Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:40 GMT+7

Tinh tế nón lá của dân tộc Tày, Nùng

Biên phòng - Đến Cao Bằng tham quan các di tích hay danh lam thắng cảnh, có thể dễ dàng thấy những chiếc nón lá Tày, Nùng bày bán nhiều tại điểm tham quan hoặc bắt gặp một số người dân địa phương đội những chiếc nón lá Tày, Nùng có hình dáng độc đáo. Trải qua thời gian, chiếc nón lá không chỉ là thứ dùng để che mưa nắng, mà còn là nét độc đáo, mang dấu ấn văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng, luôn được người dân địa phương bảo tồn, giữ gìn.

wbct_9a
Khách du lịch chọn mua nón lá Tày, Nùng tại thác Bản Giốc. Ảnh:?Thanh thuận

Không ai biết chính xác chiếc nón lá của người dân tộc Tày, Nùng có từ bao giờ, chỉ biết chiếc nón lá đã gắn bó mật thiết với họ trong sinh hoạt, đời sống, lao động sản xuất từ đời này nối tiếp đời kia. Không chỉ thế, chiếc nón lá còn là sản phẩm thủ công độc đáo, thể hiện sự khéo léo, tài hoa, đức tính cần mẫn của người làm ra nón cũng như nét đặc trưng văn hóa của người Tày, Nùng ở Cao Bằng. Công việc đan nón được người Tày, Nùng tiến hành quanh năm, nhưng phổ biến nhất là vào các dịp nông nhàn khi ruộng nương đã thu hoạch xong. 

Trước đây, hầu như gia đình nào cũng biết đan nón. Hiện nay, dù không còn phát triển như xưa, nhưng nghề làm nón lá của người Tày, Nùng (Cao Bằng) vẫn đang được nhiều người duy trì tại các xã: Lạc Riển, Hồng Định, Tự Do (huyện Quảng Uyên); Đức Thông, Canh Tân, Minh Khai (huyện Thạch An). 

Chiếc nón lá của dân tộc Tày, Nùng có hình dáng rất khác so với nón lá của người Kinh. Nón lá của người Tày, Nùng có nhiều loại, như: Nón chóp, nón bè như cái sàng, nón đan có hoa văn, hoặc nón kết hoa, nón có hoa văn tròn như mắt con dê... Chính sự tự nhiên với dáng vẻ hoang sơ, đơn giản của những chiếc nón lá, với kỹ xảo đan lát độc đáo tạo nên kiểu dáng riêng của từng chiếc nón.

Không chỉ khác về hình dáng so với nón lá của người Kinh, nón lá của dân tộc Tày, Nùng còn được làm từ những nguyên liệu gần gũi với núi rừng. Nguyên liệu chủ yếu để làm nón là tre, trúc, lá cây chít hoặc lá cây mai. Để làm ra một chiếc nón hoàn chỉnh cần trải qua nhiều công đoạn và mất nhiều thời gian. 

Công đoạn đầu tiên là chẻ nan đan nón từ tre hoặc trúc. Nan mỏng hay dày do bàn tay khéo léo của người chẻ. Việc này quyết định đến chất lượng cũng như độ bền của chiếc nón. Với những chiếc nón chỉ để đội đi làm đồng hoặc đàn ông đội thì nan lạt chỉ là màu nguyên bản của màu tre, trúc. Còn những chiếc nón dành cho thanh niên, phụ nữ dùng để đội khi đi chợ, đi hội, đi hát giao duyên, hay nón của cô dâu đội trong ngày cưới thì được trang trí cầu kỳ hơn, trên nón có cả hoa văn. Để tạo ra hoa văn trên nón, người ta đã dùng củ nâu, lá dứa dại, vỏ cây vang... nhuộm lạt cho thành màu nâu đỏ, màu xanh, màu hồng... rồi mới đan nón.

Kế đến là công đoạn làm khung. Nón lá Tày, Nùng có hai lớp khung, một lớp ngoài và một lớp trong. Lớp bên ngoài được đan rất cẩn thận, không để lộ một mấu nối nào ra ngoài. Sau đó, người thợ phải trải đều 2 lớp lá mai  (họ cây tre, lá to bản), 1 lớp lá chuối bên trong, ép chặt rồi cố định lớp khung thứ hai lên cho nón thêm dày và cứng. Lá mai, lá chuối dùng để lót trong phải được gác trên gác bếp hong cho khô và vẫn giữ được độ dai nhất định. Quai nón được làm từ dây thổ cẩm tạo cho chiếc nón có dáng điệu đúng của miền sơn cước. 

Bà Nông Thị Bàng, xã Hồng Định, huyện Quảng Uyên cho biết, từ khi biết cầm cái cuốc lên nương đã biết làm nón lá. Lá được chọn làm nón phải là loại bánh tẻ, không được già quá cũng không được non quá, khi làm nón mới có độ dai và độ trắng cần thiết. Trong các công đoạn làm nón, chọn lựa lá và làm phẳng lá là công đoạn đòi hỏi nhiều công phu, bởi vì sơ sảy một chút, lá sẽ bị giòn và rất dễ rách. 

Một chiếc nón đẹp là có khung ngoài được tạo dáng tròn, bè, các mắt đan đều nhau, lớp lá bên trong dàn đầy đặn, chắc chắn. Sau khi làm xong, những chiếc nón lá sẽ được tiếp tục hong khô trên gác bếp, để chống mối mọt, trời nắng không bị cong vênh, trời mưa không bị thấm nước. Sự tỉ mỉ, cầu kì trong cách đan, sự cẩn thận trong cách bảo quản khiến nghề làm nón lá ngày càng ít đi, bởi thanh niên thường chọn những việc ít phải đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, thành ra chỉ có các cụ cao tuổi vẫn tranh thủ lúc rảnh rỗi lại cùng nhau ngồi đan nón. Họ cố bám trụ với nghề, vừa có thêm thu nhập, vừa có thể giữ nghề truyền thống để truyền lại cho con cháu.

Hiện nay, trước thực trạng mai một nghề làm nón lá của dân tộc Tày, Nùng, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng phương án bảo tồn nghề đan nón lá và văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn; chỉ đạo các huyện, xã, vận động các thôn, bản phục dựng các làng nghề truyền thống, trong đó có nghề đan nón lá; vận động những người cao tuổi có tay nghề truyền dạy cho thế hệ trẻ, tiếp nối truyền thống, lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. 

Hy vọng, những người Tày, Nùng tâm huyết với nghề làm nón lá sẽ thực hiện được mong muốn có thế hệ kế cận níu giữ nghề để những chiếc nón lá được gìn giữ, phát triển, tiếp tục gắn bó với người dân trong mọi mặt của đời sống, làm nên nét đặc sắc trong văn hóa của người Tày, Nùng ở Cao Bằng. 

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO