Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:13 GMT+7

Tình trạng tảo hôn gia tăng trong đại dịch Covid-19

Biên phòng - Những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn chưa chấm dứt mà lại có xu hướng gia tăng.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống làm suy giảm nòi giống, ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng nguồn nhân lực. Ảnh: Bích Nguyên

Cao Bằng có 161 xã, phường, thị trấn (trong đó có 29 xã thuộc khu vực I, 6 xã khu vực II, 126 xã thuộc khu vực III). Dân số toàn tỉnh tính đến thời điểm ngày 1-4-2019 là 530.341 người, với nhiều dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 94,87%. Đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống ở vùng núi cao, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, cơ sở hạ tầng, thông tin còn nhiều hạn chế. Đặc điểm tự nhiên và xã hội này đã có tác động rất lớn tới quá trình xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của địa phương này.

Đầu năm 2021, khi mới 14 tuổi, cô bé Giàng Thị Cái, người Mông, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng đã lấy chồng. Giàng Thị Cái chỉ là một trong số hàng trăm thiếu niên Cao Bằng tảo hôn trong năm 2021 - điều gây nhức nhối trong xã hội nhiều năm nay.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là rất nặng nề, khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào DTTS. Tảo hôn cũng là nguyên nhân dẫn đến các học sinh phải bỏ học, ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản vị thành niên. Tảo hôn cũng khiến khả năng kiếm sống hoặc đóng góp về kinh tế cho gia đình của mỗi thành viên là rất thấp, dẫn đến nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo, là gánh nặng cho xã hội. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trong đó trọng tâm là thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS".

Ông Bế Văn Hùng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết, thực hiện Đề án, năm 2021, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức 573 hội nghị, tập huấn, cung cấp thông tin cho 58.000 lượt người. Đồng thời, thực hiện 48 vụ tư vấn, 48 vụ can thiệp về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; hơn 2.500 cuộc tư vấn tuyên truyền tập trung cho hơn 31.000 người nghe. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như mong muốn.

Theo số liệu thống kê, năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh Cao Bằng có 3.782 cặp kết hôn thì có 258 cặp tảo hôn (chiếm 6,82%). Trong số đó, 139 cặp kết hôn tảo hôn vợ hoặc chồng, 119 cặp kết hôn tảo hôn cả vợ và chồng; tăng 72 cặp so với năm 2020. Độ tuổi tảo hôn thấp nhất với nữ là 14 tuổi và nam là 15 tuổi. Tình trạng tảo hôn xảy ra nhiều nhất là tại các huyện: Bảo Lạc 107 cặp, Bảo Lâm 97 cặp, huyện Hà Quảng 39 cặp.

Khác với tảo hôn, tình trạng kết hôn cận huyết thống có giảm hơn so với năm trước những vẫn được đánh giá là chưa bền vững. Theo đó, năm 2021, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 2 cặp kết hôn cận huyết thống đều là người Mông, giảm 5 cặp so với năm 2020.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Cao Bằng nhưng chủ yếu nhất là do trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hóa và các tiến bộ xã hội của đồng bào DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn thấp. Thêm vào đó, phong tục tập quán và quan niệm lạc hậu trong hôn nhân, những hủ tục như hứa hôn vẫn còn tồn tại cùng với những quan niệm mang tính duy tâm, đã dẫn đến nhiều gia đình quyết định dựng vợ gả chồng cho con em mình khi chưa đến tuổi kết hôn.

Một nguyên nhân khác góp phần làm gia tăng tình trạng tảo hôn, đó là sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, sự du nhập của văn hóa ngoại lai, thiếu kinh ngiệm giới tính... đã ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, xảy ra những trường hợp mang thai ngoài ý muốn phải nghỉ học, dẫn đến tảo hôn.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, học sinh được nghỉ học kéo dài, không có sự quản lý của nhà trường, các em tự do sử dụng điện thoại, kết nối với nhau qua mạng xã hội, dễ nảy sinh tình cảm khác giới, cũng là một nguyên nhân dẫn đến gia tăng tình trạng tảo hôn. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, tư vấn, can thiệp về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống hiệu quả đạt được chưa cao, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tế. Việc quản lý, kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để có biện pháp sớm kịp thời ngăn ngừa còn hạn chế.

Tảo hôn khiến nhiều thiếu niên bị mất cơ hội học tập và phát triển. Ảnh: Bích Nguyên

Để xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống một cách bền vững, ông Hùng cho biết Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao dân trí vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, lồng ghép tuyên truyền với thực hiện mô hình kinh tế, ổn định đời sống. Ban Dân tộc cũng sẽ phối hợp với các ban, ngành trong tỉnh tham mưu, bổ sung, hoàn thiện các chính sách liên quan đến giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết, như: chính sách khuyến khích, hỗ trợ cán bộ làm công tác dân tộc; cộng tác viên dân số, nhân viên y tế, bà đỡ thôn bản ở khu vực đồng bào DTTS khi tham gia các can thiệp liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; chính sách khuyến khích hỗ trợ giao lưu, kết bạn giữa các dòng tộc, dân tộc khác nhau ở vùng có nhiều người DTTS sinh sống.

Song song với công tác truyền thông nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi cho người dân, Ban Dân tộc cũng sẽ tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình. Đồng thời duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả mô hình tư vấn về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho đối tượng vị thành niên ở các trường phổ thông trung học vùng đồng bào DTTS; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên tại cấp xã.

Xuân Hương

Bình luận

ZALO