Biên phòng - Trước tình hình sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn chậm, lúng túng, ngành Nội vụ xác định nhiệm vụ thu gọn đầu mối bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị sự nghiệp và các đơn vị hành chính là khâu đột phá từ nay đến cuối năm 2021.
Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực rà soát, xây dựng phương án và đề xuất điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương. Bước đầu đã khắc phục được một số bất cập trong công tác quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).
Đến nay, cả nước đã tinh giản trên 684.000 người là đối tượng hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước, vượt mục tiêu 10% đề ra cho giai đoạn 2015 - 2021.
Trong đó, một số địa phương đã chủ động sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo các quy định mới của Chính phủ như: Ninh Thuận, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Bình, Sơn La, An Giang, Thừa Thiên Huế, Đắk Nông...
Theo nhiều chuyên gia, việc cải cách hành chính gắn với tinh gọn bộ máy có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính quyền vì dân. Tuy nhiên, bộ máy hiện nay còn quá cồng kềnh, nhiều tầng nấc đầu mối bên trong. Các bộ và cơ quan ngang bộ cũng rất chồng chéo, tầng nấc. Nếu không tiếp tục tinh giản bộ máy, sắp xếp cho hiệu quả sẽ không thể tinh giản biên chế như mong đợi.
Thực tế đang tồn tại của một số địa phương là việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa tạo được sự nhận thức thống nhất, đồng bộ và quyết tâm cao. Do chưa đồng thuận, quyết tâm cao, việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và đơn vị sự nghiệp công lập diễn ra chậm chạp, chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu theo các Nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Mặt khác, một số bộ, ngành, địa phương lúng túng, thiếu nghiêm túc trong đánh giá, phân loại CBCCVC để đưa ra khỏi bộ máy những người có năng lực hạn chế, tinh thần, thái độ làm việc yếu kém. Thế nên, tinh giản biên chế tuy vượt chỉ tiêu giảm 10%, song chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC...
Năm 2021 là năm cuối cùng thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Theo rà soát, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước (không bao gồm Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) hiện là 247.344 người; biên chế sự nghiệp là 1.783.174 người và 1.031.851 cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Mặc dù, mục tiêu giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015 đã hoàn thành, song Bộ Nội vụ đặt quyết tâm tiếp tục tinh gọn đầu mối bên trong của các bộ, ngành, đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; vừa thay đổi mô hình quản lý, đẩy mạnh tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp. Trong đó, đột phá mạnh vào việc sắp xếp, giảm biên chế các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đặc biệt, Bộ Nội vụ đã trình Bộ Chính trị thông qua Đề án Cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 để trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ nhất.
Trong bối cảnh hiện nay, chủ trương sắp xếp lại các bộ, ngành theo hướng khắc phục chồng chéo chức năng, là nhiệm vụ rất cần thiết nhằm giảm gánh nặng ngân sách, tạo thuận lợi cho bộ máy hoạt động hiệu quả, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài việc tinh gọn bộ máy hành chính vẫn phải đảm bảo ổn định chính trị và hiệu quả cho sự phát triển. Do vậy, việc thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế phải gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thanh Thảo