Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 10/06/2023 01:51 GMT+7

Tình đồng đội của người lính Gạc Ma

Biên phòng - Những người lính từng vào sinh ra tử trên chiến trường, khi trở về đời thường, họ “gắn chặt” vào nhau bằng tình đồng đội để đi hết phần đời còn lại. Câu chuyện về những cựu binh từng tham gia trận hải chiến Trường Sa, Gạc Ma năm 1988 như hình mẫu về tình đồng đội của người lính.

6qld_8b
Các cựu chiến binh Gạc Ma thăm hỏi đồng đội Dương Văn Dũng. Ảnh: Lê Văn Chương

Sống với tuổi 20

Tối 18 và 19-11-2016, căn phòng số 205, nhà khách T20 Quân khu 5 ở Đà Nẵng trở nên náo nhiệt bởi tiếng cười, nói của 6 nhân chứng lịch sử đặc biệt. Những cựu chiến binh trong trận Hải chiến Trường Sa năm 1988. Anh em sống ở các tỉnh, thành, kịp có mặt tại Đà Nẵng để vào thăm anh Dương Văn Dũng là đồng đội đang bị ung thư giai đoạn cuối.

Ngày 14-3-1988, có 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch CQ 88, xây dựng và bảo vệ các đảo ở Trường Sa. Tại đảo Gạc Ma có 8 chiến sĩ bị Trung Quốc bắt giam giữ. Bây giờ, những người lính đó đã trở thành nhân chứng lịch sử sống. Gần 30 năm sau khi rời quân ngũ, những người lính được gắn với tên gọi "vòng tròn bất tử" luôn thương yêu nhau hơn cả anh em ruột thịt. Những người lính Gạc Ma khi đó mới ở tuổi đôi mươi, giờ đã lên lão nhưng khi gặp nhau, anh em vẫn chia sẻ với nhau tình cảm, câu chuyện của những cậu lính trẻ yêu đời, tếu táo, xen lẫn tinh nghịch. Cựu chiến binh Phạm Văn Nhân, hiện sống ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Anh là người có dáng vẻ khắc khổ nhưng lại hài hước nhất. Anh Nhân “báo cáo” trước đồng đội "cơ bản là tớ vẫn trẻ, nhưng tóc thì bạc, răng thì sắp rụng thêm vài cái nữa".

Cựu binh Nguyễn Văn Hiền, đến từ tỉnh Đắk Lắk. Anh có dáng người gầy, nước da ngăm đen, do làm nghề xây dựng nhà, suốt ngày đội nắng. Vậy nhưng gặp nhau, nét trẻ trung của cậu lính trẻ hiện lên trên khuôn mặt của anh. Buổi trưa, cả phòng cười nói không dứt vì anh và đồng đội "vui chơi theo cách của binh nhì". Đó là vật tay, vật chân và ban hành luật thắng, thua. Trò chơi kéo dài nhất, đó là tổ chức phạt bất cứ ai nói sai hoặc nói câu gì đó mà không giải nghĩa được. Số tiền phạt thu về sẽ nộp vào quỹ và chọn cách sử dụng.

Đó là trò chơi thời các anh còn là binh nhì và lúc bị Trung Quốc bắt giam trái phép, để giết bớt thời gian. Trò chơi kết thúc, những người lính lại quay ra hát hò. Bài hát được anh em lựa chọn, đó là hát về biển. Bài hát "Gần lắm Trường Sa" được mọi người yêu thích nhất. "Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi...!", tiếng hát vang lên, tiếp tục kéo tâm hồn những người lính quay về với hồi ức thời tuổi trẻ.

Lén gởi lại tiền cho bạn

Các cựu chiến binh Gạc Ma có mặt ở nhà nghỉ T20 Quân khu 5 từ tối 18-11. Đến sáng 19-11 thì cựu chiến binh Phạm Văn Nhân ở huyện Nam Định mới kịp có mặt. Từ Bắc vào Nam, nhưng anh Nhân vẫn mang đôi tông Lào 1 quai, mặc chiếc áo trắng đã sờn chỉ, nụ cười rất tươi với hàm răng nâu của nước chè đặc và thuốc Lào. Gần 30 năm sau ngày rời quân ngũ, anh Nhân đã trở thành một người mang dáng dấp của một lão nông quê mùa, chất phác ở đồng bằng Bắc Bộ.

Vừa gặp anh Nhân, các cựu chiến binh đã cười nói: "Người vượt ngục đã có mặt". Kể từ giây phút nghe cụm từ "vượt ngục", anh Nhân như được quay về quá khứ của thời còn là người lính trẻ. Mặc ai nói, hỏi han, anh vẫn cứ nói câu tắt ngang "bị giam cầm mà không biết năm biết tháng, không biết án bao nhiêu, khi nào trở về thì ai mà chịu cho nổi". Khi về phòng ngồi uống nước và nhâm nhi ly rượu với đồng đội, mặc cho mọi người hỏi chuyện cày cấy, anh vẫn say sưa với cụm từ "vượt ngục để kiếm đường về Việt Nam thông báo tình hình đồng đội đang bị giam giữ".

Buổi gặp mặt giữa các cựu binh Gạc Ma với anh Dương Văn Dũng được báo chí Đà Nẵng tổ chức tại một căn phòng nhỏ trong bệnh viện. Anh Dũng là đồng đội từng chiến đấu tại Gạc Ma. Hiện nay, anh bị bệnh ung thư và chuyển sang giai đoạn cuối.

Anh Dũng là 1 trong 10 thanh niên còn lại của TP Đà Nẵng đã có mặt trong trận hải chiến tại đảo Gạc Ma năm 1988. Anh xuất ngũ về địa phương năm 1991 và lăn lộn với nghề phụ hồ để nuôi gia đình. Tai họa ập xuống gia đình anh, khi cháu lớn đang học lớp 12 bị chết vì tai nạn giao thông.

Khi vào bệnh viện thăm anh Dương Văn Dũng, anh Phạm Văn Nhân rơi nước mắt và lặng im nhìn người đồng đội từng được anh đặt cho biệt danh là Dũng Tôn Ngộ Không. Anh kể: "Hồi còn là lính thì nó gầy lắm, da khô cứ lột ra, ngủ thì chỉ nửa nhắm nửa mở, lúc nào cũng ngủ gục". Các nhà tài trợ có mặt trao tiền cho anh Dũng và dành tặng cho mỗi cựu chiến binh một ít tiền để mua vé xe.

Trước khi rời Đà Nẵng về Nam Định, anh Nhân đã kéo phóng viên Báo Biên phòng ra góc hè, lấy số tiền vừa nhận và nói nhỏ: "Đừng để anh em trong đoàn biết, em cầm hộ 1 triệu mang trở lại bệnh viện đưa cho gia đình anh Dũng để vợ nó có thêm tiền nuôi con".

i7gw_8a
Cựu chiến binh Trần Văn Tiến (thứ hai từ bên phải) dẫn đồng đội tham quan trụ sở làm việc. Ảnh: Lê Văn Chương

Mưu sinh với cuộc đời

Cha cựu chiến binh Phạm Văn Nhân là một lão nông được địa phương giao nhiệm vụ trông coi và nâng cống nước thủy lợi ở đội 1, thị trấn Rạng Đông, Nghĩa Hưng, Nam Định. Khi anh Nhân xuất ngũ, địa phương đã ưu tiên giao cho anh công việc tiếp nối người cha. Cuộc đời của người cựu binh năm xưa phôi pha với cánh đồng lúa nước và cày bừa 4 sào ruộng. Cứ 6 tháng, anh nhận được 80kg lúa thay cho tiền công. Dù bận việc mưu sinh, nhưng anh vẫn luôn giữ liên lạc với đồng đội, khi nghe tin có anh em đau ốm thì lại sốt sắng như cơ thể mình bị đau.

Cựu chiến binh Trần Văn Tiến khi rời quân ngũ đã trở thành thủy thủ tàu viễn dương. Sau nhiều năm lênh đênh trên biển, anh quyết định mở Công ty bảo dưỡng thiết bị cứu sinh và cứu hỏa tàu biển Nguyên Tiến. Công ty của anh đóng ở bờ đông cầu Thuận Phước, TP Đà Nẵng. Gặp mặt đồng đội, anh dẫn mọi người đi thăm công ty, giới thiệu trụ sở cao tầng đang xây dựng và nhắn nhủ: "Anh em vào Đà Nẵng thì cứ tập trung hết đến đây ăn ở. Đây là nơi làm việc và cũng là chỗ dành cho anh em mình như người nhà".

Cựu chiến binh Lê Minh Thoa sau gần 30 năm rời quân ngũ, nhưng nhìn phong thái và bộ quân phục anh mặc, hiếm có ai đoán được rằng anh đã trở về với đời thường. Gánh nặng mưu sinh cho cả gia đình chỉ trông chờ vào quán phở nhỏ mang tên Gạc Ma Trường Sa, ở địa chỉ số 5 D, đường Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Anh Thoa tâm tình, "khi mình mở quán phở, khách hàng là anh em bộ đội và nhất là bên BĐBP Bình Định thường ghé vào ủng hộ, giúp mình nuôi các cháu khôn lớn và nối nghiệp bố".

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO