Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:51 GMT+7

Tinh gọn và chất lượng

Biên phòng - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), hoạt động này đã đạt được những kết quả tích cực.

Ảnh: minh họa

Theo Bộ Nội vụ, đến hết năm 2021, cả hệ thống chính trị đã giảm 262.000 biên chế công chức và viên chức, tương đương giảm hơn 20% so với năm 2015. Qua sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế giai đoạn 2017-2021 đã giảm chi ngân sách nhà nước được 25.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý là lần đầu tiên bộ máy không bị phình ra sau khi thực hiện tinh giản. Đến hết năm 2021, số lượng các đơn vị SNCL trong các Bộ, ngành, địa phương là 48.055 đơn vị, giảm 7.306 đơn vị so với năm 2015. Đặc biệt, thực hiện tự chủ đơn vị SNCL, đến nay, có 3.135 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, 8.922 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

Theo các nhà quản lý, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL có thể coi là cơ sở pháp lý mang tính đột phá khi giao quyền tự chủ cho đơn vị SNCL về tổ chức bộ máy, biên chế nhân sự, tài chính, giảm phần phụ thuộc vào ngân sách.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chủ trương này cũng còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Kết quả thực hiện tự chủ các đơn vị SNCL mới đạt tỉ lệ 6,6% còn thấp so với mục tiêu đặt ra là 10% đơn vị tự chủ tài chính.

Thế nên, mục tiêu xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công ở các đơn vị sự nghiệp công chưa đáp ứng được yêu cầu. nguồn thu từ dịch vụ sự nghiệp ít, vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách. Gánh nặng ngân sách cho khối đơn vị SNCL ngày càng tăng lên…

Nguyên nhân được nhiều chuyên gia chỉ ra là một số cơ quan, đơn vị còn thiếu quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết 19; việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật chưa kịp thời, đồng bộ; việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đơn vị SNCL chưa gắn liền với đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ về tài chính…

Trước thực tế một số đơn vị thực hiện thí điểm tự chủ tài chính toàn phần như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức phải xin thực hiện tự chủ một phần cho thấy, việc huy động nguồn lực xã hội để các đơn vị SNCL tự chủ tài chính gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các dịch vụ thiết yếu đang do Nhà nước đảm bảo về mặt kinh phí.

Trong xu thế hội nhập, cạnh tranh, chuyển đổi số thì yêu cầu đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị SNCL được đặt ra cấp thiết. Trong đó, Nhà nước tập trung quản lý vĩ mô bằng chính sách, pháp luật, hạn chế can thiệp trực tiếp vào thị trường, đồng thời chuyển giao một số chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước cho chủ thể khác trong xã hội thực hiện cung cấp một số dịch vụ hành chính và sự nghiệp công.

Nhưng với tư cách là chủ thể phải chịu trách nhiệm trước xã hội về cung cấp dịch vụ công, Nhà nước cần tiếp tục đổi mới và thực hiện các biện pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ công, thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của người dân và xã hội. Cùng với hoàn thiện cơ chế hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học; chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng, cơ chế tài chính để đơn vị SNCL sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực để phát triển.

Thiết nghĩ, Chính phủ cần đánh giá toàn diện việc thực hiện tự chủ các đơn vị SNCL để khơi thông những bế tắc. Đồng thời, rà soát sửa đổi toàn diện, nhất quán, liên thông các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này để thúc đẩy quá trình đổi mới cơ chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị SNCL.

Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL chỉ được nâng lên khi các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị sự nghiệp nêu cao tinh thần quyết tâm trong việc thực hiện tự chủ.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO