Biên phòng - Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội được đổi mới; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần đưa đất nước phát triển bền vững.

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) khẳng định, việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một quá trình phù hợp với thực tiễn khách quan, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Năm 2018, Việt Nam tiếp tục thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả - đây là xu thế chung ở nhiều thể chế và quốc gia trên thế giới hiện nay. Ở nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, việc đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được nhìn nhận là một quá trình liên tục từ những năm 1986 đến nay, được ghi rõ trong các văn kiện Ðại hội và nghị quyết của nhiều Hội nghị Trung ương.
Hoạt động đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, với mục tiêu cơ bản quan trọng là phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Tuy nhiên, việc đổi mới này luôn có những khó khăn, bất cập so với việc đổi mới phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ này, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị cũng chỉ rõ nguyên nhân của sự chậm trễ là do hoạt động của các cấp chính quyền vẫn còn thiếu kiên quyết, đồng bộ. Việc tổ chức thực hiện đôi khi còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Cơ chế, chính sách khuyến khích việc sắp xếp tinh gọn tổ chức, biên chế chưa phù hợp, thiếu mạnh mẽ, đổi mới chưa toàn diện. Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế. Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính chuyển biến chậm, không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu.
Tuy đã quan tâm đầu tư nhiều cho kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, nhưng hiệu quả tác động vào việc tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tinh giản biên chế chưa tương xứng. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít cấp ủy, tổ chức Đảng còn yếu, nhất là ở một số cơ sở và trong doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; việc quản lý đảng viên ở nhiều nơi thiếu chặt chẽ; công tác xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên ở một số địa bàn và trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài Nhà nước còn khó khăn. Nhiều trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không phải là đảng viên...
Việc kiểm tra, thanh tra, giám sát thiếu thường xuyên, chưa xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn II (2011-2020), đề án về “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” cùng một số các văn bản pháp luật khác nhằm thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan chưa đảm bảo mục tiêu đề ra.
Hệ thống chính trị của Việt Nam có những đặc thù riêng bao gồm các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức thành viên. Tuy nhiên, đối chiếu với những phần chung của thế giới, theo số liệu của Bộ Nội vụ, số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hiện vẫn còn tới 30 đầu mối.
Trong khi đó, ở Nhật Bản, con số này chỉ là 11, Singapore là 15, Trung Quốc 20... So với các nước châu Âu thì số bộ ở Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều. Số đầu mối bên trong các bộ ngành, địa phương cũng tăng nhanh. Riêng các cơ quan giúp việc của Trung ương tăng 23 đầu mối (21,9%) và 40 đầu mối cấp vụ tăng 21% so với yêu cầu biên chế.
Về chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dù đã nâng lên một bước, song chưa đồng đều, có nơi còn yếu, năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu và đề xuất các biện pháp giải quyết còn hạn chế. Một số cán bộ, công chức, nhất là ở các bộ phận giải quyết thủ tục hành chính hoặc các công việc có liên quan đến tổ chức, doanh nghiệp và người dân chưa làm hết trách nhiệm, bổn phận, có lúc, có nơi còn có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.
Theo Bộ Nội vụ, tổng số người tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP từ năm 2015 đến hết năm 2018 là 40.500 người. Các bộ, ngành khối trung ương đã thực hiện việc tách, nhập, điều chỉnh các cục, vụ, viện phù hợp với tổ chức của bộ đa ngành, đa lĩnh việc theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tại địa phương, chính quyền cấp tỉnh đã cơ cấu tổ chức của các sở, ban, ngành, các trung tâm; thành lập mới, giải thể, chia tách, sáp nhập các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh theo hướng tinh gọn và giảm biên chế theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và theo qui định của pháp luật.
Nghị quyết số 18/NQ-TW cũng đã khẳng định lại một lần nữa thực tế sau hơn 30 năm đổi mới đất nước, mặc dù đã dành nhiều sự quan tâm, dù tổ chức sắp xếp nhiều lần đối với tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, song cho đến nay, chúng ta đang vẫn phải duy trì “một tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp”.
Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) mục tiêu: Đến năm 2021, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp cômng lập; giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% số lượng đầu mối, 10% so với năm 2015; cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng qui định... Đây quả thật là chặng đường không dễ dàng đòi hỏi sự “dụng công, dụng tâm” lớn. Tuy nhiên phải xem xét đây là cuộc cách mạng trong bộ máy, là sự đổi mới toàn diện, triệt để; phải nhất trí về chủ trương, từ trên xuống dưới.
Thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn của Đảng ta. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương đó là trách nhiệm chính trị của mọi cán bộ, đảng viên và của cả hệ thống chính trị, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và quyền làm chủ của nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
PGS, TS Trần Nam Chuân