sá đi lại khó khăn thì đòi hỏi tủ súng cần có kết cấu linh hoạt hơn, có thể tháo rời các bộ phận khi cần vận chuyển, di dời mà vẫn đảm bảo an toàn, chắc chắn khi đưa vào sử dụng.

Với yêu cầu nhiệm vụ gắn liền với thực tiễn công tác như vậy, từ bản vẽ kỹ thuật của Bộ Quốc phòng, Thiếu tá Đào Quốc Hùng cùng với cán bộ, nhân viên trong Phân xưởng sửa chữa vũ khí đã tìm tòi, nghiên cứu và tạo ra bộ bản lề tủ súng có thể tháo dời khi cần thiết.

Thiếu tá Đào Quốc Hùng chia sẻ: “Khi nghiên cứu làm bộ bản lề tủ súng K16, K21 có thể tháo rời, tôi cũng đã cẩn thận tính toán đến yếu tố lắp ráp. Đó là làm sao để bộ đội ở biên giới có thể lắp ráp bộ phận cánh tủ với tủ bằng bản lề tháo rời được một cách đơn giản nhất với những công cụ thô sơ nhất”. Nhờ có sáng kiến đó của anh mà cán bộ, chiến sĩ BĐBP trên các tuyến biên giới đã dễ dàng vận chuyển, tháo rời và lắp ráp tủ súng.

Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các lực lượng khác phải căng mình thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, vừa phòng, chống dịch Covid-19. Để đáp ứng đủ số tủ súng cho tuyến đầu, Xưởng sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật được giao nhiệm vụ đóng mới 451 tủ súng K21 nhằm trang bị cho các tổ, đội công tác Biên phòng trong thời gian nhanh nhất, chất lượng cao nhất. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, Đảng ủy Xưởng sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật đã ra nghị quyết chuyên đề về nhiệm vụ này và hạ quyết tâm thực hiện được bằng mọi giá. Là hạt nhân nòng cốt của Phân xưởng sửa chữa vũ khí, Thiếu tá Đào Quốc Hùng nhiều đêm trăn trở tìm cách tháo gỡ khó khăn.

Thời gian thực hiện nhiệm vụ lần này cũng là thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội nên việc tìm, mua vật tư đầu vào trở nên vô cùng khó khăn. Ngay sau khi nhận được bản vẽ mẫu thiết kế tủ súng dành cho lực lượng BĐBP của Bộ Quốc phòng, Thiếu tá Đào Quốc Hùng đã cùng với cán bộ, nhân viên phân xưởng tiến hành nghiên cứu, tổ chức sản xuất tủ mẫu; đồng thời, chủ động liên hệ với đơn vị cung cấp, đảm bảo kịp thời và đầy đủ vật tư trong điều kiện giãn cách xã hội. Anh đã chủ động cùng cấp ủy, chỉ huy phân xưởng, căn cứ vào điều kiện thực tiễn hiện có, cùng tập thể phân xưởng bàn bạc đưa ra các phương án, kế hoạch sản xuất hợp lý, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tiết kiệm vật tư nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng.

Thiếu tá Đào Quốc Hùng cho biết: “Thời gian đó, chúng tôi nói vui với nhau là “80 ngày đêm lịch sử”. Anh em không quản ngại khó khăn, vất vả, lao động hăng say, làm ngày, làm đêm, làm cả ngày nghỉ, giờ nghỉ. Với phương châm “xã hội giãn cách nhưng không gián đoạn sản xuất”, chúng tôi hạ quyết tâm cao nhất hoàn thành khối lượng công việc lớn trong vòng 2 tháng để kịp thời đảm bảo cho đồng đội làm nhiệm vụ ở các tổ, chốt nơi biên giới”.

Cũng chính trong hoàn cảnh khó khăn đó mà bản lĩnh của người lính Bộ đội Cụ Hồ, sức sáng tạo của người lính thợ lại tỏa sáng với nhiều sáng kiến giúp phát huy hiệu quả trong sản xuất. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, Thiếu tá Đào Quốc Hùng có các sáng kiến “khuôn gá trên các máy đột dập”; “đột dập các chi tiết nhỏ của trốc, đáy tủ”; “bộ gá phẳng để hàn chi tiết tôn mỏng”.

Trước đây, để có các chi tiết nhỏ bằng sắt, nhôm của tủ súng, đơn vị phải tìm nhà cung cấp để mua hoặc người lính thợ phải làm thủ công, tự căn chỉnh, khoan bằng tay, độ chính xác phụ thuộc theo kinh nghiệm, tay nghề của mỗi người và mất thời gian rất lâu. Tuy nhiên, hiện nay, sau hàng loạt sáng kiến của Thiếu tá Đào Quốc Hùng áp dụng trên các máy đột dập liên hợp thì công đoạn này đã làm nhanh hơn rất nhiều, đảm bảo độ chính xác cao, rút ngắn thời gian sản xuất. Đặc biệt, đơn vị hoàn toàn tự chủ, không phụ thuộc vào nhà cung cấp hay biến động của thị trường.

Ra trường và về Xưởng sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật nhận nhiệm vụ vào năm 2003, trải qua gần 20 năm công tác, Thiếu tá Đào Quốc Hùng đã vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn công tác, cùng tập thể phân xưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Ban Giám đốc Xưởng sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật giao cho. Anh đã cùng tập thể đơn vị hoàn thành đóng mới hơn 1.000 tủ súng các loại, tham gia bảo dưỡng, bảo quản, sửa chữa hơn 4.000 khẩu súng bộ binh, gia công hàng nghìn chi tiết tủ súng và súng bộ binh các loại. Ngoài ra, anh tham gia cơ động sửa chữa phân cấp, bảo quản, bảo dưỡng vũ khí trên các tuyến biên giới và trực tiếp phục vụ thành công các đợt hội thi, hội thao của lực lượng BĐBP, phục vụ hiệu quả việc chỉnh súng AK, K54 cho các đơn vị huấn luyện hằng năm.

Chia sẻ về động lực để nâng cao năng lực sáng tạo và hiệu suất lao động, Thiếu tá Đào Quốc Hùng khiêm tốn nói rằng: “San sẻ khó khăn, gian khó với đồng chí, đồng đội ở các đồn Biên phòng bằng cách cải tiến vũ khí trang bị phù hợp với điều kiện thực tế của bộ đội, chính là điều thôi thúc tôi luôn nỗ lực hết mình cho công việc”.

Thùy Trang

Bình luận

ZALO