Biên phòng - Con tàu có tải trọng 3.500 tấn của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân kéo một hồi còi dài, vọng vang giữa không gian trời chiều, chào tạm biệt Quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Tất cả các thành viên chúng tôi trong đoàn công tác đặc biệt đi Trường Sa đứng hết lên mặt boong, tay chắp phía sau theo nghi thức của Hải quân, nghiêm trang từ giã đất liền, hẹn ngày gặp lại. Có cái gì đó cay cay nơi sống mũi. Trái tim trong lồng ngực như cũng đập rộn ràng, thổn thức, nôn nao về giây phút thiêng liêng chúng tôi ra với quần đảo Trường Sa, nơi Tổ quốc giữa lòng đại dương dạt dào con sóng vỗ miên man ngày tháng.
Đây là lần đầu tiên tôi đi Trường Sa sau bao lần lỗi hẹn. Đã nghe nhiều người đi Trường Sa kể chuyện, rồi đọc các bài viết về quần đảo giữa lòng đại dương, nhưng vẫn không thỏa chí, tôi muốn có một chuyến đi theo đúng nghĩa “đằm mình giữa Trường Sa” sóng gió, để trải nghiệm ý thức người lính về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trời sập tối rất nhanh. Mặt biển tím thẫm lại, đặc quánh, tưởng như có thể cầm dao mà xắn ra từng miếng ngon lành. Con tàu vẫn thẳng tiến theo hướng đảo Đá Tây A - điểm đảo đầu tiên chúng tôi đến. Sóng vỗ nhẹ mơn man bên thân tàu.
Ngồi trên mặt boong ngắm biển trời Tổ quốc mênh mông trong đêm, một mình lênh đênh giữa đại dương, mấy anh em chúng tôi ôm vai nhau khẽ thì thầm: “Thiêng liêng quá, các ông ạ! Chưa bao giờ chúng ta lại có cảm xúc về Tổ quốc, quê hương, biển, đảo thân thương như lúc này”.
Ơi chao, những người lính mang quân hàm xanh chúng tôi đã quen với thường ngày nối bước nhau tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc trên những dãy núi cao giữa rừng đại ngàn, hay trên những hòn đảo gần bờ có đông người dân sinh sống, nay được ra với đại dương, với quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc giữa trùng khơi, cảm thấy như mình được mở mang tầm mắt, được tiếp thêm sức mạnh để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương...
Sau hai ngày, ba đêm “hành quân” giữa đại dương, chúng tôi “đổ bộ” lên đảo Đá Tây A. Giây phút hội ngộ, bộ đội Hải quân trên hòn đảo nhỏ và anh em BĐBP chúng tôi cứ ôm chặt lấy nhau, lặng đi, không nói được lời nào.
Đây là cuộc hội ngộ lần đầu tiên trong lịch sử giữa lực lượng BĐBP và bộ đội Hải quân ngay trên vùng biển Trường Sa có chủ quyền của Việt Nam, giữa đại dương mênh mông sóng dữ. Nó thể hiện chúng ta thực thi đầy đủ về mặt luật pháp đối với quần đảo Trường Sa, mà trước đây hàng trăm năm, ông cha ta vẫn chưa có điều kiện thực hiện. Biển thô ráp mặn mòi như len vào từng hơi thở của cán bộ, chiến sĩ hai quân chủng trong Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Do là đoàn công tác đặc biệt đi thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, nên anh em chúng tôi không lưu lại được lâu trên đảo Đá Tây A. Mặc dù vậy, tôi vẫn tranh thủ đi được... nửa vòng quanh hòn đảo nửa nổi, nửa chìm được Bộ đội Hải quân trên đảo mệnh danh là “Chiến hạm không thể bị đánh chìm”.
Lúc hai lực lượng gặp nhau thông báo tình hình và trao quà trong ngôi nhà cũng “nửa nổi, nửa chìm” trên đảo Đá Tây A, người chỉ huy hòn đảo nằm về phía Nam của quần đảo Trường Sa này giọng nói bỗng chùng xuống: “Ngày hôm nay, hai lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc gặp nhau giữa quần đảo Trường Sa, một lần nữa đã thể hiện ý chí quyết tâm của cả một dân tộc: Dù chỉ là một tấc trên biển, cũng kiên quyết không được để rơi vào tay người khác!”. Lúc này thì sống mũi tôi thật sự cay xè. Chúng tôi lại lao vào nhau, một lần nữa ôm chặt lấy nhau như không muốn rời xa nhau.
Chia tay đảo Đá Tây A, ngay trong đêm, con tàu chúng tôi lại đè lên các đợt sóng tầng tầng lớp lớp, quay mũi về hướng đảo Trường Sa Lớn. Sáng hôm sau, nhìn những con tàu trọng tải hàng chục nghìn tấn của nước ngoài chở đầy container hàng hóa, ngược xuôi tấp nập trên vùng biển quốc tế ở phía xa xa, chúng tôi hiểu thêm tầm quan trọng bằng mọi giá phải bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa đầy sóng gió này của Tổ quốc.
