Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:33 GMT+7

Tổ quốc bay lên từ chốt Biên phòng

Biên phòng - Một ngày cuối tháng 2 năm 2020, tôi theo chân những chiến sĩ Biên phòng ra chốt tiền tiêu. Khi ấy, dư âm của mùa Xuân còn hiện hữu khắp ba miền, nhà nhà, người người hân hoan hội tụ. Nhưng đó cũng là khi, trên dải hành lang giới hạn không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam dài trên 5.000km, những người lính mang quân hàm xanh đã và đang ghi tên mình ở những nơi gian khó nhất, vượt núi cao, suối sâu trong “trận tuyến không biên giới” để ngăn chặn kẻ thù vô hình xâm nhập nước ta.

Cán bộ Đồn Biên phòng Bắc Sơn, BĐBP Quảng Ninh lập lán chốt chặn 24/24 giờ tại mốc 1360, xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái. Ảnh: Lê Đồng

Và tròn chặn 1 năm, với 365 ngày đêm nắng lửa, mưa dầm, giông lốc và giá lạnh, 1.608 tổ, chốt với gần 10.000 người tham gia gồm cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các lực lượng khác vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ.

Cổ nhân có câu “Đời loạn mới biết tôi trung/Tuế hàn mới biết bách tùng kiên tâm”. Vẫn biết chẳng ai mong muốn thiên tai, dịch bệnh để chứng tỏ bản thân trung nghĩa, kiên cường, nhưng quả tình “qua cơn lận đận mới thấu tận lòng nhau”. Ấy chính là nói câu chuyện đất nước trong mùa dịch giã, để mỗi người chúng ta tỏ tường sức nước, lòng dân và vai trò của mỗi giai cấp, mỗi ngành nghề trong xã hội. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cả hệ thống chính trị chuyển động để đảm bảo tối ưu nhất các phương án dập dịch. Quân đội đảm bảo công tác cách ly, bảo vệ biên giới để phòng, chống hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, ngăn chặn dịch bệnh từ tuyến đầu. Ngành y tế triển khai xét nghiệm sàng lọc, điều trị bệnh và các biện pháp phòng tránh. Ý thức người dân trong đại dịch cũng được nâng cao rõ rệt.

Và mới đây thôi, còn ai đó vùng vằng, suy bì lương bộ đội cao thì nay hẳn đã ít nhiều thấy lòng mình nhỏ hẹp. Vì nhân dân để chiến đấu, vì nhân dân phục vụ và bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân - đây là trách nhiệm cao quý của BĐBP và của Quân đội ta. Một nhiệm vụ “kép” được đặt ra cho BĐBP, đó là vừa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vừa phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh trên biên giới và các cửa khẩu.

Tôi thương quý biết bao những chốt Biên phòng “nhiều không” trên khắp nẻo biên cương Tổ quốc. Không đường giao thông, không điện, không mạng internet, không sóng điện thoại và thậm chí là không nước... Thiếu thốn là thế, khắc nghiệt là thế... những chốt canh được dựng lại nhiều lần sau mỗi cơn giông gió, ngày một kiên cố, đàng hoàng hơn để đảm bảo cho anh em công tác, ứng trực và nghỉ ngơi.

Nhưng suốt 365 ngày qua, không một ngày nào các chốt thiếu màu cờ. Việc đầu tiên của những người lính Biên phòng khi dựng chốt canh chính là dựng cột treo cờ. Nắng gió có thể khiến anh em vất vả, yếu mệt, bạt dù có thể rách, quần áo có thể sờn vai, sứt chỉ, nhưng Cờ Tổ quốc không được để phai bạc. Trên 1.600 chốt Biên phòng dẫu đơn sơ lều bạt dã chiến hay tranh, nứa ghép vội, nhưng đẹp như một khúc tráng ca với màu Cờ Tổ quốc đỏ thắm tin yêu, là điểm tựa cho cả nước vững vàng trong đại dịch.

Còn những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng da sạm đen vì nắng gió, mắt trũng sâu vì thiếu ngủ đã gợi bao thương yêu trong tâm trí mỗi người dân. Trong số ấy, đã có hàng chục đồng chí không thể trở về đưa tiễn người thân đến nơi an nghỉ cuối cùng, 48 đồng chí hoãn cưới vợ và hoãn cưới con, 50 đồng chí không thể ở bên cạnh bạn đời trong lúc trở dạ, sinh con, 48 đồng chí chỉ có thể gửi lời động viên, hỏi thăm người thân ốm nặng qua điện thoại... Thậm chí, có nhiều đồng chí đã gặp nguy hiểm do các loại rắn rết, côn trùng có độc gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Càng thương và tự hào hơn khi các anh đã nén lại nỗi niềm riêng, với tinh thần “giúp dân như giúp người thân của mình”, tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân phòng, chống dịch bệnh. Các trạm quân y tăng cường giám sát, quản lý sức khỏe của bộ đội và nhân dân khu vực biên giới, tham gia tuyên truyền phòng, chống dịch và phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế dự phòng tại các địa phương để nắm chắc tình hình dịch bệnh và sẵn sàng ứng phó khẩn cấp khi phát hiện dịch bệnh...

Các tổ công tác vào từng thôn bản, từng lớp học, điểm sinh hoạt công cộng để phun thuốc tiêu độc, khử trùng và trao tặng vật tư y tế, khẩu trang cho bà con chủ động chống dịch, cứu trợ lương thực, thực phẩm cho đồng bào trong những ngày cả nước giãn cách xã hội. Và hình ảnh đẹp nhất, cảm động nhất trên biên giới những ngày này chính là khi các già làng, trưởng bản và nhân dân mang tặng bộ đội mớ rau xanh, chục trứng gà, nắm chè tươi... hay chỉ đơn giản ra chốt trực giúp nhen lửa nấu gói mì tôm, đun ấm nước chè để “mấy chú Biên phòng” tranh thủ chợp mắt dăm ba phút.

Xuân đang về với biên cương, về trên các chốt Biên phòng giữa đường biên lộng gió và tuyết trắng phủ dầy. Nhưng hơi ấm của tình đất nước, nghĩa biên cương và tình quân dân thắm đượm chính là động lực lớn lao nhất, là sự động viên ý nghĩa nhất để những người lính quân hàm xanh luôn vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách nơi địa đầu phên dậu. Những người lính “trấn biên” luôn xác định phải dốc sức, đồng lòng vì sự nghiệp quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Tôi như thấy biên cương lồng lộng bóng cờ, thấy những luống hoa cải vàng tươi, tam giác mạch đỏ hồng điểm sắc Xuân bên chốt lạnh. Thấy trong đêm thâu, đồng đội của chúng tôi ngồi sát gần nhau bên bếp lửa hay bước chân đi loang loáng ánh đèn dọc đường biên khi cơn mưa trắng rừng, mờ núi. Các anh sẽ luôn thức để hướng về nhân dân, lắng nghe tiếng gọi của Tổ quốc cho đến khi đại dịch tạm yên. Và khi ấy, chính họ sẽ không quản ngại vất vả để tiếp tục đồng hành cùng nhân dân biên giới tái thiết cuộc sống mới sau dịch bệnh.

Chúc các anh chân cứng đá mềm, như tùng bách kiên tâm giữa tuế hàn biên giới. 1.608 chốt Biên phòng sẽ là 1.608 đóa hoa đẹp nhất, là hàng nghìn nốt nhạc báo tin vui trên cung đàn mùa Xuân đất nước.

Tùy bút: Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO