Biên phòng - Với đồng bào các dân tộc huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, hoa sở là một loài hoa khá quen thuộc, đã đi vào tâm thức của họ bao đời nay. Những lễ hội hoa sở được tổ chức thường niên vài năm gần đây đã cho thấy tình yêu, niềm tự hào của người dân Bình Liêu với loài hoa mộc mạc, dân dã nhưng cũng rất tinh khôi này. Những vạt hoa sở nở rộ trắng muốt, bung xòe như tô điểm, thắp sáng núi rừng biên cương, để lại bao cảm xúc khó quên trong lòng du khách gần xa.

Hoa của núi rừng
Huyện Bình Liêu nằm ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây còn khá hoang sơ, với khoảng 96% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số như: Tày, Sán Chay, Sán Chỉ, Hoa, Dao Thanh Phán, Dao Thanh Y… Con người và thiên nhiên sống chan hòa với nhau. Thời tiết ở Bình Liêu quanh năm luôn mát mẻ, được ví như một “Sa Pa thu nhỏ” của vùng Đông Bắc.
Đến Bình Liêu vào mùa hoa sở nở rộ, du khách sẽ ngỡ ngàng khi bắt gặp những vạt đồi hoa sở trắng muốt nổi bật giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng đẹp như bức tranh vẽ. Hoa sở đã đi vào thơ ca và âm nhạc được nhiều người yêu thích như câu ca: “Em ơi có nơi nào đẹp hơn chiều biên giới khi mùa hoa đào nở/ Khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây mùi tỏa ngát hương bay...” (Chiều biên giới - Trần Chung), hay “Hoa sở đôi chiều trắng lối quê/ Dăng dăng sương sớm bước em về...” (Bóng núi - Ngô Quân Miện)...
Cây sở còn được gọi là cây dầu chè, cây trà mai. Trước đây, cây sở mọc hoang trong rừng. Một số người dân đã dùng hạt sở ép lấy dầu ăn. Người dân ở Bình Liêu đã bắt đầu trồng cây sở từ khi thương lái Trung Quốc thu mua hạt sở. Cũng vì thế mà diện tích cây sở ở đây tăng lên nhiều. Sở được trồng trên rừng, trên đồi, bên cạnh đường đi và cả trong vườn nhà. Người trồng nhiều đến vài ba héc-ta, người trồng ít cũng khoảng vài chục gốc.
Khi mùa Đông bắt đầu tràn về cùng những trận mưa phùn lất phất cũng là lúc cây sở bắt đầu ra hoa rải rác. Dường như cái lạnh đầu Đông chính là điểm tựa để cây sở vươn mình, khoe sắc. Hoa sở chỉ tập trung nở rộ vào khoảng đầu tháng 12. Hoa sở có màu trắng muốt, ở giữa là nhụy vàng, tỏa hương thơm dìu dịu. Nhìn từ xa sẽ thấy hoa sở nhang nhác như hoa trà, nhưng to hơn hoa trà nhiều.
Lúc hoa sở nở rộ tạo thành thảm hoa trải dài khắp không gian núi rừng, xóm bản, dọc hai bên đường xuống chợ phiên. Thiên nhiên được tô điểm bởi sắc trắng tinh khôi của hoa sở, tạo nên khung cảnh nên thơ, lãng mạn giữa đất trời biên cương núi non hùng vĩ. Vẻ đẹp của rừng hoa trắng tinh khôi ấy là đặc trưng riêng hiếm có của vùng biên giới Bình Liêu, tạo ấn tượng hấp dẫn cho bất kì du khách nào có dịp được chiêm ngưỡng.
Thương hiệu trong phát triển du lịch
Từ lòng yêu hoa, yêu vẻ đẹp dung dị, mộc mạc, thanh khiết của hoa sở và tận mắt xem các địa phương khác tổ chức nhiều lễ hội như lễ hội hoa tam giác mạch hay hoa ban, nên ông Hoàng Kiên Trung - Bí thư xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu đã nhen lên trong lòng kế hoạch tổ chức lễ hội hoa sở, đưa hoa sở thành thương hiệu trong chiến lược phát triển du lịch của xã.
Cuối tháng 11-2015, lễ hội hoa sở lần đầu tiên với chủ đề “Biên giới trắng ngần hoa sở” đã được tổ chức ngay giữa rừng hoa sở trắng tinh khôi ở thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm, thu hút số lượng lớn du khách đến tham dự. Qua lễ hội, hình ảnh tuyệt đẹp của hoa sở cũng như những giá trị mà hoa sở mang lại cho con người trên dải đất biên cương này đã được giới thiệu, quảng bá rộng rãi.
Lễ hội cũng nhằm quảng bá văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, những sản phẩm được làm bởi chính nguyên liệu và con người nơi đây đến đông đảo nhân dân trong nước. Với sự chuẩn bị công phu trong công tác tổ chức, lễ hội hoa sở lần đầu tiên đã thành công rực rỡ, là động lực để Bình Liêu nâng lễ hội lên mức cấp huyện vào những năm tiếp theo với quy mô tổ chức ngày càng lớn, đưa Bình Liêu trở thành điểm đến mơ ước của khách du lịch ưa khám phá.
Năm 2018, lễ hội hoa sở được tổ chức lần thứ tư liên tiếp tại Bình Liêu, cũng là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Năm Du lịch Quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh. Với chủ đề “Bình Liêu mùa hoa sở”, Hội hoa sở năm 2018 có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi nổi mang đặc trưng văn hóa vùng cao Bình Liêu.
Đến với Hội hoa sở năm 2018, du khách trong và ngoài nước không chỉ được hòa mình trong cảnh sắc thiên nhiên của núi rừng, mà còn được trải nghiệm trong không gian văn hóa đậm bản sắc các dân tộc thiểu số của huyện với các màn múa, hát của đồng bào dân tộc, tham dự các trò chơi dân gian, các môn thể thao như: Ném còn, giã gạo, đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ; liên hoan Câu lạc bộ hát then, đàn tính chương trình vũ hội lửa trại dành cho thanh niên. Đặc biệt, trong chương trình khai mạc Hội hoa sở năm 2018 còn có triển lãm tranh với 60 tác phẩm của 16 tác giả đến từ Câu lạc bộ nhiếp ảnh của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, sự tham gia của đoàn nghệ thuật đến từ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc... đã tạo nên sự hấp dẫn, đa dạng của lễ hội.
Trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động xây dựng, quảng bá các sản phẩm du lịch gắn với Hội hoa sở như: Trải nghiệm “làm cơm mới lá gừng” với khách du lịch, thi cụm dong riềng gắn với nghề làm miến dong, thi làm bánh cooc mò, tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm)...
Bên cạnh đó, khi đến với Bình Liêu, sau khi dự Hội hoa sở, du khách còn có dịp thăm thú, khám phá tại nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng của Bình Liêu như: Thác Khe Vằn, thác Khe Tiền, núi Cao Xiêm, núi Cao Ly, xương sống “khủng long”, các cột mốc biên giới, chợ phiên Bình Liêu, bản Sông Mooc..
Hội hoa sở năm 2018 cũng là hoạt động nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, kết nối các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh hợp tác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách tham quan và nghỉ dưỡng, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế trong cơ cấu kinh tế của huyện Bình Liêu nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Thanh Thuận