Biên phòng - Chưa thành công như mong đợi, nhưng ý thức trách nhiệm với cộng đồng, tinh thần tích cực chuyển đổi các loại cây - con để cải thiện đời sống của anh Rơ Lan Hnhơn tạo cho tôi ấn tượng thật đẹp về người thanh niên dân tộc Gia Rai biết vượt khó vươn lên.
Gian nan hành trình khởi nghiệp
Đến thôn Grai Mek, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, không khó để hỏi về người đàn ông người dân tộc Gia Rai - Rơ Lan Hnhơn. Sinh ra và lớn lên tại xã Chư Pơng, anh Rơ Lan Hnhơn từng làm Trưởng thôn Hố Bua từ năm 2014, đến năm 2019 sáp nhập thôn Hố Bua và Hố Bi thành thôn Grai Mek, anh lại tiếp tục được bà con bầu làm Phó thôn Grai Mek. Ngoài vai trò là Phó thôn, anh Hnhơn còn là Tổ trưởng Tổ vay vốn (do Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách huyện Chư Sê uỷ thác) của Hội Nông dân thôn.
Ngày chúng tôi đến tìm gặp anh Rơ Lan Hnhơn vừa đúng lúc anh đi thăm gia đình anh Ral Lan Bol - một hộ nghèo được anh Rơ Lan Hnhơn giúp làm hồ sơ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Theo anh Bol, nhờ được anh Rơ Lan Hnhơn tuyên truyền tại các buổi họp thôn, sau đó lại đến tận nhà hướng dẫn làm hồ sơ, gia đình anh Bol đã tiếp cận được nguồn vốn để trồng cà phê, từ đó, tích cóp được tiền để dựng căn nhà mới. Cùng với anh Bol, hiện Tổ vay vốn do anh Rơ Lan Hnhơn phụ trách đang có 49 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, với tổng dư nợ trên 2 tỉ đồng.
Nhờ có cả chục năm làm Tổ trưởng Tổ vay vốn, thường xuyên hướng dẫn bà con trong thôn làm hồ sơ vay vốn, chi tiêu tiền vay đúng mục đích và trả lãi đúng hẹn..., nên anh Rơ Lan Hnhơn thấu hiểu hơn ai hết nỗi khó khăn, vất vả của đồng bào Gia Rai ở Chư Pơng, cũng như khát khao được vươn lên, được no đủ của những người nông dân một nắng hai sương với ruộng đồng. “Bà con ở đây quanh năm chỉ biết trông vào vườn tiêu, vườn cà... nên tiêu, cà phê chết hoặc rớt giá là cả làng lao đao, bản thân tôi là một ví dụ điển hình” - anh Hnhơn trăn trở.
Năm 2010, khi anh và người vợ trẻ Siu Hpuin dẫn nhau về sinh sống ở Chư Pơng, 2 vợ chồng vay mượn, thu vén trồng được 200 cây cà phê và 300 trụ tiêu. Khi tiêu và cà phê cho thu nhập tốt, anh chị lại gom góp trồng thêm, có thời điểm, gia đình anh Hhơn có tới gần 1.000 gốc cà phê và gần 2.000 trụ tiêu. Hi vọng về một cuộc sống no đủ đang tràn đầy thì năm 2017, đợt hạn hán lịch sử cộng với việc sử dụng phân bón hóa học thường xuyên đã khiến tiêu ở huyện Chư Sê nói chung, tiêu của người nông dân ở Chư Pơng nói riêng, chết hàng loạt.
“Nhìn đất ruộng nứt nẻ, hàng ngàn trụ tiêu chết một lúc, gia đình tôi buồn vô hạn. Công sức, tiền của đi vay, rồi bao hi vọng gửi hết vào đó. Gần 2.000 trụ tiêu héo rũ, còn không nổi 300 trụ sống...” - anh Hnhơn nhớ lại.
