Biên phòng - Với việc ký kết các thỏa thuận, hiệp định thương mại với các nước láng giềng, hoạt động thương mại biên giới (TMBG) ở nước ta trong những năm gần đây đã phát triển liên tục theo hướng tích cực, về cơ bản duy trì được đà tăng trưởng khá. Qua đó tạo đòn bẩy để phát triển những vùng kinh tế trọng yếu, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân vùng biên.
Việt Nam có đường biên giới chung với 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, trải dài trên 25 tỉnh biên giới của nước ta. Theo bà Bùi Bích Liên, đại diện Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam, trên toàn tuyến đã hình thành 24 cửa khẩu quốc tế, 26 cửa khẩu chính, 86 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở; được đầu tư xây dựng 28 khu kinh tế cửa khẩu và 295 chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác về thương mại, cụ thể là Hiệp định TMBG Việt Nam-Lào (năm 2015); Hiệp định TMBG Việt Nam-Trung Quốc (năm 2016) và một loạt thỏa thuận hợp tác thương mại với Campuchia đã tạo nền tảng pháp lý đi kèm với những chính sách hỗ trợ thúc đẩy TMBG Việt Nam phát triển.
Bà Liên cho biết, theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới hiện nay đạt khoảng 30 tỷ đô-la Mỹ/năm, tăng bình quân trên 20%/năm. Trong đó, tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc chiếm khoảng 85%, tuyến biên giới Việt-Lào chiếm gần 5% và tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia chiếm trên 10% tổng giá trị kim ngạch.
Hiện, tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc có 32 cặp cửa khẩu (7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính và 19 cửa khẩu phụ). Phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước, một số cửa khẩu phụ đã được nâng cấp lên thành cửa khẩu chính. Cơ sở hạ tầng như bến bãi, kho hàng tại các cửa khẩu được đầu tư mở rộng, nâng cấp. Hệ thống giao thông kết nối cũng đã được nâng cấp mở rộng (như Lũng Pô-Lào Cai, Trà Lĩnh-Cao Bằng, Chi Ma-Lạng Sơn, Hoành Mô-Quảng Ninh...).
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK), mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt-Trung hằng năm đều tăng mạnh trên bình diện tăng trưởng nhanh kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bộ Công thương cho biết, năm 2016, kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt gần 72 tỉ USD. Tổng kim ngạch XNK năm 2017 cán mốc 93,8 tỉ USD, tăng 21,79 tỉ USD so với năm 2016. Trong 9 tháng của năm 2018, tổng kim ngạch XNK sang Trung Quốc đạt hơn 75 tỉ USD. Trong đó, TMBG chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc.
Hiệp định TMBG Việt Nam-Lào được ký kết tháng 6-2015 đã tạo hành lang pháp lý, tạo cơ hội tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và dịch vụ hỗ trợ thương mại tại khu vực biên giới. Tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Lào năm 2017 đạt 935,8 triệu USD, tăng 13,6% so với năm 2016. Trong 8 tháng của năm 2018, con số này đạt 655,8 triệu USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ.
Trên đà phát triển chung, quan hệ thương mại Việt Nam-Campuchia cũng đã có bước tăng trưởng tích cực. Năm 2017, kim ngạch XNK giữa hai nước đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng hơn 29% so với năm 2016. Ước tính, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 giữa Việt Nam và Campuchia có thể đạt trên 4,5 tỷ USD. Đây là bước tiến lớn trong quan hệ thương mại giữa hai nước.
Đánh giá tác động của hoạt động TMBG những năm qua, bà Liên cho rằng, TMBG đã trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội trên những địa bàn biên giới. Trước hết, hoạt động TMBG là động lực để đầu tư phát triển hạ tầng. Các dịch vụ hỗ trợ như: Bốc dỡ hàng hóa, thông quan, vận tải, kho vận, đóng gói, chế biến, thanh toán... cũng phát triển theo. Và theo đó, nhiều cơ hội việc làm đã được tạo ra, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con, các địa phương biên giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, TMBG vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: “Hệ thống kho bãi tại một số cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là hệ thống kho lạnh, kho mát chưa được đầu tư. Việc mua bán, trao đổi một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam vẫn theo hình thức đi chợ, không có hợp đồng mua bán; dịch vụ thanh toán còn nhiều bất cập, gây rủi ro cho doanh nghiệp; thông tin về TMBG phục vụ công tác quản lý và điều hành còn thiếu... Đây là những vấn đề mà trong thời gian tới chúng ta phải tiếp tục giải quyết, tháo gỡ nhằm phát triển TMBG, xứng với tiềm năng của nó” - Bà Liên phân tích.
Bích Nguyên