Biên phòng - Không bí mật ngư trường khai thác; không bỏ rơi đồng đội khi bị tai nạn; không khai thác, vận chuyển, tiêu thụ các loài thủy sinh quý hiếm; không dùng chất nổ, chất độc khai thác hải sản và không xâm phạm vùng biển nước ngoài trái phép - đây là những tiêu chí được Đồn BP Bình Hải, BĐBP Quảng Ngãi xây dựng và phát động cho ngư dân trên địa bàn đăng ký tham gia. Qua gần 2 năm thực hiện, mô hình này đã mang lại lợi ích thiết thực, được ngư dân hưởng ứng tích cực.
|
Cán bộ Đồn BP Bình Hải vận động ngư dân đăng ký tham gia Tổ tự quản tàu thuyền "5 không". Ảnh: Văn Tánh |
Đây là mô hình giúp ngư dân hiểu biết, chấp hành đúng pháp luật khi hoạt động trên biển, đoàn kết hỗ trợ nhau trong phòng chống thiên tai, chia sẻ kinh nghiệm khai thác hải sản, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. . .
Qua triển khai, nhiều tiêu chí đã được ngư dân chấp hành tốt, tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động vươn khơi bám biển khai thác hải sản được phát huy, năng suất đánh bắt thủy sản hằng năm được tăng lên, ngư dân đoàn kết hỗ trợ nhau khi gặp thiên tai bão gió.
Đại úy Nguyễn Văn Thương, Chính trị viên phó Đồn BP Bình Hải cho biết: Trong những năm qua, ngư dân hành nghề trên biển luôn phải đối mặt với những khó khăn thách thức từ thiên tai và cả nhân tai. Vì vậy, đồn đã phối hợp với Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu làm cầu nối để tập hợp ngư dân đoàn kết lại trong Tổ tự quản tàu thuyền "5 không", giúp nhau vươn khơi, bám biển khai thác hải sản đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời qua đó bảo vệ tốt chủ quyền vùng biển của mình, đặc biệt là hai ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa.
Là thành viên Tổ tự quản tàu thuyền "5 không", Thuyền trưởng Trương Văn Đức, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho biết, tháng 7-2015, anh cùng 11 thuyền viên xuất bến Sa Kỳ (Quảng Ngãi) đi hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa. Sau 9 ngày lao động trên ngư trường truyền thống thì bất ngờ bị tàu nước ngoài đâm chìm. Giữa biển khơi mênh mông, anh chỉ kịp mở máy bộ đàm thông báo tọa độ tàu chìm.
Ngay sau khi nhận được tin, nhiều đồng nghiệp trong Tổ nhanh chóng đưa tàu đến ứng cứu kịp thời, toàn bộ thuyền viên được đưa về đất liền an toàn. Với anh, việc tham gia Tổ tự quản tàu thuyền là điều kiện tiên quyết để anh vươn khơi bám biển trong thời gian tới. Anh Đức cho biết thêm: Nếu tôi không phải thành viên trong Tổ tự quản thì hôm đó, tôi và anh em đi trên tàu chắc chết thôi chứ không còn sống được. Tôi kêu gọi bà con ai chưa vô Tổ tự quản thì nhanh chóng vô, để đoàn kết giúp nhau từ việc sản xuất đến việc giảm thiểu rủi ro trên biển.
Thuyền trưởng Tiêu Viết Mân, ở xã Bình Châu tâm sự, trước đây ra biển phần ai nấy đánh bắt, lượng hải sản thu được ít, khi gặp thiên tai bão gió tự xoay xở, chống chọi dẫn đến thiệt hại về tính mạng và tài sản. Còn bây giờ, vô Tổ tự quản rồi, khi hành nghề trên biển, các thành viên trong Tổ thường xuyên liên lạc chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin về ngư trường. Mở biển ra, hễ anh nào gặp cá thì điện cho đồng nghiệp tới xúm đánh bắt, năng suất khai thác hải sản được nâng lên. Trường hợp xảy ra sự cố hỏng máy, hỏng thiết bị khai thác hải sản hoặc mất ngư lưới cụ, bà con cùng nhau khắc phục, cùng nhau khai thác.
Cùng quan điểm với Thuyền trưởng Tiêu Viết Mân, ngư dân Võ Hải, ở xã Bình Châu cho biết thêm: "Ví dụ như tôi bị hư cái máy dò cá, tôi chạy qua đồng nghiệp mượn thì đêm đó, tôi lặn có hiệu quả rồi. Nếu đặt giả thiết không có Tổ tự quản tàu thuyền thì mình mất đi một đêm lặn, bấy nhiêu đó sản lượng cũng đã sút rồi".
Không chỉ đoàn kết trong khai thác hải sản, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong phòng chống thiên tai, đối phó với tàu thuyền nước ngoài xua đuổi… ngư dân trong Tổ còn tự giác chấp hành nghiêm sự kiểm tra, kiểm soát của BĐBP và các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi ra vào, neo đậu tại các bến bãi, cửa sông, cửa lạch. Ngư dân cũng có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái biển, kịp thời phát hiện, tố giác hành vi gây mất an ninh trật tự trên biển, đồng thời cùng nhau xua đuổi tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ta khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản của Việt Nam.
Thông qua Tổ tự quản tàu thuyền "5 không", hằng năm, ngư dân cung cấp cho Đồn BP Bình Hải nhiều nguồn tin có giá trị, giúp đơn vị nắm chắc tình hình trên biển, chủ động triển khai lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Thuyền trưởng tàu cá QNg 90648TS Tiêu Viết La, xã Bình Châu cho biết: Anh em trong Tổ tự quản tàu thuyền trong khi hành nghề phát hiện tàu nước ngoài xâm phạm vào vùng biển Việt Nam là liên lạc với nhau đề phòng chúng có hành động xấu và tìm cách liên lạc báo cáo cho BĐBP biết xử lý.
Phát huy hiệu quả mô hình Tổ tự quản tàu thuyền "5 không", Đồn BP Bình Hải đang tiếp tục triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn, nhằm tập hợp ngư dân hành nghề ở các ngư trường xa bờ đoàn kết vươn khơi bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh vung biển, đảo của Tổ quốc.