Biên phòng - “Giá sá sùng tươi dao động từ 350.000-450.000 đồng/kg. Còn giá sá sùng khô khoảng 6 triệu đồng/kg. Người nào thạo nghề có thể đào trong vòng 5-7 ngày là kiếm được 1 chỉ vàng. Vì thế, người ta thường gọi nghề này là nghề bới cát tìm vàng” - anh Hoàng Đức Tuyên, thôn Đông Nam, xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh vui vẻ chia sẻ với tôi.

Sáng sớm tinh mơ, bãi triều trên đảo Quan Lạn thấp thoáng từng tốp người với chiếc mai trên tay cúi mặt trên cát tìm đào sá sùng - loài hải sản quý hiếm. Người ta nói rằng, nghề đào sá sùng là đi săn “lộc trời” quả không sai, bởi chỉ việc quan sát trên mặt cát để tìm tổ, đào bắt loài giun biển này. Mỗi buổi sáng, một người có thể bắt được 1-2kg, thậm chí 3kg, thu về cả triệu đồng.
No đủ nhờ “lộc trời”
“Làm cái nghề này được nhiều hay ít một phần do hên, xui. Hôm nào nhiều thì có thể đào được hơn 2kg sá sùng. Hôm nay làm khó, tôi chỉ bắt được 1kg. Giá bán sá sùng hiện tại là 350.000 đồng/kg. Nhờ nghề này, chúng tôi cũng được no đủ”. - Chị Nguyễn Thị Dung cho biết.
Dụng cụ của những người làm nghề săn sá sùng khá đơn giản, chỉ có một chiếc mai nhỏ với cái rổ hoặc túi đựng “chiến lợi phẩm”. Khi nước biển rút để lộ ra bãi triều là thời điểm mọi người đi săn sá sùng. Chị Nguyễn Thị Hằng lững thững bước đi như tản bộ trên bãi triều. Đột nhiên, với thao tác cực nhanh, chị lao phập lưỡi mai chéo góc xuống cát, dùng hết sức ở hai cánh tay hất nhanh đống cát lên. Thao tác nhanh gọn, dứt khoát diễn ra trong vòng vài giây, một con sá sùng dài chừng 10cm đã lộ mình. Chị Hằng nhanh nhẹn nhặt con sá sùng còn dính cát cho vào chiếc rổ đeo ngang lưng.
Tôi theo bước chân dò tìm “lộc trời” của chị Hằng men ra phía biển tiến tới chỗ một nhóm 3 phụ nữ đứng gần nhau. “Nhiều người đào sá sùng giỏi lắm, như chị mặc áo đỏ kia kìa, mỗi ngày đều đào được ít nhất 2kg” - chị Hằng giới thiệu. Theo hướng chỉ tay của chị, tôi lại gần làm quen với chị Nguyễn Thị Oanh, người được mệnh danh đào sá sùng số 1 ở xã đảo Quan Lạn. “Sá sùng rất “thính”, hễ bị động là chúng tụt sâu xuống cát rất nhanh, vì thế, động tác phải nhanh để khi lưỡi mai lao xuống cát kịp chặn đứng được đường thoát của nó. Tôi làm nghề mấy chục năm rồi mà vẫn để nó sổng, có khi đào 5 tổ không bắt được con nào” - chị Oanh chia sẻ đặc tính của sá sùng với tôi.
Nắng lên chói chang, hơi nước biển mặn mòi khiến không khí trở lên oi bức. Mồ hôi túa ra ướt đẫm lưng áo, những người phụ nữ trên bãi triều vẫn cần mẫn dò tìm sá sùng. Tôi theo sát từng bước chân chị Oanh hỏi chuyện nghề. Chị bảo: “Nghề này tính theo con nước, không phải một tháng làm đủ 30 ngày mà chỉ làm 15-17 ngày. Nước lên thì ở nhà, nước rút lúc nào, chúng tôi đi làm lúc đó, bất kể ngày hay đêm. Có những hôm phải ra bãi từ giữa đêm vì nước rút giờ đó. Nhiều hôm khác lại đi làm từ sáng sớm tới quá trưa, thậm chí 3-4 giờ chiều mới về”.
Tôi chăm chú nhìn xuống mặt cát, không tài nào phát hiện được điều gì khác thường, trong khi cứ đi vài bước chân, chị Oanh lại “ra tay” cực nhanh tóm gọn từng con sá sùng. “Phải quan sát kỹ mặt cát, thấy chỗ mô cát nào tròn tròn là tổ của sá sùng ở dưới đó. Mình phải đào xiên một chút để chặn đường thoát của nó mới chắc ăn” - chị Oanh chỉ cho tôi cách bắt sá sùng. Rồi chị chỉ cho tôi rất nhiều tổ sá sùng, tôi quan sát rất kỹ vẫn không thể nào nhận ra sự khác biệt giữa tổ sá sùng với những mô đất xung quanh. Đúng là học nghề săn “lộc trời” này không dễ chút nào.