Cùng với gia đình anh Hnhơn, khoảng 70% các hộ trong làng Hố Bua khi ấy cũng chung nỗi khổ vì tiêu chết. Hộ ít cũng nợ ngân hàng trăm triệu đồng, hộ nhiều lên tới vài ba trăm triệu đồng. Gia đình anh Rơ Lan Hnhơn cũng gánh khoản nợ 300 triệu đồng.
Vượt khó nuôi hi vọng
Tiếc nuối, xót xa, nhưng nghĩ tới khoản nợ ngân hàng vẫn còn đó, cơm áo cho 2 con nhỏ, mẹ già; chưa kể bản thân là Trưởng thôn, còn phải làm gương cho bà con trong thôn..., anh Rơ Lan Hnhơn cùng vợ tiếp tục chăm chút mấy trăm gốc cà phê còn lại, đồng thời, tập trung vào chăn nuôi bò, lợn, gà, ngan, dê. Chịu khó chăm sóc, lại tích cực học hỏi kinh nghiệm từ mạng internet, những người nuôi trước, nhờ vậy, sau một thời gian vật nuôi nhà anh Hnhơn đã liên tiếp sinh sôi; lợn chật chuồng, ngan, gà lên tới vài trăm con, bò mẹ, bò con béo tốt. “Lấy ngắn nuôi dài”, anh Rơ Lan Hnhơn dùng tiền thu được từ chăn nuôi, tiếp tục chăm sóc số diện tích cà phê, hồ tiêu còn lại.
Dẫn tôi đi thăm chuồng dê với những chú dê con mới sinh còn thơm mùi sữa, anh Hnhơn cho biết: “Tôi vừa bán 3 con dê được gần 100kg, giá 140.000 đồng/kg, trước đó cũng đã xuất chuồng 4 chú lợn, mỗi chú hơn 1 tạ”. Thu nhập từ chăn nuôi đã có, nhưng anh Rơ Lan Hnhơn chưa yên tâm vì sau vài năm chăn nuôi, anh cũng nhận thấy rằng, giá cả rất bấp bênh, nếu chăn nuôi với số lượng lớn thì “đầu ra” là cả gánh nặng. Gặp lúc giá xuống thấp thì coi như công sức đổ sông, đổ bể.
“Thanh niên ở đây ai cũng ham làm, muốn phát triển sản xuất, nhưng chúng tôi hầu như không được đào tạo, hướng dẫn về kĩ thuật, thiếu sự kết nối với thị trường nên vừa làm, vừa sợ. Sau lần đua nhau trồng tiêu, lạm dụng phân bón hoá học, dẫn đến tiêu chết, đất và nguồn nước bị ảnh hưởng, giờ ai cũng chỉ mong nhà nước có định hướng và hướng dẫn cách làm để người dân khôi phục kinh tế từ đất đai...” - anh Rơ Lan Hnhơn chia sẻ.
Bản thân anh Rơ Lan Hnhơn, khi hay tin có các kĩ sư nông nghiệp muốn thử nghiệm để phân tích chất lượng đất, anh cũng đã tình nguyện dành 1 diện tích đất của gia đình để làm thử nghiệm với mong muốn sẽ có một câu trả lời chính xác để những nông dân như anh biết phải làm gì, đối đãi ra sao với đồng đất của mình?
Cuối tháng 4, trời Tây Nguyên vừa nắng lại chuyển mưa. Trên những con đường đất đỏ dẫn vào các hộ ở thôn Grai Mek, bước chân anh Rơ Lan Hnhơn lại bền bỉ sớm hôm. Vừa tranh thủ nhắc các hộ nộp lãi tiết kiệm, Phó thôn Rơ Lan Hnhơn vừa thông tin cho bà con biết về ngày bầu cử sắp tới, dặn bà con tranh thủ tận dụng nguồn nước mưa để chăm lo vườn tược. “Mình còn trẻ khoẻ, lấy việc giúp thôn làng làm niềm vui. Thôn có phát triển, bà con có no ấm thì niềm vui mới trọn vẹn” - anh Rơ Lan Hnhơn tâm tình.
Phương Tú