Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:54 GMT+7

Tọa đàm giới thiệu bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”

Biên phòng - Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2020), sáng 22-7, tại Hà Nội, Quỹ Mãi mãi tuổi 20, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc và Câu lạc bộ Trái tim người lính phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm, gặp mặt các tác giả-nhân chứng lịch sử và giới thiệu bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”.

Cựu chiến binh Trương Công Đạo, Giám đốc Quỹ Mãi mãi tuổi 20 phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh: Thanh Thuận

Phát biểu khai mạc chương trình, cựu chiến binh Trương Công Đạo, Giám đốc Quỹ Mãi mãi tuổi 20 cho biết: “Từ hiệu ứng đặc biệt của 2 cuốn nhật ký lừng danh “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm do nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng, sưu tầm và chủ biên với hàng triệu bản in đã được phát hành, được dịch ra nhiều thứ tiếng, Quỹ Mãi mãi tuổi 20 đã lên ý tưởng sẽ tiếp tục sưu tầm và xuất bản nhiều hơn nữa những cuốn nhật kí thời chiến tranh để lại cho đời sau những giá trị thiêng liêng”.

Trung tướng Tiến sĩ khoa học quân sự, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng (nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp; nguyên Tư lệnh Quân khu 4) Chủ tịch Quỹ Mãi mãi tuổi 20 đánh giá: “Đây là công trình có giá trị cao về nội dung tư tưởng, mang thông điệp về cái đẹp và mang tính nhân văn sâu sắc. Có thể xem bộ sách "Nhật ký Thời chiến Việt Nam" như một tượng đài Di sản phi vật thể, mà các Anh hùng - Liệt sĩ, các cựu chiến binh đã để lại dấu ấn của tâm hồn mình cho thế hệ sau".

Bà Đào Minh Vân, con gái duy nhất của liệt sĩ-nhà tình báo Hoàng Minh Đạo kể về quá trình tìm kiếm tư liệu về cha. Ảnh: Thanh Thuận

Nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng, chủ biên của bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”, đã thay mặt nhóm sưu tầm, biên soạn và thực hiện chia sẻ: “Điều đặc biệt là 2/3 tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều người đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về. Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) mà thân nhân của các anh, chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển cho chúng tôi, còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất. Đó là những di vật thiêng liêng của nhiều gia đình. Có tác giả-liệt sĩ hiện nay vẫn chưa tìm được hài cốt, cho nên khi cung cấp những di vật thiêng liêng, người thân của họ vẫn hy vọng sau khi cuốn sách được phát hành, biết đâu sẽ tìm được phần mộ…”

Bà Đào Minh Vân, con gái duy nhất của liệt sĩ-nhà tình báo Hoàng Minh Đạo (tên thật Đào Phúc Lộc-“thủ trưởng đầu tiên” của phòng tình báo quân ủy hội, tiền thân ngành tình báo quân sự Việt Nam) chia sẻ hành trình 30 năm tìm kiếm những tư liệu, di vật về người cha của bà. Trong 30 năm, bà lần lượt gặp hơn 400 đồng đội, bạn bè cũ của cha. Đó là những người từng công tác trong nhiều lĩnh vực mà ông trải qua: Quân báo, tình báo, địch tình, binh vận và biệt động.

Bà cũng lặn lội tìm đến Trung tâm lưu trữ Vietnam Archive (thuộc Đại học Texas Tech, Bang Texas, Mỹ) tìm kiếm trên kho dữ liệu máy tính từng mẩu thông tin về người cha của mình trong nhiều ngày. Hàng nghìn trang tài liệu gồm thư từ, báo chí, hồi ký cách mạng thu thập được in thành ba quyển sách “Chân dung nhà tình báo”, “Những điều chưa biết về người anh hùng”, “Khúc bi tráng trên sông Vàm Cỏ” và cuốn tự truyện “Không thể mồ côi”. Đài truyền hình Hà Nội cũng làm bộ phim 15 tập “Con đường sáng” về toàn bộ cuộc đời ông.

Đi tìm cha, bà Minh Vân càng hiểu thêm nhiều về số phận của những đồng chí, đồng đội của cha mình khi làm tình báo thì phải chịu biết bao giông tố, oan khuất mà không thể chia sẻ cùng ai. Từ những ký ức mịt mờ về cha, giờ đây, bà có thể kể vanh vách từng ngày tháng hoạt động của cha mình...

