Biên phòng - Iraq và Saudi Arabia đã lên kế hoạch mở cửa biên giới nối liền thị trấn An Nukhayb (Iraq) và thị trấn Arar (Saudi Arabia) với mục đích thông thương lần đầu tiên trong gần 30 năm. Biên giới Iraq và Saudi Arabia đóng cửa từ khi hai nước cắt đứt quan hệ vào năm 1990, thời điểm cựu Tổng thống Saddam Hussein tiến hành tấn công Kuwait.

Hôm 15-8, các hãng truyền thông địa phương của Saudi Arabia đưa tin, quan chức Saudi Arabia và Iraq đã đi thăm thực tế khu vực biên giới hai nước và trao đổi với những người hành hương tại đây. Trong vòng 27 năm qua, người hành hương Iraq chỉ được đi qua biên giới để tới thánh địa Mecca tại Saudi Arabia mỗi năm một lần trong mùa lễ Hajj.
Thống đốc tỉnh Anbar, tỉnh biên giới Tây Nam của Iraq, Suhaib al-Rawi nhận định, việc mở cửa biên giới thị trấn Arar là một “bước tiến quan trọng” nhằm giúp củng cố quan hệ giữa Baghdad và Riyadh. Bên cạnh đó, Iraq đã triển khai quân đội tới để bảo vệ tuyến đường biên giới. Thỏa thuận mở cửa biên giới cũng được đưa ra cùng thời điểm nội các Saudi Arabia thông báo nước này và Iraq sẽ thành lập một ủy ban thương mại chung với mục tiêu tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Năm 2015, Riyadh và Baghdad tái thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ hai nước trở nên nồng ấm sau chuyến thăm tháng 6 vừa qua của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tới Vương quốc Saudi Arabia. Trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Haider al-Abadi và Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud, hai nước đã tập trung thảo luận về sự cần thiết phát triển quan hệ kinh tế và thương mại. Quan trọng hơn, hai nước đã lên kế hoạch mở lại biên giới. Đến tháng 7 năm nay, Bộ Giao thông Iraq cho biết, 7 điểm xuất nhập cảnh bổ sung đã được xây dựng để tạo điều kiện cho vận chuyển thương mại trên tuyến đường biên giới dài 812km.
Với những chiến thắng gần đây của Iraq đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cùng nỗ lực của Riyadh trong việc hạn chế tầm ảnh hưởng của Iran, tăng cường quan hệ với Baghdad là một phần của chiến lược mở rộng vị thế của Saudi Arabia. Đồng thời, cuộc bầu cử tại Iraq đang gần kề, các liên minh mới đang được hình thành, đây là thời gian “chín muồi” để Saudi Arabia xây dựng mối quan hệ với các chính trị gia và các nhà lãnh đạo Iraq trong tương lai.
Việc củng cố quan hệ với Iraq cũng được phía Washington ủng hộ và tạo điều kiện, hơn nữa Mỹ cũng thúc đẩy Riyadh vượt qua những nghi ngờ về Iraq. Trong một động thái khác, chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ý định rõ ràng về việc hạn chế các hoạt động của Iran tại Trung Đông bằng các biện pháp trừng phạt mới đối với nước này.
Nhận định về các động thái trên của Mỹ, Giáo sư Denise Natali tại Đại học Quốc phòng ở Washington cho biết Iraq cần mối quan hệ tích cực và cân bằng với tất cả các nước láng giềng. Đối với Mỹ, Iraq là một đối tác chiến lược cũng như Saudi Arabia, và không nước nào muốn chứng kiến Iran tăng sức ảnh hưởng lên Iraq.
Từ năm 2003, Iran trở thành quốc gia có sức ảnh hưởng lớn đến Iraq thông qua hoạt động hỗ trợ vũ trang quân sự hoặc qua các phe phái chính trị. Hiện tại, Tehran đang ngày càng tác động sâu sắc đến chiến lược và kinh tế tại Iraq. Iran đang xây dựng cơ sở hạ tầng dọc Iraq để nối liền tới Syria, quản lý một số khu vực kinh tế do người Shiite kiểm soát và đang tiếp tục giành được sự ủng hộ của các lực lượng quân sự tại Iraq.
Thủ tướng Haider al-Abadi đang nỗ lực tạo dựng quan hệ gần gũi hơn với Riyadh và bắt đầu cân bằng quan hệ với Iran để Saudi Arabia có thể tiến hành đầu tư giúp tái thiết những khu vực bị tàn phá tại Iraq và phát triển nền kinh tế ở các địa phương. Song song với đó, chính sách của Iraq cũng cần thay đổi để hòa hợp hơn với người Arab dòng Sunny.
Các chính trị gia Iraq hiểu rằng, sự hỗ trợ của Saudi Arabia sẽ giúp tăng cường quan hệ với các nước Arab khác. Về phần Saudi Arabia, các nhà phân tích cho hay, Riyadh nhìn nhận được tương lai Iraq sẽ quay trở lại liên minh cùng các nước Arab.
Hà Thu