Biên phòng - Lịch sử cho thấy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hai dân tộc Việt Nam và Campuchia luôn có mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống tốt đẹp, luôn hết lòng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Trên dọc dài biên giới các tỉnh Tây Nguyên từ cột mốc ba biên trên vùng ngã ba Đông Dương (Kon Tum) đến chốt kiểm soát 470, thuộc Đồn Biên phòng (BP) Bu Cháp, BĐBP Đắk Nông, mối tình tốt đẹp đó được duy trì ở mọi cấp độ; từ ngoại giao cấp nhà nước, các cấp chính quyền, đến đối ngoại quốc phòng, an ninh, ngoại giao nhân dân, hai bên luôn dành cho nhau tình cảm vô tư, trong sáng nhất. Điều này càng được thể hiện đậm nét khi đối diện với những mối hiểm họa đến từ tự nhiên, đặc biệt là “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức căng thẳng hiện nay…
Mệnh lệnh từ trái tim
Những năm gần đây, sự biến đổi về thời tiết khí hậu đã đặt nhân loại vào mối hiểm họa thường trực của thiên tai và tuyến biên giới các tỉnh Tây Nguyên cũng không phải là ngoại lệ. Vẫn là kiểu thời tiết 2 mùa mưa nắng rất đặc trưng trong năm, nhưng khác biệt ở chỗ là hễ nắng lên là hạn nặng mà mưa xuống là lụt to.
Sự “đỏng đảnh” này thường xuyên diễn ra ở những khu vực biên giới trải dài trên những cánh rừng khộp thuộc 2 vườn quốc gia Chư Mo Ray thuộc tỉnh Kon Tum và Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk, hay nằm trong dòng chảy của các con sông lớn như Sê San (tiếp giáp giữa 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai) và Sê Rê Pôk (tiếp giáp 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông).
Nằm trên “vành đai” khắc nghiệt ấy, chính quyền, nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới của hai nước phải luôn đối mặt với sự khô khát và lụt lội. Nếu hiểm họa đến từ “thần lửa” ảnh hưởng đến mùa màng, tạo ra sự khắc khoải từ ngày này qua ngày khác do khô hạn, thì cơn nóng giận của “thủy thần” thường gây bất ngờ, đôi khi chỉ trong khoảnh khắc hết sức ngắn ngủi khiến con người không kịp trở tay.
Mặc dù vậy, qua bao trận thiên tai, các chủ nhân vùng biên giới hai nước vẫn bám trụ vững vàng nhờ sự kiên cường, dẻo dai và đặc biệt là tinh thần đồng cam cộng khổ, “thương người như thể thương thân” sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cảnh “tối lửa tắt đèn”.
Năm 2013, một trận lũ lịch sử xảy ra trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai (Việt Nam) và Rattanakiri (Vương quốc Campuchia) khiến cho mực nước trên sông Sê San dâng cao trên 10m, nhấn chìm 1.376 căn nhà, 2.207ha cây trồng của bà con nhân dân bên nước bạn. Trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” ấy, Chính phủ Việt Nam và Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và tỉnh Gia Lai khẩn trương hành quân sang đất bạn, hỗ trợ bạn cứu hộ, cứu nạn.
Các phương tiện vận tải quân sự hiện đại như trực thăng, xe lội nước, ca nô được huy động vào cuộc, cùng với đó là hàng chục tấn hàng hóa, lương thực, thực phẩm, vật tư y tế được vận chuyển sang giúp bạn vượt qua khó khăn hoạn nạn.
Mặc dù không tránh khỏi những tổn thất về người và tài sản, nhưng đã có hàng ngàn người dân Campuchia được cứu hộ kịp thời đưa về nơi tránh trú an toàn. Riêng các đơn vị BĐBP Gia Lai, phát huy tính chủ động, nhanh nhạy của lực lượng tại chỗ đã kịp thời cứu 19 quân, dân nước bạn Campuchia tại khu vực Đồn Cảnh sát 703 và Chốt 43 trên địa bàn huyện biên giới Ôyađao, tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia).
Quá xúc động trước nghĩa cử cao đẹp những người bạn Việt Nam, ông Fam Hom Fum, Tỉnh trưởng tỉnh Rattanakiri khi đó đã thốt lên: “Hôm nay, Chính phủ Việt Nam, bộ đội Việt Nam một lần nữa cứu bà con chúng tôi thoát qua cơn hoạn nạn. Các bạn luôn bên cạnh chúng tôi, dù là thời điểm khó khăn nhất để “hạt gạo được chia đôi, chén cơm nhường một nửa”. Tình đoàn kết hữu nghị Campuchia - Việt Nam mãi mãi sáng ngời...”
Với tinh thần tương thân, tương ái “hạt gạo chia đôi, chén cơm nhường nửa”, các trận thiên tai xảy ra những năm sau đó, lực lượng BĐBP các tỉnh Tây Nguyên luôn trong trạng thái thường trực sẵn sàng ứng cứu giúp bạn. Riêng trong trận lũ xảy ra vào tháng 8-2018, các đơn vị BĐBP Gia Lai và Đồn BP Sê Rê Pôk, BĐBP Đắk Lắk đã cơ động sang đất bạn làm công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Tại đây, những “người lính quân hàm xanh” Việt Nam đã giải cứu 19 sĩ quan, binh sĩ và nhân dân Campuchia bị mắc kẹt ở vùng “rốn lũ” về nơi tránh trú an toàn. Đại tá Trần Tiến Hải, Chỉ huy trưởng BĐBP Gia Lai khẳng định: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc giúp bạn đối với chúng tôi đều là mệnh lệnh từ trái tim mình...”.
Như dòng máu chảy chung huyết mạch
Trải qua bao thử thách của thời gian, tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia ngày càng được củng cố bền chặt. Ở đâu cũng nhìn thấy nét đẹp của những con người sống chung một mái nhà, uống chung một dòng sông, đi chung một con đường và thắp chung một dòng điện.
Tại các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa như cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai), Đắk Ruê (Đắk Lắk), Thuận An, Bu Prăng (Đắk Nông), chính quyền, nhân dân và BĐBP Việt Nam không chỉ đồng hành bên bạn mỗi ngày, mà còn hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông, lưới điện cao thế, tặng nhà, hỗ trợ học bổng, chăm sóc y tế cho nhân dân Campuchia.
Tùy vào khả năng của mỗi địa phương và đơn vị, nhiều thì đầu tư hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỷ đồng để kết nối giao thông, điện thắp sáng phục vụ cả khu dân cư rộng lớn bên đất bạn, còn ít thì giúp ngày công, hay hỗ trợ nhà thầu kéo điện đến các đồn chốt bảo vệ biên giới của bạn, tổ chức các đợt “xuất ngoại” khám và điều trị bệnh miễn phí cho bà con. Tất cả đều thực hiện từ “mệnh lệnh” của trái tim để hai “dòng máu” được chảy chung một huyết mạch.
Kể từ ngày đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh qua biên giới của mỗi nước là vấn đề cực kỳ quan trọng và cấp bách, đòi hỏi sự phối hợp hỗ trợ chặt chẽ, nhịp nhàng của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng hai bên.
Tuy nhiên, đây là “cuộc chiến trường kỳ”, bởi dịch bệnh hoành hành đã 3 năm qua mà chưa có hiệu “hạ nhiệt”, nên ở góc nhìn nào đó có thể thấy sức chịu đựng của con người, đặc biệt là về cơ sở, vật tư y tế đã “chạm ngưỡng” rất cần sự tiếp sức từ những người bạn láng giềng.
Trong tình cảnh ấy, thông qua công tác đối ngoại, các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã “thắt lưng buộc bụng”, “nhường cơm sẻ áo” hỗ trợ chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang 2 tỉnh Rattanakiri và Mondulkiri (Campuchia) về lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế phòng chống đại dịch Covid-19 hiệu quả nhất.
Từ khi đại dịch bùng phát cho đến nay, đã có hàng ngàn cuộc gặp gỡ tiếp xúc, trao đổi thông tin, hỗ trợ vật chất lớn nhỏ từ Việt Nam mang sang giúp đỡ Campuchia. Nằm trong “binh chủng” làm công tác thiện nguyện quốc tế ấy có sự tham gia tích cực, hiệu quả của lực lượng BĐBP các tỉnh Tây Nguyên.
Trên tinh thần “giúp bạn là giúp mình”, từ các tổ, chốt, trạm kiểm soát trên đường biên giới đến đồn BP và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh bằng khả năng của mình và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước đã chia sẻ khó khăn với chính quyền và nhân dân nước bạn bằng những “gói hỗ trợ” về lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế rất thiết thực.
“Chúng tôi thật sự cảm kích tấm lòng sẻ chia của các bạn Việt Nam. Đại dịch Covid-19 hiện đang gây rất nhiều thiệt hại cho các bạn, nhưng bằng tình người, tình đoàn kết hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai Nhà nước, hai dân tộc, các bạn đã nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ chúng tôi vượt qua khó khăn. Với sức mạnh này, chúng ta tin tưởng sẽ sớm khống chế, dập tắt đại dịch Covid-19...” - Đại tá Preah Van Tha, Phó Chỉ huy trưởng Tiểu khu Quân sự tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia) xúc động chia sẻ trong buổi tiếp nhận quà hỗ trợ trị giá 650 triệu đồng từ Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk vào ngày 17-6-2021.
Vâng, không có sức mạnh nào sánh ngang sức mạnh của tình người, mà đặc biệt, những con người ấy như được sống chung một mái nhà, uống chung một dòng sông, đi chung một con đường và thắp chung một dòng điện. Với hai dân tộc Việt Nam và Campuchia, tình người là không biên giới.
Thái Kim Nga