Đầu giờ chiều hôm ấy, đoàn công tác chúng tôi cập cảng đảo Trường Sa Lớn. Giây phút nhìn thấy đảo Trường Sa Lớn với lá cờ Tổ quốc nổi bật lên đỏ rực giữa rặng cây chạy dài xanh mướt tầm mắt, ai nấy đều nao nao, rạo rực. Nhưng cũng phải đợi mất một lúc khá lâu, tàu chúng tôi mới cập được mạn vào cầu cảng. Sau này, làm việc với đồng chí Trung tá, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi mới vỡ lẽ. Anh cho biết, do ở đảo Trường Sa Lớn có một dòng chảy ngầm cực mạnh trên Biển Đông, phải căn theo giờ thì tàu mới cập được mạn vào đảo, nếu không nắm được điều đó, thì dù tàu to lớn cỡ nào cũng bị dòng chảy ngầm cực mạnh này cuốn chìm xuống đáy đại dương.
Hỏi chuyện người chỉ huy đảo Trường Sa Lớn, tôi được biết, thời gian gần đây, nhiều thủ đoạn hoạt động giả dạng ngư dân để tìm cách xâm nhập lên các đảo của ta, đã bị bộ đội Hải quân vạch trần. Có lần, các anh nhận được tin báo tàu cá của ngư dân một nước ngoài gặp nạn, đang trôi dạt gần đảo Trường Sa Lớn. Bộ đội trên đảo ra cứu hộ cứu nạn, đưa họ vào đảo, khám chữa bệnh cho họ, cho ăn, cho ngủ, chờ tàu ở đất liền ra đưa họ vào bờ để trao trả về nước.
Lợi dụng lòng tốt của bộ đội Hải quân Việt Nam, họ bí mật quay phim, chụp ảnh bằng điện thoại di động, vẽ sơ đồ các vị trí quân sự trọng yếu trên đảo, hòng gửi về nước. Nhưng, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, thủ đoạn đê hèn ấy của họ đã không qua được con mắt cảnh giác của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Điều đó cho thấy, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc không cho phép chúng ta mất cảnh giác, chỉ cần một phút lơ là, thì sẽ không có thời gian để mà suy ngẫm, sửa chữa lỗi lầm.
Tôi là người may mắn được chứng kiến một buổi chào cờ và duyệt đội ngũ trên đảo Trường Sa Lớn. Qua bao thăng trầm, thiếu thốn, gian khổ, khó khăn, thậm chí có thời điểm phải đổ máu hy sinh để giữ từng mét vuông trên quần đảo Trường Sa, hôm nay, đảo Trường Sa Lớn và các đảo của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa đã khang trang, hiện đại, đủ đầy và phát triển rất nhiều.
Bằng chứng là qua cuộc duyệt đội ngũ trong buổi chào cờ trên đảo Trường Sa Lớn, chúng ta đã có đủ các lực lượng tinh nhuệ, hiện đại nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi được biết, để không ngừng nâng cao cảnh giác, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng, bộ đội trên quần đảo Trường Sa đã có những “cái nhất tuyệt đối”, đặc biệt là tuyệt đối không uống rượu bia. Đây là quy định nghiêm ngặt nhằm đảm bảo cho các cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Trong tôi bỗng dâng trào niềm tự hào mãnh liệt về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, về Tổ quốc thiêng liêng và chợt nhớ câu thơ của tiền nhân: Xã tắc bao phen chồn ngựa đá/Non sông nghìn thuở vững âu vàng. Từ đây, các chiến sĩ của các quân, binh chủng trên quần đảo Trường Sa hôm nay, sẽ làm yên lòng cán bộ và nhân dân cả nước về sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, đủ sức bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ôi chao! Một tiếng chuông chùa trên đảo Trường Sa lớn bỗng ngân vang, trong thinh không mênh mang của biển trời Tổ quốc, giữa lòng đại dương bao la, kéo tôi trở về với thực tại. Các cán bộ, chiến sĩ trên đảo đâu chỉ có mỗi việc chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, mà các anh còn nhiều trăn trở, lo toan giữa đời thường.
Thế mới biết, Tổ quốc giữa đại dương đầy cạm bẫy, sóng lớn dữ dằn, vẫn còn cả những tâm sự sâu kín nhất trong lòng người lính giữ đảo, giữ biển. Những người lính Biên phòng đóng quân trên đảo Trường Sa Lớn, ngày đêm sát cánh với bộ đội Hải quân và các lực lượng khác, luôn cảnh giác, tuần tra bên con sóng Biển Đông, quyết không để Tổ quốc bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Thực thi đầy đủ pháp luật để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đó là “kế sâu rễ bền gốc” mà ông cha ta đã dạy. Bất chợt, trong tôi vọng vang câu nói của tiền nhân mà tất cả cán bộ, chiến sĩ BĐBP trên cả nước đều thuộc nằm lòng: “Biên phòng hảo vị trù phương lược/Xã tắc ưng tu kế cửu an” (Lo việc biên phòng cần có phương lược sẵn sàng/Giữ nền xã tắc nên tính kế dài lâu).
Hàn Viết Hoan