Biên phòng - Xã Trung Sơn (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) vốn được biết đến là một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn, nhưng nay đã có nhiều khởi sắc. Chính quyền địa phương, BĐBP và đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy luôn đồng hành, sát cánh, cùng nỗ lực vượt khó để xây dựng cuộc sống mới. Tình đoàn kết quân dân đã tạo nên sắc màu riêng ở vùng đất biên cương này.

Sáng nay, già làng Quỳnh Khang (thôn A Đeeng Par Lieng 2) dậy sớm và mặc bộ quần áo đẹp nhất. Xong xuôi, già Khang bảo người nhà chở ra UBND xã để dự lễ kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam và Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2021).
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, buổi lễ được diễn ra ngắn gọn nhưng trang trọng. Đồng chí Dương Đình Luân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cùng lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện A Lưới tới dự và tặng học bổng cho 10 em học sinh nghèo vượt khó học giỏi và 10 gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện A Lưới cũng tặng 2 xe đạp cho 2 em học sinh đặc biệt khó khăn.
Những năm trước, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được chính quyền tổ chức kết hợp với Lễ hội Aza - lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào các dân tộc trên dải Trường Sơn, nhưng năm nay, lễ hội phải hoãn lại vì dịch Covid-19. Không có lễ hội nhưng già Quỳnh Khang và bà con trong xã biên giới Trung Sơn vẫn vui vẻ vì Ngày đại đoàn kết toàn dân tộc thực sự là ngày hội lớn nhất của cộng đồng các dân tộc.
Già làng Quỳnh Khang bảo với tôi: “Ở Trung Sơn ngày nào cũng là Ngày đại đoàn kết toàn dân tộc”. Già nói như vậy là bởi có cái lý riêng. Ở Trung Sơn, chính quyền địa phương, BĐBP và đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy luôn có mối quan hệ mật thiết. Mấy tháng qua, UBND huyện A Lưới thiết lập khu cách ly tại xã Trung Sơn cho người dân đi làm ăn xa về quê phòng tránh dịch. Việc nấu ăn cho khu cách ly do Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên xã đảm nhiệm. Điều đặc biệt là, bộ phận hậu cần của khu cách ly thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của người dân trên địa bàn. Người mang tới mớ rau, quả bầu, bí, người góp gạo, khoai, sắn. Tuy giá trị vật chất không nhiều nhưng mang lại giá trị tinh thần rất lớn, bởi “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Từ câu chuyện này, tôi lại nhớ đến sự đồng lòng của người dân với Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, BĐBP Thừa Thiên Huế trong “cuộc chiến” với dịch Covid-19. Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ biên giới và ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh qua biên giới, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân duy trì 1 chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 tại thôn A Niêng Lê Triêng 1. Địa điểm dựng chốt do anh Hồ Văn Nghiêm, người dân thôn A Niêng Lê Triêng 1 tình nguyện hiến đất. Ngày dựng chốt, người dân nườm nượp đến giúp bộ đội san nền, vận chuyển vật liệu, góp sức tạo ra căn chốt vững chãi. Những ngày bộ đội bám chốt, những trái bầu, bí, rau xanh... được bà con thường xuyên chuyển đến tặng, động viên bộ đội.
Những năm qua, đồng bào Cơ Tu, Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy ở Trung Sơn vẫn luôn đồng hành, sát cánh cùng BĐBP, điều này được thể hiện rõ trong kết quả thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Các tổ tự quản bảo vệ đường biên, mốc quốc giới của xã luôn đi đầu trong việc tham gia cùng BĐBP bảo vệ 5,2km đường biên giới, 3 mốc quốc giới. Theo đó, các thành viên của tổ tự quản đã kịp thời phát hiện, thông báo cho đồn Biên phòng, chính quyền địa phương cũng như tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ biên giới, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Những việc làm thiết thực đó đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ biên giới Trung Sơn được bình yên như ngày hôm nay.
Đáp lại ân tình của đồng bào, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân thường xuyên phối hợp với UBND xã Trung Sơn quan tâm, chăm lo cuộc sống nhân dân trên địa bàn bằng các hoạt động làm nhà, tặng sinh kế, đầu tư các mô hình phát triển kinh tế. Ngày đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay, đơn vị đã dành những phần quà để chia sẻ với người dân khó khăn.
Theo đó, 3 suất quà gồm gạo, nước mắm, dầu ăn, mì chính và sữa đã được Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân tặng gia đình anh Hồ Văn Hùng (thôn Ta Ay Ta), gia đình anh Lê Văn Tiến (thôn A Đeeng Par Lieng 1), gia đình chị Căn Thân (thôn A Đeeng Par Lieng 2). Nhận được phần quà của BĐBP, chị Căn Thân xúc động nói: “Chồng mất, tôi phải nuôi 4 người con. Thời gian trước, con thứ 2 bị tai nạn giờ nằm thực vật, cuộc sống khó khăn vô cùng. Phần quà này không chỉ giúp có thêm lương thực, mà còn động viên gia đình tôi vì thấy được quan tâm, chia sẻ”
Em Lê Thanh Ly Ninh (thôn Ta Ay Ta) đã nhiều lần có ý định thôi học vì thương mẹ một mình gồng gánh nuôi cả gia đình, khi bố thường xuyên đau ốm. Biết được hoàn cảnh này, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đã nhận hỗ trợ em theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Đội Vận động quần chúng mà trực tiếp là Đội trưởng, Trung úy Phạm Thái Sơn thường xuyên đến nhà động viên, kèm cặp.
Em Lê Thanh Tùng (thôn A Đeeng Par Lieng 2) cũng có hoàn cảnh rất đặc biệt. Ông nội em tên là Quỳnh Hiếu tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và được Nhà nước công nhận là liệt sĩ. Bà nội em tên là Căn Hiệu, có nhiều năm tham gia dân công hỏa tuyến. Bố em thường xuyên đau ốm, mẹ em bị chất độc màu da cam nên cuộc sống của gia đình em Tùng rất khó khăn. Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đã nhận Tùng làm con nuôi và đưa về đơn vị chăm sóc.
Ai cũng mừng cho Ninh và Tùng, bởi mọi người hiểu rằng, được những người lính Biên phòng đỡ đầu, các em sẽ có nhiều cơ hội để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trúc Hà