Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 21/03/2023 12:40 GMT+7

Tín ngưỡng thờ vua và trung thần trong chùa của người Việt

Biên phòng - Có một ngôi chùa thờ vua cùng 2 trung thần trong triều đại là minh chứng cho Phật giáo đi cùng tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam nhiều đời nay. Đó là chùa Trung Tiết tọa lạc tại thôn Nghĩa Hưng, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chùa nằm trong hệ thống di tích đền thờ và lăng miếu các vua Trần của quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.

zlhg_8a
Nét vàng son đã trở lại ngôi tam bảo chùa Trung Tiết sau khi được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: Xuân Quảng

Ở phía sau chùa Trung Tiết về phía Bắc là Thái miếu và lăng mộ vua Trần Anh Tông, xa hơn là núi Ngọa Vân - Thánh địa Trúc Lâm, cách chùa không xa về phía trước là đền An Sinh và chùa Quỳnh Lâm. Di tích kiến trúc tôn giáo lâu đời này có mối quan hệ chặt chẽ với khu di tích đền và lăng mộ các vua Trần ở xã An Sinh, đặc biệt là di tích lăng mộ vua Trần Anh Tông. Hiện nay, trong nhà Tổ của chùa còn lưu giữ tượng thờ vua Trần Anh Tông - vị vua thứ 4 nhà Trần cùng 2 trung thần là Đặng Tảo và Lê Chung. Đó chính là sự độc đáo của ngôi chùa cổ có đền thờ vua và 2 trung thần duy nhất ở Việt Nam. Đây có thể xuất phát từ quan niệm tín ngưỡng và tôn giáo đi liền với nhau trong đời sống chúng sinh như tinh thần của thiền phái Trúc Lâm. 

6 thế kỷ sau, vua Tự Đức, triều Nguyễn đến thăm chùa Trung Tiết đã ngự bút viết bài tổng vịnh, khắc vào bia đá, ghi lại tâm đức các vị thánh nhân được thờ phụng trong chùa. Tại đây còn lưu giữ văn bia đá xanh cao 1,44m, rộng 0,79m, dày 0,2m được khắc hai mặt, một mặt còn rõ chữ, một mặt chữ bị mờ. Trán bia trang trí lưỡng long chầu nguyệt và hoa văn mây xoắn, diềm bia mặt trước trang trí hoa văn lá dây mềm mại, mặt sau khắc mỗi bên 7 ô tròn, mỗi ô khắc một chữ thành hai câu đối.

Văn bia dựng đời Nguyễn có khắc cả bài ngự bút Hoàng triều Tự Đức ngự chế tổng vịnh. Bài tổng vịnh của vua Tự Đức viết khá chi tiết về 2 danh thần nhà Trần được thờ trong chùa là Đặng Tảo và Lê Chung, dịch là: Trần Anh Tông ở ngôi 21 năm, Thiền vị, Hoàng thái tử Hoảng, mất ở cung Trùng Quang. Khi bệnh chuyển nặng, Đặng Tảo thường đứng hầu bên giường ngự để viết di chiếu. Vua Anh Tông băng, vua Minh Tông đích thân khâm liệm. Lúc đó, chỉ có Trần Quốc Chẩn, Đặng Tảo và gia nhi của chủ đô Lê Chung tham gia việc ấy. Khi an táng vua Anh Tông ở Thái Lăng tại Yên Sinh, Đặng Tảo, Lê Chung đều tới hầu lăng tẩm. Lúc vua đến bái yết lăng, Đặng Tảo thường lánh đi chỗ khác, chỉ có ý nguyện phụng thờ lăng tẩm mà thôi, không mong muốn điều gì hơn. 

Vua thương Đặng Tảo nghèo, ban cho 20 mẫu ruộng, sai Trần Thế Hưng mang giấy cho. Ruộng đó vốn khi trước đã ban cho thứ phi của vua là Thiên Xuân. Bà Thiên Xuân cứ giữ giấy cũ, cho người nhà cày cấy. Vua biết việc, cho thu hồi giấy của Thiên Xuân. Thiên Xuân phải trả ruộng cho Đặng Tảo, Đặng Tảo chẳng lấy làm mừng...  

Lê Chung cho dời mồ mả tổ tiên đến chôn cất tại Yên Sinh, bán ruộng đất, nhà cửa, đưa gia quyến, vợ con đến đây cất nhà sinh sống. Cả Đặng Tảo và Lê Chung đều sống tại đây cho đến khi qua đời. Sau này, vua Trần Nghệ Tông đến Yên Sinh, nhớ tới 2 người bề tôi đó, liền lệnh cho trùng tu nhà thờ cũ của Đặng Tảo và Lê Chung thành chùa và ban cho tên là chùa Trung Tiết. 

Qua văn bia, người đời được biết, Đặng Tảo là một nhà khoa bảng lớn, đã đỗ Thái học sinh. Hơn nữa, ông là một thần tử với tài năng, đức độ vào hạng ưu mới được trực bên giường bệnh của nhà vua để viết di chiếu. Điều đó chứng tỏ Đặng Tảo là một nhân vật đáng lưu danh hậu thế.  

Năm 2017, ngôi chùa đã được trùng tu, tôn tạo, xây mới tam quan, cổng phụ, tam bảo, nhà mẫu, đền thờ vua Trần Anh Tông và Đặng Tảo, Lê Chung... trên diện tích 2,55ha với tổng mức đầu tư trên 79 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân và du khách. Cũng là để giữ gìn những di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, gìn giữ các di sản văn hóa vật thể, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể như giáo lý, triết học, giáo dục và nghi lễ của Phật giáo. Đây cũng còn là sự tôn vinh công lao, sự trung thành của 2 vị Đặng Tảo và Lê Chung, những tấm gương trung nghĩa hiếm có trong lịch sử dân tộc đã được nhân dân truyền đời thờ phụng. 

Chùa Trung Tiết không chỉ có giá trị trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn có văn bia là chứng tích lịch sử, có giá trị nghiên cứu, sử liệu. Nhân thân của những nhân vật bí ẩn trong các triều đại lịch sử, đóng vai trò mấu chốt trong những thời điểm đột biến được ghi lại để dành cho những nghiên cứu sâu và lâu dài hơn. Điều vui mừng là trải qua nhiều thăng trầm biến cố, ngôi chùa vẫn giữ được nét cổ kính, là nơi tham quan chiêm bái của khách thập phương như tiền nhân đã từng mong muốn. 

Xuân Quảng

Bình luận

ZALO