Biên phòng - Hơn 16 năm gắn bó với nghiệp Biên phòng và đó cũng là thời gian anh gắn bó với nghề thầy thuốc. Trung úy Lê Xuân Lâm, cán bộ quân y Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang đã trở nên thân thuộc với nhân dân trên địa bàn biên giới tỉnh Hà Giang, đặc biệt với nhân dân 2 xã Ma Lé và Lũng Cú (huyện Đồng Văn). Với trách nhiệm, tấm lòng tận tâm, hết lòng phục vụ nhân dân, anh đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người “thầy thuốc quân hàm xanh” nơi địa đầu Tổ quốc.
Chúng tôi đến với Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang trong những ngày mà cả nước đang gồng mình chiến đấu, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và rồi vô tình bắt gặp hình ảnh người lính Biên phòng đang cùng nữ nhân viên y tá đi vào khu vực cách ly dành riêng cho người nghi nhiễm dịch. Hỏi ra mới biết, đó là Trung úy Lê Xuân Lâm, cán bộ quân y Đồn Biên phòng Lũng Cú, người đi bên cạnh là chị Lê Thị Mỹ Linh, vợ của Trung úy Lê Xuân Lâm hiện đang công tác tại Trạm Y tế xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Theo chân hai người vào khu cách ly, tận mắt chứng kiến hình ảnh Trung úy Lê Xuân Lâm cùng với người bạn đời của mình chăm sóc cho bà con nhân dân ân cần, chu đáo như những người thân của mình, chúng tôi thật sự ngưỡng mộ và cảm phục. cùng trò chuyện được biết nhân duyên giữa hai người, sự gắn bó với mảnh đất địa đầu Tổ quốc là một câu chuyện dài.
Năm 2001, cậu thanh niên Lê Xuân Lâm đăng kí thi tuyển vào Trường trung cấp Y tế Tuyên Quang, sau khi tốt nghiệp ra trường, anh viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau 3 tháng huấn luyện, anh được cử đến các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới tỉnh Hà Giang công tác. Cuối năm 2003, anh được tuyển dụng vào lực lượng BĐBP và được cử đi học thêm lớp y tá tại Trường dạy nghề số 11, Cục Hậu cần BĐBP. Trong những năm học tại Trường trung cấp Y tế Tuyên Quang anh đã quen và yêu chị Lê Thị Mỹ Linh. Sau 10 năm yêu nhau, năm 2011, tình yêu của họ đã "đơm hoa kết trái" để rồi nên duyên vợ chồng vào đúng "Ngày Thầy thuốc Việt Nam" 27-2.
Chị Linh trải lòng: “Lúc mới ra trường bọn mình quyết định sẽ chờ nhau, đột ngột anh viết đơn xin đi bộ đội, lại đóng quân tận biên giới Hà Giang. Gia đình, ai cũng khuyên tôi nên thôi, nhưng mình không chịu, quyết tâm đi theo anh bằng mọi giá. Sau khi cưới, mình xin về làm y tá tại Trạm Y tế xã Lũng Cú để gần chồng hơn”.
Trung úy Lê Xuân Lâm chia sẻ: “Hồi hai vợ chồng mới về đây vất vả lắm, rất may là được đơn vị tạo điều kiện về công tác tại Trạm Biên phòng, còn vợ thì ở ngay khu tập thể của trạm y tế xã, nên vợ chồng được ở gần nhau, hỗ trợ nhau trong công việc”.
Hiện, anh chị đã có 2 cháu nhưng đều gửi cho ông bà ở quê từ khi con mới 2 tuổi, hai vợ chồng anh tranh thủ những dịp đơn vị giải quyết cho nghỉ tranh thủ hay đi phép mới có dịp về thăm con.
Từ khi về công tác tại Đồn Biên phòng Lũng Cú, phụ trách phòng khám quân dân y kết hợp tại Trạm kiểm soát Biên phòng Lũng Cú, Trung úy Lê Xuân Lâm luôn được nhân dân nơi đây tin yêu. Nhiều người đã quen với hình ảnh hai vợ chồng đi bộ tới từng thôn, bản, gõ cửa từng nhà để thăm khám cho người già, cấp thuốc miễn phí cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Đặc biệt, nhân dân 2 xã Lũng Cú và Ma Lé tin tưởng vợ chồng Trung úy Lâm, lúc trở dạ sinh đẻ nhất định chỉ gọi vợ chồng anh.
Chị Lầu Thị Già, ở thôn Sáy Sà Phìn được đích thân hai vợ chồng Trung úy Lâm đỡ đẻ cho đứa con đầu lòng, cho biết: “Gia đình nhà mình mang ơn hai vợ chồng bác sĩ Lâm nhiều lắm, mà cũng không riêng gì nhà mình, nhiều nhà trong thôn của 2 xã này cũng thế, hai vợ chồng y tá Lâm mát tay lắm, đỡ đẻ cho không biết bao nhiêu người”. Nói xong, chị Lầu Thị Già tươi cười chia sẻ thêm: “Đứa con đầu lòng của mình được vợ chồng bác sĩ Lâm đặt tên cho đấy, Lầu Thị Trung Thu”. Sau chúng tôi được biết chị Lầu Thị Già sinh đứa con đầu lòng đúng vào ngày rằm trung thu, lại được sự tin tưởng của gia đình cho đặt tên con, nên hai vợ chồng Trung úy Lâm đã tên cho con chị Gìa là Trung Thu, đây thực sự đã trở thành kỷ niệm đẹp của vợ chồng Trung úy Lâm.
Chính Trung úy Lê Xuân Lâm cũng không nhớ được hết việc mình đã đỡ đẻ cho bao nhiêu hộ gia đình tại đây, anh tâm sự: “Ở đây bệnh viện huyện thì xa nên bà con rất tin tưởng hai vợ chồng mình, nhiều lúc đi đỡ đẻ cho bà con cũng gặp những trường hợp dở khóc dở cười về đặt tên con. Năm ngoái đỡ đẻ cho một hộ gia đình đúng ngày 30-4, họ cũng yêu cầu hai vợ chồng đặt tên con cho họ, vậy là thống nhất đặt tên Chiến Thắng. Nhiều lúc đi đỡ đẻ bà con quý, tặng cân rau cải, khi thì nải chuối hay cân thịt lợn treo gác bếp... những món quà mộc mạc nhưng phần nào làm ấm lòng người lính". Những câu chuyện ý nghĩa được anh chia sẻ một cách hồn nhiên càng làm cho chúng tôi nể phục về tinh thần nhiệt tình cũng như sự tin yêu của bà con nơi đây dành cho anh.
Thiếu tá Đỗ Đạt Nhiệm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang cho biết: “Trung úy Lê Xuân Lâm là một cán bộ quân y năng nổ, nhiệt tình, ngoài đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, đồng chí Lâm còn tranh thủ thời gian thăm khám cho nhân dân. Khi gặp những ca bệnh khó, đồng chí luôn tận tình hướng dẫn cho người dân chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị và tư vấn cho họ để tránh những trường hợp đáng tiếc gây nguy hiểm đến tính mạng người dân. Bên cạch công tác chuyện môn, đồng chí Lâm cũng tự mày mò tìm hiểu nâng cao trình độ, tự học hỏi những phương thuốc nam của đồng bào các dân tộc để phục vụ nhân dân. Ngoài trách nhiệm của một người lính quân y ra, đơn vị luôn tạo điều kiện để đồng chí có thể tự tìm tòi, nghiên cứu phục vụ cho công tác chuyên môn của mình”.
Chia tay Trạm kiểm soát Biên phòng Lũng Cú, chúng tôi luôn ấn tượng hình ảnh hai vợ chồng Trung úy Lê Xuân Lâm miệt mài thăm khám cho những người trong khu cách ly. Sự nhiệt tình, tận tụy ấy đã tạo sự tin yêu của người dân nơi đây đối với người lính quân y BĐBP.
Kim Nhượng