Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:20 GMT+7

Tình thương yêu của Người gửi lại thế hệ mai sau trong bản Di chúc thiêng liêng, bất hủ

Biên phòng - Tối 21-8, cầu phát thanh - truyền hình “Muôn vàn tình thương yêu”, chương trình Chính luận - Nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 50 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện Di chúc của Người đã diễn ra tại 3 điểm cầu: Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ- Hà Nội), khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) và khu Di tích Bến Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh). Chương trình là sự kết hợp hài hòa yếu tố chính luận và nghệ thuật, đã để lại ấn tượng sâu sắc và mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.

af7t6mgkhj-18513_f_jzm723va1_Anh_2
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: P.V

"Muôn vàn tình thương yêu" là chương trình cầu phát thanh - truyền hình mang tính Chính luận - Nghệ thuật quy mô lớn đầu tiên được Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Nghệ An và TP Hồ Chí Minh. 3 miền Bắc - Trung - Nam cùng chung bản hòa ca về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời là đất nước được thống nhất, non sông liền một dải.

Chương trình do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam trực tiếp chỉ đạo; nhà báo Trần Đăng Tuấn xây dựng kịch bản; Nhà báo - NSƯT Lê Thụy làm Tổng đạo diễn cùng sự tham gia của hơn 200 nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Đoàn Ca múa Dân gian Nghệ An, Vũ đoàn Âu Cơ, Vũ đoàn Bạch Dương, Vũ đoàn Phương Việt, Dàn hợp xướng Người Sài Gòn…; sự phối hợp sản xuất của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An.

Chương trình có kết cấu, kịch bản chặt chẽ. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa 3 điểm cầu tạo nên một câu chuyên xuyên suốt, khắc hoạ rõ nét cuộc đời và những phẩm chất đạo đức cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, người con của vùng quê nghèo xứ Nghệ, không cam chịu cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than đói khổ, đã ra đi tìm đường cứu nước. Suốt cả cuộc đời của Người đã vì nước, vì dân, trước khi về với thế giới người hiền, Người đã để lại muôn vàn tình thương yêu cho dân tộc. Tất cả tình yêu thương và lời căn dặn được Người trao gửi cho thế hệ mai sau trong Bản Di chúc thiêng liêng, bất hủ.

trvuwp4bje-18513_f_jzm723vn3_Anh_4
Một phân cảnh trong vở kịch "Đêm giao thừa". Ảnh: Toàn Vũ

Trong chương trình, những nội dung đó được xâu chuỗi lại bằng những thước phim tư liệu, ghi lại những thời khắc linh thiêng trong lịch sử của dân tộc, những câu chuyện kể của các nhân chứng và bằng chính sức mạnh truyền cảm của nghệ thuật. Lần đầu tiên, một chương trình cầu truyền hình-phát thanh có các tác phẩm kịch nói mang tên: Đêm giao thừa, Nỗi đau, Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Những vở kịch tái hiện lại những câu chuyện có thật trong lịch sử cách đây nhiều năm nhưng tư tưởng vẫn còn rất mới, rất thời đại về vấn đề xử lý cán bộ tham nhũng hay các đảng viên phải là đầy tớ nhân dân đúng nghĩa. Đó cũng là những nội dung trong di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đến nay chúng ta vẫn còn noi theo thực hiện.

Với riêng phần âm nhạc, các bài hát nổi tiếng về Bác Hồ, là những tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam được vang lên tại cả 3 miền của đất nước. Trong đó, có những màn hợp xướng hùng tráng, thiết tha được các nghệ sĩ nổi tiếng cùng cất lên ở cả 3 điểm cầu. Phần âm nhạc có một tác phẩm hoàn toàn mới, viết riêng cho cầu truyền hình - phát thanh này: Ca khúc 50 năm theo lời Bác dặn được nhạc sĩ Đức Trịnh phổ thơ của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. Phần lớn các tiết mục là những ca khúc đã đi cùng năm tháng như: “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Từ làng Sen”, “Dấu chân phía trước”, “Trông cây lại nhớ đến Người”, “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”, “Bài ca hy vọng”, “Tự nguyện”…được nghệ sĩ ba miền hòa giọng trong không khí thiêng liêng, đầy cảm xúc.

“Tôi rất xúc động khi được xem những tư liệu cũ, được nghe giọng nói của Bác Hồ, đặc biệt là biết được những thời khắc lịch sử, những trăn trở, day dứt của Bác khi phải đưa ra quyết định đối với người đồng đội, đồng chí của mình. Khi phải phê bình, kỷ luật những người đồng đội, đồng chí của mình, dù rất đau lòng nhưng Bác vẫn phải làm để có thể đưa cách mạng tới thành công như ngày hôm nay”- Bà Trần Thị Ngọc, một khán giả Hà Nội cho biết.

vxu4npbwkc-18513_f_jzm723vi2_Anh_3
Tiết mục văn nghệ "Từ làng sen" tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Toàn Vũ

Đã 50 năm Bác Hồ kính yêu của chúng ta về với cõi người hiền. Chúng ta nhớ Bác là nhớ về tình thương yêu bao la của Người, đồng thời cũng không quên những bài học mà Người đã để lại cho hậu thế trong Bản Di chúc bất hủ và thiêng liêng. Chương trình “Muôn vàn tình thương yêu” thể hiện tình cảm kính yêu, lòng biết ơn của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, chương trình là nhịp cầu nối để thế hệ hôm nay và mai sau khắc sâu và thực hiện di nguyện của Bác: Đoàn kết, đồng lòng, phát huy trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, xây dựng đất nước hùng cường, giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; để hai tiếng "Việt Nam - Hồ Chí Minh" sẽ luôn vang lên kiêu hãnh, tự hào trong lòng mọi người dân trong nước và trên thế giới.

Nhóm PV

Bình luận

ZALO