Ban tổ chức tặng sách cho thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ và các nhân chứng lịch sử. Ảnh: Thanh Thuận
Ban tổ chức công bố Cuộc vận động sưu tầm thư và nhật ký được viết trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, phát động Cuộc thi viết và kể chuyện “Tình yêu trong chiến tranh”. Ảnh: Thanh Thuận

Nhà văn Lê Hoài Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Dù các tác giả trong các tập nhật kí có khác nhau về tuổi tác, trình độ, văn hóa, giọng văn và những trang ghi chép khác nhau về chiến trường, thời gian… nhưng những cuốn nhật ký trong bộ sách đều giống nhau ở một điểm chung, đó là lời tự sự, tâm sự của những người con đã hiến dâng tuổi thanh xuân, hiến dâng cả cuộc đời mình cho nền hòa bình của đất nước. Qua những trang nhật kí, người ta cũng nhận biết được những lời tâm tình ruột gan của những người anh, người cha, người chồng, người vợ, người con, người thầy, người bạn với những người thân yêu của mình ở hậu phương, có cả những người thoáng gặp trong phút dừng chân trên chặng đường hành quân ra trận, trong khoảnh khắc yên lặng giữa hai trận đánh... nhưng ấn tượng về họ thì không thể nào quên được”.

“Qua những trang nhật kí sinh động, cụ thể từng ngày, từng tháng của những người lính, bạn đọc có thể hình dung ra cuộc sống, chiến đấu vô cùng ác liệt, thiếu thốn ở chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi đầy bom đạn, hiểm nguy, sự sống và cái chết luôn cận kề và hầu như không có ranh giới. Những trang nhật kí của họ còn là nguồn tư liệu dồi dào, những nét phác thảo cho những truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản điện ảnh…sau này” - Nhà văn Lê Hoài Nam bộc bạch.

Cũng trong buổi tọa đàm gặp mặt này, Câu lạc bộ Trái tim người lính đã công bố Cuộc vận động sưu tầm thư và nhật ký được viết trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới (nhằm bổ sung tư liệu cho bộ sách Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam). Đồng thời, phát động Cuộc thi viết và kể chuyện “Tình yêu trong chiến tranh”. Cuộc thi nhằm phát hiện những chuyện tình đẹp và cảm động nhất, đã giúp cho nhiều người vượt qua bom đạn, cái chết và chiến thắng chính mình. Cuộc thi chỉ chấp nhận thể loại người thật, việc thật, mỗi bài viết dài không quá 3.000 chữ, kèm ảnh nhân vật, sự kiện hoặc clip kể chuyện (dài không quá 30 phút). Ban tổ chức sẽ tổng kết và trao giải cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc vào đầu tháng 3-2021. Kết quả cuộc sưu tầm và những tác phẩm xuất sắc nhất trong cuộc thi nêu trên sẽ được tuyển chọn, biên soạn vào tập sách Trái tim người lính.

Bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" gồm 31 tác phẩm của 31 tác giả, trong đó, mỗi tác giả trở về từ chiến trường đều có một số phận riêng biệt; mỗi tác phẩm trước khi đến với bạn đọc đều có một hành trình hàng chục năm với bao tình tiết ly kỳ. Bộ sách được hoàn thành trong thời gian 16 năm (2004 - 2020) do nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng và các cộng sự sưu tầm, biên soạn.

Bộ sách do Quỹ "Mãi mãi tuổi 20” và Câu lạc bộ "Trái tim người lính" tổ chức thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa, nhưng không nhằm mục đích kinh doanh, mà chủ yếu là lưu giữ tư liệu quý cho thế hệ sau.

Câu lạc bộ “Trái tim người lính” đã và đang gửi tặng miễn phí hàng ngàn bản PDF nội dung của bộ sách này cho bạn đọc trên khắp cả nước, để bạn đọc có thêm tài liệu về những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, để sử dụng cho công tác tuyên truyền, nghiên cứu và tham khảo, giảng dạy trong nhà trường, vì lợi ích chung của cộng đồng và xã hội…

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO