Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 03/12/2023 02:47 GMT+7

Tình cảm đặc biệt của Bác Hồ dành cho đồng bào miền Nam

Biên phòng - Năm 1911, từ bến cảng Nhà Rồng, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Và từ đấy đến lúc đi xa, ngót 60 năm, lãnh tụ Hồ Chí Minh không được gặp đồng bào miền Nam. Nhưng hình ảnh đồng bào và chiến sĩ miền Nam luôn in đậm trong trái tim Người.

Bác Hồ với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam. Ảnh: Tư liệu

Tất cả vì miền Nam ruột thịt

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đầy hy sinh gian khổ, Bác luôn theo sát từng bước đi của cách mạng miền Nam. Đặc biệt là sau Hiệp định Genève được ký kết, đất nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền, Bác luôn trăn trở: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

Tại Hội nghị Việt - Pháp ở Fontainebleau (Pháp), Bác tuyên bố: “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Trong lời tuyên bố với quốc dân khi từ Pháp về, Bác khẳng định: “Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc”.

Bác cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn tập trung sức lực, trí tuệ để chỉ đạo sự nghiệp giải phóng miền Nam, theo dõi sát sao tình hình chiến sự đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên các chiến trường. Trong đó, việc chi viện cho tiền tuyến cũng đặc biệt được quan tâm. Dưới sự chỉ đạo của Bác, hai miền Nam Bắc được gắn kết bền chặt. Ở miền Bắc, nghe theo lời kêu gọi của Bác “miền Nam là máu thịt của Việt Nam”, biết bao thanh niên bằng ý chí quyết tâm, niềm tin về sự thống nhất đất nước đã xẻ dọc Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ. Các phong trào thi đua "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt"; "thanh niên ba sẵn sàng"; "phụ nữ ba đảm đang"; nông thôn thi đua "chắc tay súng, vững tay cày", bảo đảm "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" được đồng bào ta ở khắp các cơ quan, trường học, nông thôn, thành thị, miền ngược, miền xuôi hưởng ứng mạnh mẽ. Công trường, nhà máy làm việc ba ca, người ở lại làm thay người ra trận. Những đoàn xe hối hả ngày đêm nối đuôi nhau ra tiền tuyến. Tất cả vì miền Nam ruột thịt! Cùng lúc ấy, ở miền Nam cũng đáp lại bằng những chiến thắng vang dội, những cá nhân anh hùng, dũng sĩ như mở ra niềm hy vọng cho ngày đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà.

Từ tiếng súng Nam bộ đến tiếng súng miền Nam Trung bộ, những ngày kháng chiến đầu tiên đó, miền Nam đã nhận được những tình cảm đặc biệt từ Bác và nhân dân miền Bắc... Với nhận định thống nhất đất nước là nhu cầu tất yếu của dân tộc, Bác khẳng định: “Đấu tranh cho thống nhất là con đường sống của nhân dân Việt Nam”. Và trên con đường đấu tranh giành độc lập, tự do ấy, đồng bào và chiến sĩ miền Nam là những người phải chịu nhiều đau khổ, hy sinh mất mát. Hiểu được nỗi lòng của những người dân đang chiến đấu trên tuyến đầu chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng nhân dân miền Nam danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”, tặng phụ nữ miền Nam 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”...

Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi

Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vì hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, Bác chưa thể vào thăm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam, nên khi có các đoàn đại biểu của miền Nam ra miền Bắc, Văn phòng Trung ương Đảng đều sắp xếp để Bác gặp gỡ. Chính tại Phủ Chủ tịch, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc trong những năm cuối của cuộc đời, đã lưu giữ rất nhiều hình ảnh miền đất phương Nam của Tổ quốc, từ những hình ảnh quen thuộc như cây vú sữa, cây dừa miền Nam đến những buổi Bác gặp gỡ anh hùng, dũng sĩ miền Nam. Ngày 20-10-1962, Bác tiếp đoàn đại biểu đầu tiên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu. Đoàn đã tặng Bác một số kỷ vật của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, trong đó có một chiếc lọ hoa làm bằng vỏ đạn và nói: “Nhân dân miền Nam luôn hướng về Bác, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ!”. Bác rất xúc động và nói: “Bác chẳng có gì để tặng lại cả, chỉ có cái này” – Bác đặt tay lên ngực trái của mình. Ngừng một lát, Bác tiếp: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi!”.

Quan tâm đồng bào, chiến sĩ miền Nam bao nhiêu, Bác càng tin tưởng và hy vọng vào miền Nam bấy nhiêu. Người luôn khẳng định: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ... Tôi chắc và đồng bào Nam bộ cũng chắc rằng, Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập nước nhà”. Chính sự quan tâm đó đã trở thành động lực để quân và dân miền Nam chiến đấu kiên cường và giành nhiều thắng lợi to lớn trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Để động viên tinh thần chiến sĩ và nhân dân, Bác đã gửi tới miền Nam hàng ngàn bức thư, bức điện, bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn... Trong những bức thư ấy luôn là những lời động viên, thăm hỏi đầy tha thiết để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường, lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ.

Năm 1969, khi tiếp nhà báo Marta Rojas (báo Granma - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba), Bác đã tâm sự: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi. Tôi nghĩ rằng, tôi chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam. Mặc dù vậy, tôi biết rằng, đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi như tôi yêu quý đồng bào. Ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ”.
Đến khi từ biệt thế giới này, Bác cũng mang theo trong mình hơi ấm của miền Nam. Trước khi đi xa, Người đã để lại bản Di chúc với những dòng thiết tha, thương nhớ hướng về miền Nam và khẳng định, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn: “Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi... Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà... Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam, Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ”. Chính từ sự quan tâm động viên của Bác trong những năm tháng chiến đấu gian khổ, đầy hy sinh ấy đã trở thành động lực để nhân dân miền Nam kiên cường chiến đấu làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Người.

Phương Vy

Bình luận

ZALO