Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 27/03/2023 08:32 GMT+7

Tọa đàm “Làm báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0”

Biên phòng - Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội báo toàn quốc 2018, sáng 17-3, Tạp chí Người Làm Báo phối hợp với Ban Nghiệp vụ, Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm “Làm báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0”.

5aace6b622f7c7ae570031e1
Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Bảo Hằng

Thay mặt Ban Tổ chức, đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, buổi tọa đàm nhằm làm rõ các nội dung chính là: bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0, các công nghệ làm báo hiện nay và đội ngũ người làm báo phải làm gì để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0…

Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng hiện đại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây. Bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất.

Trong lĩnh vực báo chí truyền thông, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn và phát triển” của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về những thuận lợi cũng như thách thức, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến báo chí, đến hoạt động tác nghiệp báo chí…

Tiến sỹ Trần Quang Diệu, giảng viên Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng: “Cách mạng 4.0 sẽ tạo ra một lớp công chúng tương thích của thời kỳ truyền thông số. Từ cách tiếp cận với các tờ báo in, phát thanh hay truyền hình truyền thống, thông qua công nghệ và các thiết bị thông minh, công chúng có thể tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, chân thực hơn”.

2pv1lc95sj-73693_1394203274647140049_Toa_dam_2
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Bảo Hằng

Tại buổi tọa đàm cũng đặt ra những vấn đề thách thức đối với các cơ quan thông tấn báo chí, đặc biệt là các cơ quan đào tạo nghiệp vụ báo chí về việc thích nghi trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như thế nào.

PGS-TS Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết Văn-Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cho biết, dù lịch sử đào tạo báo chí của Khoa còn non trẻ nhưng cũng đã kịp thời bắt kịp với xu thế chung. Cụ thể, Khoa đã xây dựng chương trình, mời những chuyên gia báo chí đa phương tiện, chuyên gia đa nền tảng đến để giảng dạy cho sinh viên. Còn Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đầu tư hơn 65 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, phương tiện giảng dạy hiện đại, mời các chuyên gia báo chí trong và ngoài nước đến để cập nhật kiến thức cho đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình bộ môn.

Tuy nhiên, PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, lại cho rằng: “Dù là trong thời đại công nghiệp 4.0 nhưng cốt lõi của báo chí, truyền thông vẫn là tư duy. Công nghệ chỉ phục vụ cho nhu cầu của con người. Thay vì chạy theo công nghệ thì chúng ta nên tìm hiểu sâu hơn về cách chọn vấn đề truyền tải, công cụ truyền tải, cách tiếp cận thông tin và chọn lọc thông tin để đưa đến công chúng”.

Bảo Hằng

Bình luận

ZALO