Cho đến khi đôi chân của tôi đã mỏi nhừ thì chiếc giỏ đựng sá sùng của chị Oanh đã đầy. Trở về nhà, không kịp nghỉ ngơi, chị Oanh bắt đầu rửa sạch từng con sá sùng rồi xếp lên giàn sấy dưới lò than. “Phải sấy liên tục bằng than 3-4 giờ mới đảm bảo sá sùng khô nhanh, màu sắc đẹp và giữ nguyên được giá trị dinh dưỡng” - chị Oanh chia sẻ.
“Hôm nay bắt được nhiều không chị?” - Tôi hỏi. “Được hơn 100 con, chừng hơn 3kg, em ạ. Loại này khoảng 40 con là được 1kg. 10kg sá sùng tươi sau khi sấy sẽ được 1kg khô” - chị Oanh cho biết. Tôi nhẩm tính, 1kg bán được 450.000 đồng, vậy là buổi sáng nay, người phụ nữ này kiếm được khoảng 1,3 triệu đồng. Giờ tôi mới hiểu tại sao đã là chủ một nhà nghỉ mà chị Oanh vẫn giữ nghiệp “mẹ truyền, con nối” mấy chục năm nay. Chị nói như giải thích: “Làm du lịch lợi nhuận cao, nhưng chỉ được mấy tháng mùa Hè thôi. Còn lại, thu nhập chính của chúng tôi vẫn là con sá sùng này”.
Nỗi lo suy giảm nguồn lợi sá sùng
Cả bãi triều tôi chỉ thấy bóng dáng một người đàn ông là anh Hoàng Đức Tuyên. Hỏi chuyện mới biết, sáng nào vợ chồng anh cũng có mặt ở bãi biển để thu mua sá sùng tươi. Anh cho hay: “Sá sùng có giá trị dinh dưỡng cao, là loại gia vị tạo nên vị thơm ngon đặc biệt cho nước dùng chế biến món phở nổi tiếng của Việt Nam. Mỗi kg sá sùng khô vì thế có giá trị bằng cả chỉ vàng. Tôi thu mua sá sùng gần 20 năm nay rồi. Người làm nghề này có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày nên người dân ở đây có cuộc sống khá dư giả”.

Kể chuyện nghề, anh Tuyên bảo: “Việc thu mua ngày càng khó khăn hơn do sản lượng sá sùng giảm. Trước đây, mỗi ngày tôi có thể mua được 40-50kg sá sùng. Bây giờ, sản lượng thu mua giảm đến 50%, có hôm chỉ mua được 4-5kg thôi. Như hôm nay, từ sáng tới giờ, tôi mới thu mua được 1kg”.
Trao đổi với chúng tôi về tình hình phát triển kinh tế của địa phương, ông Lưu Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Quan Lạn cho biết, hiện nay, toàn xã có khoảng hơn 500 lao động khai thác sá sùng. Diện tích khai thác sá sùng khoảng 360ha. Trong nhiều năm qua, nghề đào sá sùng đã nuôi sống nhiều thế hệ người dân Quan Lạn.
Có một thực tế là diện tích bãi triều đang bị thu hẹp, do đó, việc kiếm sống của những người làm nghề đào sá sùng khó khăn hơn trước. “Bãi Trước đã bị đổ cát san lấp từ mấy năm trước, bây giờ, chúng tôi chỉ còn đào sá sùng bãi Sau và bãi Động” - những người phụ nữ đang xới cát tìm “vàng” nói với tôi. Cùng với việc diện tích khai thác bị thu hẹp, tình trạng khai thác quá mức khiến lượng sá sùng có phần suy giảm.
Gần 40 năm làm nghề, hiện giờ, bà Lưu Thị Bích không khỏi băn khoăn trước tình trạng sản lượng sá sùng có dấu hiệu sụt giảm. “Bây giờ khó làm hơn. Sá sùng càng ít đi vì người ta soi hết rồi. Ngày xưa, mỗi ngày tôi đào được mấy kg, giờ ngày nhiều nhất chỉ đào được hơn 1kg. Chúng tôi vẫn dùng mai để đào sá sùng theo kiểu khai thác truyền thống. Thế nhưng, lớp trẻ họ dùng xẻng khoét sâu xuống cát có khi tới gần cả mét, bắt hết con to, con nhỏ mới thôi” - bà Bích chép miệng - “Giờ đến đâu tính đến đó”.
Thiết nghĩ, nếu cứ khai thác bừa bãi, không đi đôi với việc tái tạo và bảo vệ nguồn giống tự nhiên, rất có thể không bao lâu nữa, nguồn lợi sá sùng sẽ suy giảm nhanh chóng. Những người phụ nữ mà tôi trò chuyện đều cho rằng, cần phải cấm việc khai thác sá sùng theo kiểu “tận diệt”, nhất là trong mùa sinh sản. Chính quyền cũng phải có biện pháp bảo vệ các bãi sinh sản, nguồn giống tự nhiên, có như vậy người dân mới có thể giữ nghề.
Bích Nguyên