Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:39 GMT+7

Tình ca về dòng sông Sê Pôn

Biên phòng - Chương trình Giao lưu hữu nghị biên giới là một điểm nhấn trong hoạt động đối ngoại của BĐBP trong thời gian qua. Tôi còn nhớ, trong bữa cơm chia tay sau Chương trình Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào năm 2019 tổ chức tại thị trấn Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, Một người lính Quân đội nhân dân Lào đã hát bài “Cỏ non Thành cổ” khiến cả khán phòng lặng im, bồi hồi vì xúc động. Những tiết mục văn nghệ đặc sắc được biểu diễn trong Chương trình giao lưu hữu nghị biên giới thường để lại dấu ấn không chỉ đối với người xem, mà còn là chất xúc tác, gắn kết giữa ca sĩ 2 nước, sau những ngày cùng nhau luyện tập để thực hiện chương trình.

Tiết mục văn nghệ đặc sắc do các diễn viên 2 nước Việt Nam - Lào đồng diễn trong Chương trình Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào năm 2019. (anh Sâm Lệch Si Ra hàng sau, đứng thứ 3, từ phải sang). Ảnh: Văn Chương

Chương trình giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam – Lào năm 2019 tổ chức vào tối 29-7-2019 tại thị trấn Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, quân nhân Lào là Sâm Lệch Si Ra đã gây bất ngờ khi hát bài Cỏ non Thành cổ. Giọng ca sâu lắng, nồng ấm của anh khiến người xem xúc động. Sau buổi giao lưu, tôi gặp riêng chàng thiếu úy, ca sĩ người Lào để trò chuyện. Đó là một quân nhân có gương mặt hiền lành, ánh mắt sâu, anh nói tiếng Việt khá sõi và cho biết, mình đã nhiều lần tham gia các hoạt động của chương trình giao lưu hữu nghị biên giới do 2 nước tổ chức, vì vậy, anh cố gắng học thêm tiếng Việt để tiện trong việc giao tiếp.

Tôi hỏi, tại sao anh lại chọn bài “Cỏ non Thành Cổ”, một bài hát gợi lại nỗi đau rất lớn trong lòng người dân Việt Nam trong chiến tranh? Sâm Lệch Si Ra cho biết, Đoàn Văn công Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Savannakhet tổ chức luyện tập văn nghệ để tham gia Chương trình giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào năm 2019, anh đã tìm hiểu và chọn hát bài “Cỏ non Thành Cổ”. Vì bài hát này ca ngợi những người lính Việt Nam anh hùng. Trong trận đánh ở Thành cổ Quảng Trị, có rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh để đem lại vinh quang cho Tổ quốc. Sâm Lệch Si Ra hát bài hát này là để sẻ chia nỗi đau và cũng là để tưởng nhớ về những người anh hùng đó.

Sâm Lệch Si Ra nói rằng, những lần sau, nếu được sang Việt Nam dự chương trình giao lưu thì vẫn sẽ hát lại bài “Cỏ non Thành cổ”, vì bài hát mang lại cho anh nhiều cảm xúc và anh luôn nghĩ đến những năm tháng bộ đội Việt Nam và Lào cùng sát cánh chiến đấu bên nhau. Anh hy vọng, qua bài hát này sẽ góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị Việt - Lào anh em. Sâm Lệch Si Ra nâng chén rượu chúc mừng và hẹn tôi ngày gặp lại. Còn tôi thì chúc anh tiếp tục mang lời ca, tiếng hát của mình đi nhiều nơi, không chỉ hát tại Việt Nam, mà còn hát ngay trên đất Lào quê hương anh, để góp phần tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân 2 nước.

Trong những dịp tổ chức Chương trình giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào, các tiết mục văn nghệ thường tạo ra những hiệu ứng rất tốt cho buổi giao lưu. Cứ nhìn ánh mắt say mê, nụ cười của những người ngồi dưới hàng ghế khán giả thì sẽ hiểu được điều đó. Những tiết mục văn nghệ có ca từ hay, thắm tình anh em Việt - Lào như bài “Hà Nội - Viêng Chăn”. Tiết mục này được chọn mở đầu chương trình giao lưu. Trong bài hát này có ca từ nhắc đến tiếng đàn bầu ngân vang, tình nghĩa Việt Nam - Lào sâu hơn nước Hồng Hà: “Thương nhau, vui buồn bên nhau/ Trọn nghĩa sâu hơn nước Hồng Hà/ Tình ta sâu hơn nước Cửu Long...”.

Trong chương trình giao lưu thường được xen kẽ bởi những đoạn phim ngắn. Và xuyên suốt buổi giao lưu, dòng sông Sê Pôn luôn hiện ra với vẻ hiền hòa, gắn bó với đời sống của 2 dân tộc. Sông Sê Pôn được giới thiệu bắt nguồn từ vùng Muang Samoyoy thuộc huyện Mường Nông, tỉnh Savannakhet của Lào và lặng lẽ chảy dưới bóng đại ngàn Trường Sơn, đi qua 11 xã, thị trấn của tỉnh Quảng Trị, rồi quay trở lại đất Lào. Nhiều lời nói đầy ân tình của những vị khách mời đã kể lại những kỷ niệm về nghĩa tình 2 dân tộc bên dòng sông đó.

Thiếu tướng Phu Viêng Liêm Ma Phong Sả, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Salavan, Lào tâm tình rằng: “Tôi rất vui khi được tham gia Chương trình giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào. 2 nước chúng ta có truyền thống gắn bó, yêu thương nhau và khi khó khăn, gian khổ thì sẵn sàng giúp nhau, hạt gạo cắn đôi.

Trong kháng chiến cứu nước, hai bên cùng chống kẻ thù chung, hàng ngàn con em Việt Nam đã sang Lào chống giặc ngoại xâm vì độc lập tự do của Tổ quốc. Khi đất nước thanh bình thì hàng ngàn người con cháu của Lào, những cán bộ được Việt Nam tạo điều kiện giúp đỡ, đào tạo. Chúng tôi không bao giờ quên sự giúp đỡ chí tình của Việt Nam dành cho Lào”.

Các quân nhân Lào tại Chương trình giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào năm 2019. Ảnh: Văn Chương

Đại tá Sút Tha Sổm Bun Thạ Sing, Phó Giám đốc Ty An ninh Savanakhet, Lào chia sẻ: “Trong thời gian qua, 2 bên đã tổ chức triển khai nhiều chương trình trong biên bản ghi nhớ, thỏa thuận của Bộ Quốc phòng 2 bên, nổi bật là công tác đấu tranh phòng ,chống tội phạm”.

Ông Phùng Khắc Lợi, từng là một chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang trước năm 1972 ở Quảng Trị, sau đó, do điều kiện công tác nên ông nhập quốc tịch Lào và từng giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Sa Muội cũng có mặt tại chương trình giao lưu.

Ông Lợi tâm tình: “Đứng ở đây, tôi thấy như được trở về quê hương, có những người bạn cùng tham gia kháng chiến chống Mỹ với tôi giờ cũng có mặt ở đây, cũng có người đã ra đi vĩnh viễn. Nhân dân huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã chung lưng, chung sức với bà con ở tỉnh Savannakhet đánh thắng giặc ngoại xâm. Ngày hôm nay, chúng ta còn sống, đó là niềm hạnh phúc, hãy cùng chung tay vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO