Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Tình người trong những ngày mưa bão

Biên phòng - Những trận bão, lụt, sạt lở đất đã tạm “nguội” đi và miền Trung vẫn chưa hết xác xơ. Nhưng đi xuyên qua những ngày thiên tai tàn khốc mới cảm nhận được rằng, tình người, tình quân dân càng gắn bó keo sơn. Người dân chỉ cần thấy thấp thoáng áo bộ đội là chào hỏi thân mật, nói những lời ân cần nhất, thể hiện lòng kính trọng. 

Chị Nguyễn Thị Hiền nấu cơm phục vụ bộ đội. Ảnh: Văn Chương

Vụ việc 13 quân nhân và cán bộ địa phương bị núi vùi lấp ở Trạm kiểm lâm 67, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã khiến miền quê yên bình này trở nên tấp nập xe cứu thương, xe rơ moóc chở máy ủi, máy múc để chờ thông đường tiến vào hiện trường. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công binh của Quân khu 4, BĐBP có mặt tại trung tâm xã từ ngày 13-10. Trong bối cảnh chạy đua với thời gian để tìm kiếm trước ngày mưa đổ, toàn bộ nhà người dân xung quanh đều trở thành nơi trú chân của những người lính.

Ngay trước cổng UBND xã Phong Xuân, nhà của ông Hoàng Phước Đông, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ vào đây ở nhờ. Nhiều ngôi nhà gần đó đều thấp thoáng tăng, võng, quần áo, ba lô bộ đội. Ông Đông và nhiều người dân ở địa phương này cho biết, bà con ở đây sẵn sàng cho bộ đội mượn nhà trong thời gian tìm kiếm người mất tích, nếu cần thì cả gia đình sang nhà khác ở nhờ để bộ đội tiện việc ngủ, nghỉ. Ngay trong buổi chiều 14-10, con dâu của ông Đông đã cho phóng viên Báo Biên phòng mượn xe máy để băng 20km đường núi vào hiện trường Trạm kiểm lâm 67.

Còn tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, con đường xuyên núi dài đến 40km luôn thấp thoáng những chiếc xe mang biển số quân đội. Càng đi sâu vào núi, cảnh tượng sạt lở, bùn lầy hiện ra càng nhiều. Nhưng rồi, nỗi nhọc nhằn đó trôi đi, khi những người lính sống giữa lòng dân. Tại ngôi nhà nằm ở đầu cầu mới Trà Leng, chủ nhà tạo điều kiện ngủ, nghỉ và sinh hoạt cho các huấn luyện viên chó nghiệp vụ của BĐBP thực hiện nhiệm vụ tại đây.

Ngôi nhà của ông Hoàng Phước Đông, cán bộ bảo vệ rừng ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho bộ đội mượn để phục vụ công tác tìm kiếm người mất tích. Ảnh: Văn Chương

Bước sang ngày 4-11, khi những cơn mưa ở rừng núi Nam Trà My lắng xuống dần, con đường vào Trà Leng đã bớt nguy hiểm, tổ công tác của BĐBP Quảng Nam bám hiện trường tại chân cầu treo (cầu cũ) của xã Trà Leng có nhiều thuận lợi hơn. Địa điểm cắm trại của tổ công tác là nhà của chị Nguyễn Thị Hiền, người dân tộc Ca Dong. Cứ mỗi buổi sáng tinh sương, bếp lửa bên hông nhà lại mù mịt khói và phải rất lâu thì “anh nuôi” mới nhóm được bếp lửa, vì củi ướt nước mưa. Chị Hiền thức dậy từ sáng sớm để nấu ăn cùng với bộ đội. Bữa cơm đầu tiên, trong mâm cơm có thêm món lá rau có vị đắng nhẹ. Chị Hiền cho biết, đó là đu đủ rừng, rau rừng chị hái về cho bộ đội thêm món.

Tôi có mặt tại các điểm sạt lở núi để tác nghiệp và ghi nhận, con đường lầy lội dẫn vào các khu sạt lở ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, mỗi khi thấy bóng áo lính thì người dân luôn dành cho anh em tình cảm nhiệt thành. Nếu bộ đội muốn vượt tuyến đường núi để ra thị trấn mua rau, thịt; nếu phóng viên muốn nhờ xe đi 40km ra thị trấn Bắc Trà My để gửi tin, bài về tòa soạn thì đều nhận được cái gật đầu cho đi nhờ của cánh tài xế tuyến xe miền núi, cho đến những người dân chạy xe máy.

Còn nhớ, chiều 31-10, khi các huấn luyện viên và chó nghiệp vụ của BĐBP có mặt tại trung tâm huyện Bắc Trà My để vào hiện trường xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đắn đo về việc xe thùng chuyên dụng chở chó nghiệp vụ sẽ khó vượt qua tuyến đường lầy lội. Vậy là một chiếc xe bán tải mang biển số 92C-167.35 của anh Nguyễn Trọng Hoàng - là một người dân địa phương được huy động để chở chó nghiệp vụ. Đó là thời điểm vào Trà Leng còn nhiều nguy hiểm rình rập.

Ở xã Trà Leng vào những ngày tổ chức tìm kiếm, mưa lạnh, sự căng thẳng dường như làm cho người ta mau đói bụng hơn. Bữa cơm trên sông đầy củi rác trong lúc tìm kiếm người mất tích đã trở thành “bàn” ăn chung. Khi ca nô của BĐBP Quảng Nam dừng lại, mở cơm nắm ra ăn trưa thì anh em đã hô to lên “ai chưa ăn cơm thì lại đây ăn đỡ một bát”. Gần ca nô là những chiếc thuyền máy, thuyền chèo của người dân tham gia tìm kiếm, hoặc chở bộ đội, Công an đi trên sông. Người dân không chuẩn bị kịp cơm nắm, nên một số người cố chèo lại gần ca nô Biên phòng để xin xuất cơm.

Bữa cơm nào dọn ra cũng gặp cơn mưa rừng tuôn xối xả. Những người dân muốn tới xin bát cơm thì không phải cứ chèo chống là có thể tới được. Củi rác khắp mặt sông cản con thuyền và phải mất một hồi lâu thì những chiếc đò nhỏ mới áp vào ca nô. Người ngồi ăn dưới lòng ca nô được người đứng lấy áo phao che mưa. Bát cơm giữa sông ăn với cá kho, muối vừng thêm phần gấp gáp bởi “chan” đầy nước mưa.

Người dân huyện Bắc Trà My hỗ trợ xe bán tải để chở chó nghiệp vụ vượt qua tuyến đường nguy hiểm vào xã Trà Leng. Ảnh: Văn Chương

Trong những ngày tìm kiếm người mất tích ở Trà Leng, cán bộ, chiến sĩ luôn bị cái đói dày vò. Nửa buổi sáng và giữa buổi chiều, mọi người được tiếp tế thêm bánh mì nhạt và vài cái bánh chưng để chia nhau. Có những người dân thương tình bộ đội đã luộc sắn, mì, xếp đầy thùng mì tôm để trong lều tre cạnh dòng suối. Bà con ở địa phương cho biết, mong bộ đội ăn được no bụng để có sức tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

Xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là địa phương bị mưa lũ cô lập từ ngày 17-10. Mưa lũ đã khiến ngôi làng này tràn ngập đất đá, 2 cán bộ địa phương đi tìm người dân trên núi đã bị lũ ống gây thương tích và 1 cán bộ Công an hy sinh. Trong những ngày đó, người dân đã sát cánh, lo lắng cho tính mạng và sức khỏe của 2 cán bộ bị thương là Đại úy Lê Văn Dùy, cán bộ BĐBP tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã và ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã. Chiều 22-10, trực thăng của Bộ quốc phòng đã bay vào thả lương thực, sau đó đưa 2 cán bộ bị thương về Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Người dân cả xã đã ra tiễn 2 người cán bộ trong nỗi bùi ngùi và thương cảm khôn xiết.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO