Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:19 GMT+7

Tín hiệu tích cực trên bán đảo Triều Tiên

Biên phòng - Quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đang nồng ấm trở lại sau nhiều động thái tích cực, mở ra cơ hội lớn cho tiến trình hòa bình và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.

5ac49bbb7a76df538200115a
Quan chức Hàn Quốc kiểm tra “đường dây nóng” trực tiếp để liên lạc với phía Triều Tiên ở làng đình chiến Panmunjeom ngày 3-1-2018. Ảnh: Reuters

Động thái tích cực mới nhất trên bán đảo Triều Tiên là ngày 4-4 hai bên nhất trí sẽ thảo luận về cách thức thiết lập “đường dây nóng” liên Triều tại văn phòng lãnh đạo hai nước. Việc thiết lập đường dây nóng tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là một trong những nội dung của thỏa thuận liên Triều đạt được trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của phái đoàn cấp cao Hàn Quốc do Giám đốc Văn phòng an ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Chung Eui-yong dẫn đầu vào tháng trước.

Người phát ngôn Bộ Thống nhất Baik Tae-hyun nêu rõ, quan chức hai bên sẽ thảo luận về mặt kỹ thuật của “đường dây nóng” vào ngày 7-4 tới tại phía Bắc của làng đình chiến Panmunjeom nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4 này. Ngày 5-4, hai bên cũng tổ chức các cuộc thảo luận cấp chuyên viên để thảo luận về chương trình nghị sự, vấn đề an ninh cũng như việc đưa tin trên truyền thông ở Panmunjeom bên phía Hàn Quốc.

Trong diễn biến phản ánh dấu hiệu tích cực trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, hãng tin Yonhap đưa tin đoàn nghệ thuật Hàn Quốc đã tổ chức buổi biểu diễn thứ 2 và cũng là buổi biểu diễn sau cùng tại Bình Nhưỡng trong ngày 3-4 với có sự tham gia của các nghệ sĩ Triều Tiên.

Những động thái tích cực trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều dự kiến diễn ra ngày 27-4 ở làng đình chiến Panmunjeom. Nếu cuộc gặp thượng đỉnh lần này diễn ra theo đúng kế hoạch, ông Kim Jong-un sẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên vượt qua khu vực biên giới liên Triều, ít nhất là từ sau khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Tuy nhiên, giới phân tích chưa hoàn toàn lạc quan có thể giải quyết dứt điểm vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Bởi vẫn có nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi về đề xuất đối thoại của Triều Tiên liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, hiện chưa rõ những “đảm bảo an ninh” mà Triều Tiên mong muốn để đổi lại việc từ bỏ chương trình hạt nhân chính xác là gì.

Trước đó, Triều Tiên đã chỉ trích các cuộc hội đàm hợp tác quốc phòng giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, cho rằng sự hợp tác như vậy sẽ dẫn đến đối đầu và chiến tranh. Chưa hết, ngày 3-4, truyền thông chính thức của Triều Tiên còn kêu gọi Hàn Quốc tránh bất kỳ hành động nào có thể làm phương hại nỗ lực nối lại quan hệ hữu hảo liên Triều hiện nay. Lời kêu gọi trên được đưa ra nhằm phản đối việc Hàn Quốc tổ chức lễ tưởng niệm 8 năm tàu chiến Hàn Quốc Cheonan bị chìm.

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đã gọi một buổi lễ là "một hành động đối đầu không thể bỏ qua được làm xấu đi mối quan hệ liên Triều đã được cải thiện". Nhật báo trên đã gọi buổi lễ này là một tình huống đối đầu chống Triều Tiên do những quan chức bảo thủ của Hàn Quốc nghĩ ra nhằm phá hủy hoàn toàn quan hệ liên Triều.

Chính vì thế, vẫn có nhiều lo ngại tình hình Triều Tiên sẽ vẫn có các biến động trong bối cảnh các cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều và Mỹ-Triều dự kiến sẽ diễn ra lần lượt vào tháng 4 và tháng 5 tới.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO