Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:15 GMT+7

“Tín dụng đen” hoành hành tại các buôn làng Tây Nguyên

Biên phòng - Thời gian gần đây, “tín dụng đen” đã trở thành vấn nạn tại tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh khu vực Tây Nguyên, gây thiệt hại cho nhiều người dân, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.

tbhq_11a
Một nhóm đối tượng hoạt động “tín dụng đen” bị Công an thành phố Buôn Ma Thuột bắt giữ. Ảnh: Minh Thông

Giữ xe, bắt lợn… xiết nợ

Hoạt động “tín dụng đen” diễn biến rất phức tạp, với nhiều hình thức cho vay khác nhau, như vay trực tiếp bằng tiền mặt hoặc vay bằng hình thức bán nợ các sản phẩm hàng hóa, phân bón, vật tư nông nghiệp, khi đến vụ thu hoạch, người cho vay thu lại bằng sản phẩm nông sản, với giá bị ép thấp hơn giá thị trường... Nhiều người đã dính bẫy “tín dụng đen”, dẫn đến thiệt hại về kinh tế, bị uy hiếp tinh thần.

Một trong những nạn nhân của “tín dụng đen” là gia đình ông Y Đrung và bà H,Nháp Niê, ở buôn Trấp (xã Ea H,đinh, huyện Cư M,gar) từng bị một nhóm xã hội đen đến nhà xiết nợ. Bà H,Nháp Niê cho biết, tháng 6-2018, do hoàn cảnh quá khó khăn, vợ chồng bà được giới thiệu vay 100 triệu đồng của nhóm người lạ để mua phân bón, chi tiêu sinh hoạt gia đình với lãi suất 10.000 đồng/ triệu/ngày. Trong đời, bà chưa bao giờ vay được số tiền lớn mà lại dễ đến vậy.

Nhưng niềm vui chẳng được lâu, chỉ vài ngày sau, bà bắt đầu “choáng váng” với số tiền lãi phải trả hằng ngày. Sau 20 ngày của tháng đầu tiên, gia đình bà phải trả 20 triệu đồng tiền lãi, tháng thứ hai chạy vạy khắp nơi cũng chỉ kiếm được 8 triệu để trả lãi, sang tháng thứ ba không thể trả được nữa. Sau đó, một nhóm 4 thanh niên đi ô tô đến nhà bắt đi một con lợn và thu giữ một xe máy (của con rể bà) và bắt ký vào một tờ giấy nợ, mặc dù vợ chồng bà H,Nháp đều không biết chữ.

Tương tự, bà Tạ Thị Hoa, ở thôn 5 (xã Ea Nam, huyện Ea H,leo) cũng lâm vào cảnh lao đao, khốn đốn vì vay nặng lãi. Cụ thể, cách đây khoảng 1 năm, do cần tiền để giải quyết việc gia đình mà không xoay xở đâu được nên bà đã tìm đến dịch vụ vay tiền nhanh. Bà vay được 10 triệu đồng, nhưng thực nhận chỉ được 9,2 triệu vì chủ nợ lấy 300 ngàn tiền làm hồ sơ vay, 500 ngàn tiền góp của ngày đầu tiên. Số tiền này bà cam kết phải trả góp trong vòng 24 ngày, mỗi ngày 500 ngàn. Trả góp được 12 ngày thì bà không còn tiền để đóng, bất đắc dĩ  bà phải vay tiếp thêm 10 triệu để trả cho khoản vay đầu nên số tiền góp phải đóng hằng ngày tăng lên gấp đôi.

Không xoay xở đâu ra mỗi ngày 1 triệu đồng để góp cho chủ nợ, bà Hoa phải bỏ nhà đi xuống thành phố Hồ Chí Minh làm thuê kiếm tiền trả nợ. Khi không thấy bà ở nhà, chủ nợ điện thoại cho bà liên tục với những lời lẽ đe dọa và chửi bới. Để có tiền trả nợ, bà phải quần quật bán nước trên vỉa hè, cộng với tiền mấy đứa con hỗ trợ mới đủ mỗi ngày 1 triệu đồng chuyển khoản đóng cho chủ nợ. 

Trên địa bàn Đắk Lắk còn 30 nhóm, với 129 đối tượng và 74 đối tượng hoạt động riêng lẻ, 29 cơ sở kinh doanh có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”. Phần nhiều đối tượng có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh phía Bắc, được tổ chức bài bản, chiêu thức tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng.

Không riêng Đắk Lắk, các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên cũng rơi vào tình trạng tương tự, có nơi vấn nạn “tín dụng đen” rất “nóng”. Những nguyên nhân chính dẫn bà con vướng vào bẫy vay nặng lãi của bọn xã hội đen là địa hình phức tạp, có xã cách xa trung tâm đến hàng chục cây số, bà con khó tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng. Trong khi đó, các đối tượng cung cấp dịch vụ tài chính trái pháp luật lại làm thủ tục nhanh, gọn, đáp ứng mọi nơi mọi lúc, khi người dân có nhu cầu.

Một số nhóm còn hoạt động với hình thức là chủ quầy tạp hóa, các điểm cung ứng vật tư phân bón nhỏ lẻ, thu mua nông sản, dịch vụ cầm đồ... Người dân khó khăn, bọn này sẵn sàng cho mua vật tư, phân bón, lương thực, thực phẩm dưới hình thức nợ ghi sổ, đến ùa thu hoạch trả nợ bằng các sản phẩm. Cứ thế, cái bẫy của chúng giăng khắp nơi.

Mở rộng kênh tiếp cận vốn cho người dân

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn cao là môi trường để “tín dụng đen” diễn ra phức tạp. Nhiều người dân chưa lường hết được tác hại mà vẫn tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi. Hơn thế nữa, giá cả của nông sản chủ lực của địa phương như: Cà phê, tiêu, bơ, sầu riêng... không ổn định và xu hướng giảm xuống thấp, khiến người dân gặp khó khăn. Bên cạnh đó, thực tế thì mức cho vay tối đa và thời hạn cho vay của một số chương trình tín dụng chính thống còn thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn và chưa phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh, ngành nghề, hoạt động chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp lâu năm tại địa phương.

Để đẩy lùi loại hình tội phạm này, Công an tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện Kế hoạch số 354 ngày 4-10-2018 về đấu tranh chống tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh, trong đó, tập trung lực lượng để rà soát, lên danh sách đối tượng, nắm tình hình, đấu tranh làm rõ các hành vi phạm tội liên quan đến “tín dụng đen” như cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích... nhằm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Từ khi triển khai kế hoạch đấu tranh chuyên đề này, đến nay, Công an tỉnh đã đấu tranh, triệt phá, làm tan rã hàng chục nhóm với hơn 100 đối tượng và nhiều cơ sở kinh doanh có liên quan.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đắk Lắk chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng tuyên truyền đến người dân về quyền và nghĩa vụ, an toàn trong vay vốn qua hệ thống ngân hàng; thông tin rộng rãi các gói vay ưu đãi, các quỹ hỗ trợ của Nhà nước để người dân tiếp cận vay vốn; tăng cường hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi về hồ sơ tín dụng, tránh nhũng nhiễu, phiền hà khi người dân vay vốn, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đắk Lắk cho biết, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân trong việc tiếp cận vốn chính thống. Đồng thời, các tổ chức tín dụng đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tín dụng, triển khai thêm các hình thức cung cấp thông tin cho người dân về các gói vay ngắn hạn, dài hạn, nhất là vay ưu đãi; giải quyết, đơn giản hóa các thủ tục cho vay, thanh toán để giúp đồng bào tiếp cận vốn dễ dàng.

Ông Trần Mốt, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đắk Lắk khẳng định, hầu hết các chương trình cho vay từ vốn chính sách không cần phải thế chấp tài sản, người dân thuộc đối tượng phục vụ của tín dụng chính sách khi có nhu cầu vay vốn sẽ được các tổ vay vốn hỗ trợ, bình xét, hồ sơ vay vốn rất đơn giản, thủ tục được giải quyết một cách nhanh chóng. Ngân hàng cũng sẽ thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi, tín dụng đặc thù; chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong hệ thống phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể trong việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách vay vốn và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Minh Thông

Bình luận

ZALO