Biên phòng - Năm 2014, Chương trình "Nâng bước em tới trường" được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP phát động trong toàn lực lượng nhằm giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn biên giới. Trải qua gần 3 năm triển khai thực hiện, đã có 2.844 em được nhận 500.000 đồng tiền hỗ trợ/tháng/ em trích từ đồng lương và phụ cấp ít ỏi của cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Thêm một lần nữa, những chương trình đầy tính nhân văn của người lính mang quân hàm xanh đã ghi đậm nét trong lòng mỗi người dân biên giới.
Chúng tôi có mặt ở xã biên giới Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk vào những ngày đầu xuân. Tây Nguyên những ngày này trời se lạnh, hoa cà phê nở trắng xóa trên rẫy. Dưới tán cây cổ thụ trước cửa Trạm KSBP Đồn BPCK Đắk Ruê, những người lính gắn bó với biên cương đã kể cho chúng tôi nghe về con đường đến trường đầy nỗi nhọc nhằn, gian khó của học sinh nghèo vùng cao.
Theo chân Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc, cán bộ tăng cường xã Ea Bung, chúng tôi xuống thăm gia đình các em học sinh được đồn nhận đỡ đầu sau khi anh kết thúc công việc ở xã. Ngôi nhà đầu tiên mà chúng tôi ghé thăm là nhà của em Đỗ Thị Thanh Kiều, học sinh lớp 8, trường Trung học cơ sở (THCS) Ea Bung. Em Kiều từ năm lớp 1 đến năm lớp 7 đều đạt học sinh giỏi. Để có được thành tích này, em đã phải vượt lên chính hoàn cảnh gian khó của mình. Em sinh ra không biết mặt bố, mẹ đau yếu liên miên, nhà lại không có ruộng đất. Mẹ và anh trai đôi khi phải nhịn ăn cho em được đi học. Hằng ngày, đều đặn bữa cơm của 3 mẹ con chỉ có nước muối.
Kiều chia sẻ, em cũng rất buồn nhưng vì thương mẹ nên phải luôn cố gắng. Trước hoàn cảnh và tinh thần hiếu học ấy, tháng 3-2016, Đồn BPCK Đắk Ruê đã nhận đỡ đầu em với số tiền 500.000 đồng/tháng. Chị Đỗ Thị Vương, 43 tuổi, mẹ em Kiều cho biết, từ khi em được các chú Biên phòng hỗ trợ, gia đình đỡ túng thiếu, giúp chị thêm quyết tâm sống vui khỏe hơn. Còn bản thân em Kiều thì thêm niềm tin, động lực để tiếp tục học tập. Tin vui nữa là mới đây anh trai Kiều, vốn là chiến sĩ nghĩa vụ BĐBP, được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn 2, xã Ea Bung, đồng thời là thành viên Tiểu đội dân quân thường trực xã. Cuộc sống hiện tại của 3 mẹ con em Kiều giờ đã bớt khó khăn hơn.
Rời nhà Kiều, chúng tôi đến thăm nhà em Trần Thị Thương, đang học lớp 9. Hình ảnh khiến chúng tôi nhớ mãi trong buổi gặp gỡ hôm ấy là mẹ em, chị Dương Thị Mến. Ngồi tiếp chuyện các chú Biên phòng mà chị cứ quay sang con gái mình dặn dò: "Mẹ có mỗi mình đứa con gái chứ nhiều nhặn gì đâu. Đời người con gái không mấy đâu. Mẹ học chưa hết lớp 1, biết gì đâu nên giờ khổ lắm. Anh con vì nghèo nên đã lỡ học rồi, con phải cố gắng. Giờ có các chú Biên phòng giúp đỡ, động viên cháu học, tôi mừng lắm rồi".
Những tình cảm chân thật, tin yêu ấy của người dân càng khiến chúng tôi thêm tự hào vào công việc mà các anh đang nỗ lực làm mỗi ngày vì sự bình yên nơi biên giới và hạnh phúc của nhân dân.
Hiện nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Đắk Ruê đang nhận đỡ đầu 8 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ngoài hỗ trợ tiền mặt, đồn phân công cán bộ, chiến sĩ chuyên trách động viên, theo sát quá trình học tập của các em. Phối hợp với nhà trường tìm nguyên nhân khi các em có biểu hiện học sa sút.
Từ ý nghĩa nhân văn của Chương trình "Nâng bước em tới trường", ngoài 500.000 đồng tiền mặt, cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Đắk Ruê đã mở rộng các hình thức hỗ trợ khác, trong đó tiêu biểu là việc thu gom xe đạp cũ sửa chữa lại tặng cho các em học sinh nghèo.
Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc, "chủ nhân" của ý tưởng này đã chia sẻ với chúng tôi. Năm 2013, anh được đơn vị giao nhiệm vụ là cán bộ tăng cường xã biên giới Ea Bung, huyện Ea Súp. Sau thời gian làm việc, bám nắm cơ sở, anh nhận thấy học sinh trên địa bàn nghỉ học rất nhiều. Cùng với chính quyền địa phương, anh trực tiếp xuống tận nhà những em có ý định bỏ học, tìm hiểu nguyên nhân thì được biết, các em đa phần đều đi học rất xa nhà, đường sá đi lại khó khăn. Đứng trước thực trạng đó, anh rất trăn trở nhưng cũng chưa biết "gỡ" bằng cách nào.
Cho đến một hôm, anh đến thăm người bạn trên thành phố, thấy chiếc xe đạp cũ dính đầy bụi dựng ở góc nhà, như lâu lắm chưa được sử dụng. Anh xin chiếc xe ấy về và nảy ra ý tưởng sẽ thu gom những chiếc xe đạp cũ không dùng đến để sửa chữa trao lại cho các em học sinh trên địa bàn. Cứ thế, anh cùng với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị vận động mọi mối quan hệ quen biết, tính đến thời điểm hiện tại, các anh đã trao được 45 xe cho học sinh nghèo. Anh Phúc hào hứng chia sẻ với chúng tôi: "Có thời điểm xe gom về dồn dập. Anh em lăn ra lau chùi, sửa chữa mỗi khi rảnh rỗi. Xích dão, nan hoa gẫy, lốp mòn..., nhưng chúng tôi quyết tâm chỉ trao xe cho các em khi nó hoàn thiện nhất. Cũng từ đó, những người lính chúng tôi lại có thêm một nghề mới...".
Chúng tôi cùng Thượng tá Phúc xuống thăm nhà em Nguyễn Đình Nam, học sinh lớp 8B, một trong 45 em được nhận xe đạp. Khi được biết chúng tôi hỏi về chiếc xe đạp, bố em phấn khởi kể: "Trường xa nhà, đường sá đi lại khó khăn, nên cháu thường xuyên bị trễ học. Từ khi có xe, cháu vui lắm, đến trường sớm hơn. Lúc các chú tặng xe, cháu không có nhà. Lúc về trông thấy chiếc xe cháu vui sướng lắm. Cháu hứa sẽ cố gắng học tốt và chăm chỉ giúp đỡ gia đình...". Trước khi ra về, câu đùa vui như muốn tiếp thêm động lực của anh Phúc, nhưng lại khiến em Nam nước mắt rưng rưng: "Cháu đang đi chiếc xe của anh chị đã đỗ đại học đấy nhé, nên mình phải đỗ đại học là đương nhiên rồi".
Không riêng gì Nam, tất cả những em mà chúng tôi gặp gỡ đều rất ngoan, lễ phép và ham học. Việc làm của anh Phúc không chỉ tiếp sức, giúp các em có thêm tinh thần, động lực học tập, mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sát, tâm huyết với người dân nơi địa bàn đóng quân. Đó cũng là nền tảng vững chắc cho tình quân dân trên biên giới ngày càng gắn kết. Anh Phúc cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục khảo sát hết những trường hợp học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn để hỗ trợ. Anh nói, so với các vùng quê khác, sự hỗ trợ có thể không bằng, nhưng việc làm này là tất cả tình cảm mà các anh gửi gắm với mong muốn các em sau này sẽ trở thành con người có ích, có học thức và biết yêu thương.
Trên 30 năm gắn bó với biên giới, trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, Thượng tá Phúc chia sẻ về tâm huyết của mình thật giản đơn: "Đối với tôi, giúp đỡ đôi khi chỉ là chiếc áo mưa khi mùa mưa đến, hay một bát cơm khi đứt bữa, quần áo cũ của gia đình..., nhưng đó là sự quan tâm chia sẻ thực sự mà đôi khi không cần phong trào nào cả". Trở về Trạm KSBP khi đã quá nửa đêm. Ngồi ăn cùng anh bữa lót dạ mà bát cháo nóng trên tay anh mãi không vơi. Những câu chuyện anh kể về việc tạo dựng niềm tin cho người dân nơi biên giới; tình cảm thương yêu, đùm bọc của bà con các dân tộc đối với bộ đội; sự tạo điều kiện, hợp tác của chính quyền địa phương nơi địa bàn đóng quân; tình cảm đồng chí, đồng đội cứ mãi không dứt. Bởi với anh và có lẽ cả đồng đội của anh nữa, đó là những điều đã trở thành gắn bó.
Khánh Ngọc