Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:24 GMT+7

Tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực

Biên phòng - Chiều 1-7, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 6. Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì họp báo.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Viết Hà

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn đã thông tin nội dung của phiên họp Chính phủ thướng kỳ tháng 6-2021. Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, phiên họp Chính phủ thường kỳ lần này có ý nghĩa quan trọng. Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, công tác điều hành của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm và bàn các nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2021; đồng thời, bàn nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh...

Về kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu đến từ các đợt bùng phát dịch với biến chủng mới của Covid-19, tăng giá bất động sản, hàng hóa, nguyên vật liệu; tăng chi phí vận tải; rủi ro thương mại quốc tế… Mặc dù vậy, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực.

Kết quả chủ yếu về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm: Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế khả quan; tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020; các cân đối lớn được đảm bảo. Tiến độ thu ngân sách Nhà nước tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 57,7% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. An ninh lương thực được đảm bảo, mặc dù một số quốc gia đang thiếu lương thực và giá cả tăng cao do dịch Covid-19. Giữ vững an ninh năng lượng, vận hành ổn định thị trường điện...

Trả lời báo chí về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm được xây dựng theo 2 kịch bản thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội và Chính phủ giao. Kịch bản 1, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2%; quý IV tăng 6,5%. Kịch bản 2, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7% và quý IV tăng 7,5%.

Đối với việc nhập vaccine phòng Covid-19 cho nhân dân, Bộ Y tế cho biết, dự kiến từ quý III-2021, số lượng vaccine phòng Covid-19 được nhập về Việt Nam khoảng 30 triệu liều. Các bộ, cơ quan đang tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng trên quy mô toàn quốc, phấn đấu đạt 70-75% người dân được tiêm vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Tính đến ngày 29-6, cả nước đã có hơn 3,61 triệu liều vaccine được tiêm, trong đó có gần 200.000 người được tiêm đủ 2 liều.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trao đổi một số thông tin nổi bật của Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký chiều cùng ngày.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Nghị quyết 68 đưa ra 12 chính sách với mục tiêu tập trung vào hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc: Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện.

Trả lời các phóng viên về những nội dung liên quan đến Nghị quyết 68, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tại phiên họp Chính phủ ngày 1-7, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc chăm lo cho nhóm lao động tự do vì đây là một trong những nhóm bị ảnh hưởng sâu và trực tiếp, nhưng cũng là nhóm khó triển khai nhất.

Viết Hà

Bình luận

ZALO